1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chuyên gia nước ngoài nói gì về việc hạn chế xe máy ở Việt Nam?

(Dân trí) - “Ở nhiều nước, để hạn chế phương tiện các nhân, điều đầu tiên họ hướng tới là đánh thuế. Còn ở Việt Nam, với số lượng xe máy là hơn 45 triệu xe thì việc hạn chế sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân...”.

Đó là ý kiến của ông Greig Craft - Chủ tịch Qũy phòng chống thương vong châu Á (AIP) – khi trao đổi với PV Dân trí xung quanh vấn đề hạn chế xe máy ở Việt Nam và những tác động xã hội liên quan.

Với nhiều năm nghiên cứu và làm việc về lĩnh vực đảm bảo an toàn giao thông tại Việt Nam, ông đánh giá như thế nào tình hình giao thông tại Việt Nam, đặc biệt là tại các thành phố lớn hiện nay?

Trong 15 năm qua, tốc độ cơ giới hóa ở Việt Nam đã gia tăng rất nhanh. Việc gia tăng số lượng phương tiện quá nhanh này đã dẫn đến rất nhiều những hệ lụy đối với giao thông và hạ tầng cơ sở cũng như làm gia tăng tỷ lệ tử vong và bị thương do tai nạn giao thông. Điều đó cũng khiến Việt Nam mỗi năm thiệt hại khoảng 3 tỷ đô la Mỹ - tương đương với khoảng 2.7% GDP của cả nước.

Chính phủ Việt Nam đã và đang đạt được những tiến bộ rõ rệt trong việc cải thiện lưu lượng giao thông, giải pháp an toàn hơn cho người đi bộ, cải thiện giao thông công cộng và cơ sở hạ tầng… Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta sẽ cần thêm nhiều thời gian nữa để đạt được sự cân bằng trong các giải pháp.

Ở Việt Nam, xe máy là phương tiện tham gia giao thông chủ yếu của người dân, với nhiều người xe máy không chỉ có ý nghĩa là phương tiện đi lại mà còn là “cần câu cơm” hàng ngày. Với vấn đề hạn chế xe máy, theo ông Việt Nam nên có lộ trình như thế nào, việc hạn chế này có tác động ra sao tới đời sống xã hội của Việt Nam?

Với số lượng phương tiện xe máy đang lưu thông tại Việt Nam là hơn 45 triệu xe thì việc hạn chế sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Đây thực tế là một vấn đề khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam. Theo tôi, để giải quyết vấn đề này cần phải có một kế hoạch đồng bộ và lâu dài mang tính hệ thống. Hiện chúng ta chỉ có xe buýt và tôi thấy đối tượng là học sinh, sinh viên và người già sử dụng nhiều tuy nhiên hiện tượng quá tải còn phổ biến cũng như chất lượng dịch vụ còn chưa hoàn chỉnh nên chưa thu hút được các đối tượng khác.

Ông Greig Craft 

Ông Greig Craft 

Việt Nam là một nước đang phát triển, chúng ta có rất nhiều mục tiêu phải cải thiện để phát triển đời sống xã hội. Bất kỳ một quy đinh nào của Chính phủ cũng được xây dựng trên mục tiêu vì lợi ích của người dân, thế nên chúng ta cần kiên nhẫn và ủng hộ các nhà hoạch định pháp luật. Để xây dựng hệ thống tàu điện trên cao, tàu điện ngầm hay cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng không phải là việc có thể giải quyết trong thời gian ngắn nhưng tôi tin là Việt Nam đang đi đúng hướng để cải thiện tình trạng tắc nghẽn giao thông cũng như mật độ phương tiện xe cơ giới quá cao.

Là một người Mỹ sống và làm việc tại Việt Nam, ông có so sánh gì vấn đề an toàn giao thông giữa hai nước? Ở nước Mỹ, các cơ quan quản lý đã quy hoạch và tổ chức giao thông như thế nào để chống ùn tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông, thưa ông?

Các nước phát triển và đang phát triển hơn đều có chung một vấn đề là làm thế nào để cân bằng nhu cầu của phương tiện đi lại với cơ sở hạ tầng và phương tiện giao thông sẵn có, và làm thế nào để thực hiện đúng tất cả các quy tắc và quy định về đường bộ - từ vấn đề an toàn cho tới vấn đề chính sách, xây dựng chất lượng công trình đúng chỗ. Sự khác biệt mà các nước đang phát triển đang áp dụng là họ đã đầu tư một khoản đáng kể vào xây dựng đường bộ và công nghệ điều khiển giao thông cũng như thực hiện hoạt động cưỡng chế (có nhiều cảnh sát thực hiện hơn, nhiều giám sát, thanh tra hơn…).

Ở Mỹ, việc áp dụng hệ thống theo dõi vi phạm luật giao thông bằng camera và chế tài phạt cao đã giúp mọi người hình thành thói quen tuân thủ quy định pháp luật cao. Bạn có thể nhận được giấy phạt gửi tới tận nhà với số tiền tương đương khoảng 2 triệu Việt Nam đồng cho tới 4 triệu Việt Nam đồng đối với hành vi vượt đèn đỏ.

Việt Nam hiện có hơn 45 triệu xe máy đang lưu thông 

Việt Nam hiện có hơn 45 triệu xe máy đang lưu thông 

Như ở các quốc gia khác, điều đầu tiên mà họ hướng đến trong giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân sẽ là đánh thuế phương tiện và nguồn thu này sẽ được sử dụng vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng, bên cạnh đó là việc đầu tư phát triển hệ thống phương tiện giao thông công cộng cần được ưu tiên. Ở Thái Lan, khi hệ thống tàu điện trên cao, tàu điện ngầm cũng như xe buýt phát triển, số lượng người sử dụng xe máy và ô tô giảm hẳn; người dân Thái Lan vẫn phải đối mặt với tình trạng tắc đường tuy nhiên đại đa số người dân có thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng và cảm thấy tiện lợi cho việc di chuyển hàng ngày.

Đối với những quốc gia như Việt Nam thì ưu tiên quốc gia hàng đầu phải là đầu tư cải thiện giao thông vận tải.

Theo ông, muốn giao thông phát triển tốt hơn, môi trường đô thị tiến bộ thì ngoài việc hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thúc đẩy phương tiện công cộng phát triển thì Việt Nam cần có những giải pháp gì trong quy hoạch đô thị và phân bố dân cư?

Để cải thiện môi trường giao thông ở Việt Nam thì đòi hỏi phải nỗ lực trong nhiều năm nữa và trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, thay đổi chính sách và các chiến dịch truyền thông đại chúng. Một trong những yếu tố cần thiết cho giao thông Việt Nam phát triển tốt hơn là phải tạo ra được một “Văn hóa an toàn”.

Việc cơ giới hóa quá nhanh chóng của một đất nước đã không cho phép một văn hóa an toàn và tâm lý để thực hiện đúng theo quy định. Tư duy của những người tham gia giao thông, các nhà hoạch định chính sách giao thông và lực lượng thực thi pháp luật phải được thay đổi thông qua sửa đổi hành vi tham gia giao thông, thông qua giáo dục và thực thi pháp luật.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Châu Như Quỳnh (thực hiện)