Chuyên gia nói về chiếc kiềng 3 chân khi bỏ cấp huyện, sáp nhập tỉnh
(Dân trí) - Kiềng 3 chân trong quá trình bỏ cấp huyện, sáp nhập tỉnh thời gian tới được chuyên gia nhắc đến là Trung ương - địa phương - người dân và doanh nghiệp. Mỗi chân kiềng đều đóng vai trò rất quan trọng.
Chiều 28/3, Học viện Cán bộ TPHCM phối hợp với Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam tổ chức hội thảo nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp, bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện), sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh theo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ thực tiễn TPHCM. Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã nêu ý kiến, thảo luận, đưa ra giải pháp cho định hướng sắp xếp đơn vị hành chính tại TPHCM và cả nước thời gian tới.
PGS.TS Huỳnh Văn Thới, nguyên quyền Giám đốc Phân viện Học viện Hành chính và quản trị công tại TPHCM, cho biết, việc bỏ cấp trung gian, sáp nhập các đơn vị hành chính là xu hướng tất yếu nhằm tinh gọn bộ máy quản trị quốc gia, nâng cao hiệu quả hành chính công. Quá trình đô thị hóa, thay đổi về dân số và điều kiện kinh tế - xã hội đã đặt ra yêu cầu điều chỉnh mô hình quản trị để phù hợp với điều kiện mới.

PGS.TS Huỳnh Văn Thới, nguyên quyền Giám đốc Phân viện Học viện Hành chính và quản trị công tại TPHCM (Ảnh: Q.Huy).
"Các quốc gia trên thế giới đã tiến hành cải tổ hành chính nhằm thu gọn lực lượng chính quyền địa phương với cách thức, lộ trình khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung của các cuộc cải tổ là hướng đến tinh giản, hoạt động hiệu quả, phục vụ người dân tốt hơn", PGS.TS Huỳnh Văn Thới chia sẻ.
Tại hội thảo, PGS.TS Vương Đức Hoàng Quân cho rằng, công tác sắp xếp, sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện sắp tới cần thực hiện dựa trên chiếc kiềng 3 chân gồm Trung ương - địa phương - người dân và doanh nghiệp.
Trong đó, Trung ương cần ban hành khung pháp lý toàn diện, ổn định về sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương. Hệ thống pháp luật cần sự rõ ràng, đồng bộ.
Trung ương cũng cần xây dựng cơ chế tài chính cụ thể để hỗ trợ các địa phương trong quá trình sáp nhập, tinh gọn bộ máy. Cơ chế tài chính cần tính tới hỗ trợ ngân sách, chính sách ưu đãi và cơ chế chia sẻ nguồn lực giữa các vùng.
Chính quyền địa phương cần chủ động lập đề án cải cách tổ chức bộ máy phù hợp đặc thù. Địa phương cũng cần chuẩn bị hạ tầng số hiện đại, nâng cấp các dịch vụ công, công khai, minh bạch mọi thông tin liên quan đến cải cách tổ chức và hoạt động quản lý.

PGS.TS Nguyễn Tất Viễn, nguyên Ủy viên chuyên trách Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Q.Huy).
Trong cuộc cách mạng cải cách bộ máy, người dân, doanh nghiệp cần được khuyến khích tham gia đóng góp ý kiến. Người dân, doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hợp tác công - tư, đặc biệt về hạ tầng số, nền tảng dịch vụ công trực tuyến.
"Cần thúc đẩy văn hóa đổi mới, sáng tạo trong cộng đồng, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp chủ động đóng góp ý tưởng, giải pháp, góp phần tích cực vào cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý Nhà nước", PGS.TS Vương Đức Hoàng Quân góp ý.
Vị chuyên gia cũng đề xuất, các cơ quan cần xây dựng hệ thống giám sát độc lập và thiết lập cơ chế kiểm tra định kỳ đối với các địa phương sáp nhập, tinh gọn bộ máy. Việc này nhằm đảm bảo các mục tiêu đề ra được thực hiện hiệu quả, nghiêm túc.
"Việc đánh giá hiệu quả cải cách bộ máy không chỉ dừng lại ở số lượng đơn vị hành chính sáp nhập mà cần tập trung vào chất lượng dịch vụ công, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp và khả năng thích ứng, đổi mới của các cơ quan", PGS.TS Vương Đức Hoàng Quân bày tỏ.