1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nỗ lực hạn chế xe máy: "Ai chả muốn ngồi ô tô!"

(Dân trí) - “Mưa nắng, gió bụi, nguy hiểm, ai chả muốn ngồi ô tô! Nhà tận trong ngách sâu, đi bộ ra đến bến xe bus cả mấy cây số, chen được lên xe đã mệt rồi lại còn phải dè chừng bị móc túi cho bằng sạch...”, một độc giả chia sẻ lý do vì sao dù không thích vẫn phải "bám lấy" chiếc xe máy.

Khó có thể nhớ hết số lần đề xuất hạn chế xe máy của các Bộ ngành, tổ chức, đơn vị và cả các cá nhân đã được đưa ra. Hạn chế xe máy để giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông... Nhưng lần nào cũng vậy, vấn đề được tuyên truyền, mổ xẻ, phân tích,… rồi kết quả vẫn là số lượng người đi xe máy không những không giảm mà còn tăng lên theo từng năm. “Lỗi” ở đây là do chính sách của cơ quan quản lý hay vì người dân Việt Nam thích đi xe máy?

Phản hồi với Dân trí, bạn đọc Tuấn Phạm có địa chỉ e-mail tuanphamngoc2301@gmail.com chia sẻ: “Mưa nắng, gió bụi, nguy hiểm, ai chả muốn ngồi ô tô. Nhà tận trong ngách sâu cả trăm mét, đi bộ ra đường rồi đi đến chỗ xe bus cả mấy cây số, chen được lên xe đã mệt rồi lại còn phải dè chừng bị móc túi cho bằng sạch. Cứ quy hoạch cho chuẩn, hạ tầng giao thông công cộng tiện lợi, không phải ép dân cũng bỏ xe máy”.

Trong khi đó, bạn Lê Phương có địa chỉ e-mail lephuongxhh@gmail.com cho rằng: “Nếu cấm xe máy bây giờ sẽ tác động đến người nghèo, dân lao động. Muốn hạn chế xe máy thì hãy hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng. Xin đừng so sánh Việt Nam với các nước khác khi họ đã có hệ thống giao thông công cộng tuyệt vời!”.

Người dân sử dụng xe máy

Người dân sử dụng xe máy nhiều chỉ đơn giản vì xe máy đáp ứng tối ưu được nhu cầu đi lại của họ (ảnh: Tùng Nguyên)

Từ địa chỉ dungvpa@gmail.com, một bạn đọc nêu ý kiến: "Phải xuất phát từ nhu cầu thực tế, điều kiện kinh tế, cách sinh hoạt, nơi ở, nơi làm việc, rồi từ đó xem phương án đề ra đáp ứng được cái gì, đi lại thế nào để đi làm, đưa đón con cái đi học, học thêm.... rồi tiền là bao nhiêu". 

“Lúc thì hạn chế xe ô tô cá nhân, lúc thì bàn đến hạn chế xe máy. Cái gì phát triển nó cũng có “quy luật” của nó, cái gì nó cũng có 2 mặt. Kinh tế Việt Nam mới đến thế, đời sống nhân dân mới đến thế, hãy nhìn tổng thể vào giao thông Việt Nam thì biết.

Hiện tại xe máy gắn với cuộc sống của người dân. Người dân lao động mưu sinh bằng chiếc xe đạp, tằn tiện mua được chiếc xe máy để làm ăn, nếu cấm hay hạn chế bằng biện pháp kinh tế nữa thì sẽ ra sao? Đất nước phát triển, giao thông thuận lợi thì tự nó sẽ giảm dần mà thôi. Người dân hiện nay cũng không thích thú gì phải tham gia giao thông bằng xe máy” - bạn đọc Đinh Văn Yên chia sẻ.

Xe máy tự “đào thải” khi phương tiện công cộng thuận tiện

Nếu nhìn nhận tình hình giao thông trong khoảng thời gian 5-7 năm trở lại đây, có thể thấy đã có nhiều cải thiện rất tích cực. Đơn cử như tại Hà Nội, cách đây khoảng 3-4 năm, 110 điểm ùn tắc giao thông thường xuyên khiến người dân bị ám ảnh mỗi khi phải ra đường, đặc biệt vào giờ cao điểm. Đến thời điểm này, tình trạng giao thông đã được cải thiện rõ nét, số lượng và cường độ các điểm ùn tắc giảm tới hơn 50%. Công lớn là nhờ những chiếc cầu vượt thép trong nội đô. Tuy nhiên, gần đây hiện tượng ùn tắc lại có dấu hiệu gia tăng trở lại, trên cầu vượt không tắc nhưng khu vực trước và sau cầu vượt có dấu hiệu ùn tắc…

Theo một chuyên gia đánh giá tác động gia thông vận tải, khi nhu cầu đi lại vượt quá công suất của hệ thống hạ tầng, thì mỗi chiếc cầu vượt chỉ như một “miếng vá”, và “vá” chỗ này sẽ thủng chỗ khác. Một điều rõ ràng là chúng ta sẽ không thể xây cầu vượt ở tất cả các nút giao thông trên địa bàn các thành phố lớn. Bởi vậy sắp tới khi nhu cầu đi lại tiếp tục gia tăng và các cầu vượt đã phát huy hết tác dụng, chúng ta sẽ phải nhanh chóng triển khai các giải pháp bền vững hơn.

Nhìn nhận ở vị trí là người đứng đầu lĩnh vực đường bộ, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cho rằng, xe máy không phải là tác nhân gây ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, và theo ông Huyện việc hạn chế xe máy trong đô thị là không khả thi.

“Ở Việt Nam, khi phương tiện công cộng chưa phát triển thì không thể cấm được xe máy. Các giải pháp đặt ra là phải phát triển hạ tầng đường trên cao - dưới đất, phương tiện công cộng như tàu điện và metro, còn xe buýt cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn. Theo quy luật, khi phương tiện công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân thì xe máy mới có thể hạn chế” - ông Huyện khẳng định.

Không đưa ra so sánh về tỷ lệ sử dụng xe máy ở Việt Nam và các nước, cũng không đưa ra giải pháp trước mắt để hạn chế xe máy, ông Huyện chỉ ra kinh nghiệm của các nước tiến bộ trong việc quy hoạch và phát triển hạ tầng giao thông, phương tiện vận tải, coi đó là giải pháp cốt lõi để giải quyết áp lực từ xe máy đối với thực trạng giao thông của nước họ.

“Các nước trên thế giới họ không cấm xe máy mà họ chú trọng phát triển phương tiện công cộng, đầu tư hạ tầng ngầm để giải quyết vấn đề trên mặt đất, và khi người dân thấy rằng phương tiện công cộng tiện lợi và phù hợp với nhu cầu đi lại của họ thì việc sử dụng xe máy sẽ tự nhiên được hạn chế, xe máy sẽ tự đào thải chứ không cần biện pháp hành chính nào can thiệp” - ông Huyện nhấn mạnh.

Cần phải nói thêm rằng, các cơ quan quản lý đã và đang nỗ lực để xây dựng một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, đảm bảo an toàn và chất lượng phục vụ người dân tham giao giao thông. Nhưng trên thực tế, khi hệ thống vận tải công cộng hiện đại được kỳ vọng như tàu điện trên cao, tàu điện ngầm, xe buýt nhanh... chưa hoàn thiện thì việc người dân “cứ ra khỏi nhà là ngồi lên xe máy” là điều không thể tránh.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm