1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Ký ức Điện Biên:

“Chuyến hàng” đặc biệt 60 năm trước

(Dân trí) - Chuyến xe cuối cùng của Hoàng Tư ở Điện Biên Phủ là chuyến xe chở tướng Đờ-cát về Tuyên Quang, giao cho Cục Chính trị. Đó cũng là chuyến xe đặc biệt nhất của ông - chuyến xe chở thất bại của quân đội Pháp trên chiến trường Đông Dương.

Ông Hoàng Tư, nguyên là lính lái xe ở chiến trường Điện Biên Phủ.
Ông Hoàng Tư, nguyên là lính lái xe ở chiến trường Điện Biên Phủ.

95 tuổi nhưng ông Hoàng Tư (xóm 12, Diễn Lộc, Diễn Châu, Nghệ An) vẫn còn nhanh nhẹn và minh mẫn. Tôi tìm về nhà ông khi mặt trời đã bắt đầu chếch xuống núi nhưng cái nắng đầu hè vẫn còn gay gắt lắm. Chỉ về cái bóng lom khom dắt con bò bên ruộng lúa xanh mướt mát, người hàng xóm chỉ: “Đấy, cụ Tư đấy”. Nói thật, tôi có chút ngạc nhiên khi ông cụ đã ở cái tuổi xưa nay hiếm vẫn giữ được cái dáng dấp nhanh nhẹn ấy.

Trao bò lại cho người con trai, ông dẫn chúng tôi vào nhà. Câu chuyện của 60 năm trước ùa về, nguyên vẹn và mới mẻ như thể nó mới chỉ diễn ra ngày hôm qua.

18 tuổi, Hoàng Tư xung phong vào bộ đội, phiên chế vào trung đoàn 57 (trung đoàn Đội Cung), Nghệ Tĩnh. Sau thời gian chiến đấu ở Quảng Bình, Hoàng Tư trở ra Nghệ Tĩnh. Lúc này, đại đoàn 304 được thành lập, Hoàng Tư được cấp trên phân về đây. "Hồi đó cả nước ta mới chỉ có 2 chiếc xe quân sự thôi. Với tầm nhìn xa trông rộng về cuộc chiến lâu dài, tốn kém sức người sức của, Bác Hồ tính toán mỗi xe bằng sức lực vận chuyển của mấy trăm người. Vậy là Bác Hồ cho chúng tôi đi học lái xe bên Trung Quốc, đó là vào năm 1950”, ông kể.

Lính lái xe Hoàng Tư ngày còn trẻ.
Lính lái xe Hoàng Tư ngày còn trẻ.

Sau 1 năm học lái xe ở Trung Quốc, Hoàng Tư trở về và tham gia giải phóng Mộc Châu. Rồi ông được phân về Cục vận tải thuộc Tổng cục Hậu cần với nhiệm vụ chở lương thực, đạn dược, thuốc men phục vụ chiến dịch Thượng Lào, Trung Lào. Chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, ông được điều lên phục vụ vận tải cho chiến trường. Cứ một lái, một phụ, số xe ít ỏi lúc đó của Việt Minh chịu trách nhiệm vận tải lương thực, súng đạn ra chiến trường. Con đường lên Điện Biên vừa mới được công binh mở ra, hiểm trở và ngoằn ngoèo, trên đầu máy bay địch quần thảo. Đó là một thử thách không nhỏ cho những người lính lái xe.

Suốt mấy tháng phục vụ chiến dịch, nhưng chuyến xe ông nhớ nhất và cũng là kỉ niệm đặc biệt nhất trong đời lái xe của ông chính là “chuyến hàng” đêm mùng 8/5/1954, khi chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng.

“Hôm đó chúng tôi được lệnh chở tù binh Pháp về Tuyên Quang, gồm 150 tên, chủ yếu là quan tư, quan năm. Đặc biệt, trong đoàn tù binh được đưa về Tuyên Quang có tướng Đờ-cát. Đờ-cát cao lớn mặc bộ quần áo sỹ quan, chân đi giày vải, nhìn gọn gàng đúng phong thái con nhà binh”, ông Tư nhớ lại. Do tay lái vững, lại là Đảng viên nên xe ông Tư được phân công chở tướng Đờ-cát cùng 11 sỹ quan Pháp và 5 bộ đội đi theo bảo vệ.

Lính lái xe Hoàng Tư ngày còn trẻ.
Hồi ức về "chuyến hàng" đặc biệt chở vị tướng bại trận của quân đội Pháp trên chiến trường Đông Dương.

Chịu trách nhiệm về sự an toàn cũng như đảm bảo chuyến xe đi đúng lịch trình, đúng thời gian, ông Hoàng Tư lo lắm. Trọng trách càng lớn, ông càng phải cẩn thận hơn trong những vòng cua, những lần vượt đèo. “Suốt cả chặng đường đi, Đờ-cát không mấy khi nói chuyện. Ông ta chỉ ngồi nhai “kẹo giải buồn” (kẹo cao su - PV)”.

Đi qua những vùng nguy hiểm, dù đang ban đêm, xe cũng không dám bật đèn. Thậm chí, có những lần vượt đèo, để tránh máy bay địch, chúng tôi chỉ bật đèn gầm. Xe cứ đi như trên mây, bọn tù binh ngồi sau thùng rúm ró lại vì sợ. Xe vượt qua đèo an toàn, Đờ-cát và mấy sỹ quan Pháp trầm trồ khen “lái xe Việt Minh giỏi”, ông Tư kể tiếp.

Trên đường đi, có những đoạn bom máy bay Pháp thả xuống vẫn nằm lăn lóc. Cán bộ ta hỏi Đờ-cát: “Đoạn đường này vẫn còn bom của các ông thả xuống. Giờ các ông muốn đi xe hay xuống đi bộ”. Đờ-cát run run trả lời: “Tính mạng chúng tôi nằm trong tay các ông”. Ý chừng chúng không muốn đi bộ qua bãi bom mình vừa thả xuống trước đó ít lâu, đoàn xe lại tìm cách vượt bãi bom, cứ xe trước cách xe sau đúng 5m.

Ông Hoàng Tư và con trai, cũng là một người lính.
Ông Hoàng Tư và con trai, cũng là một người lính.

Người cựu binh gần 100 tuổi đời vẫn nhớ như in những gì đã diễn ra trên suốt chặng đường chở viên tướng bại trận của đội quân được xem là hùng mạnh bậc nhất thời bấy giờ: “Hồi đó, lương thực, thực phẩm thiếu thốn lắm. Tù binh Pháp cũng được chia bằng khẩu phần của bộ đội, kể cả tướng Đờ-cát. Cũng như bộ đội Việt Minh, tù binh Pháp cũng phải tự nấu nướng trên đường đi. Vì không quen nên Đờ-cát thường nấu cơm sống nên bị đau bụng, đi kiết. Khi đoàn xe đi tới đèo Pha Đin thì đã quá nửa đêm. Xuống chân đèo, đã thấy xe của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dừng ở đó.

Đại tướng xuống xe, yêu cầu báo cáo tình hình và sức khỏe của các tù binh. Khi biết Đờ-cát bị kiết lị, Đại tướng yêu cầu bác sỹ của mình khám và cấp thuốc cho Đờ-cát. Đại tướng huấn thị: “Đây là công lao của bộ đội, là xương máu của nhân dân, các đồng chí phải hết sức cẩn thận”. Sau 3 ngày 3 đêm, chúng tôi đến Tuyên Quang. Toàn bộ tù binh Pháp được bàn giao cho Cục Chính trị, nhiệm vụ chuyển tù binh của chúng tôi hoàn thành”.

Công việc thường ngày của người lính năm xưa, khi ông đã ở cái tuổi xưa nay hiếm.

Công việc thường ngày của người lính năm xưa, khi ông đã ở cái tuổi xưa nay hiếm.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hoàng Tư được chuyển sang Trung đoàn 106, Cục Công binh. Tháng 5/1958, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, ông được giải quyết cho ra quân. Về quê khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước bắt đầu, Hoàng Tư tham gia vào các hoạt động sản xuất, chiến đấu và giữ nhiều vị trí chủ chốt tại địa phương cho đến khi được giải quyết nghỉ theo chế độ vào năm 1975. Hết chiến tranh, hết công việc bận rộn của người cán bộ, ông Hoàng Tư trở về làm bạn với ruộng vườn và bằng lòng với những gì mình có.

Mái tóc bạc trắng, khuôn mặt chằng chịt những vết hằn của thời gian, của lam lũ đời người nhưng nụ cười của ông thì vẫn hiền hậu, rạng rỡ. 95 tuổi đời, 65 tuổi Đảng, trải qua 2 cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, ông Hoàng Tư được tặng rất nhiều Huân, Huy chương cao quý và kỉ niệm chương của Bộ Quốc phòng. "Đó là thứ tài sản lớn nhất tôi để lại cho các con", ông cụ nói giản dị. 

Hoàng Lam