1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chuyên gia khẳng định cây xanh trồng còn nguyên bầu bọc rễ là lỗi kỹ thuật

Hải Nam

(Dân trí) - Theo Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị Đặng Văn Hà, những cây xanh bị bật gốc, để lộ ra những bầu bọc rễ còn nguyên, chưa được cắt hay tháo bỏ là do lỗi kỹ thuật.

Sau cơn bão Yagi (bão số 3), TP Hà Nội mất đi hàng chục nghìn cây xanh. "Lá phổi" của Thủ đô bị gãy đổ, bật gốc, để lộ ra những bầu bọc rễ còn nguyên, chưa được cắt hay tháo bỏ. Nhiều người dân bày tỏ sự nghi ngờ, cho rằng đây là nguyên nhân khiến cây bị đổ khi gặp gió, bão.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị (Trường Đại học Lâm nghiệp), cho rằng đây là lỗi kỹ thuật của người thi công.

Theo ông Hà, những người thực hiện việc trồng cây tại đô thị Hà Nội phần lớn chưa qua đào tạo, trường lớp bài bản, mà đi trồng theo chỉ đạo của cấp trên.

"Lúc lãnh đạo bảo bóc bỏ cái lớp vỏ bầu ra thì có khi lại không để ý, nghĩ rằng để cũng không sao, cũng có thể họ nghĩ rễ cây khỏe, vẫn trồi ra được", ông Hà nói.

Chuyên gia khẳng định cây xanh trồng còn nguyên bầu bọc rễ là lỗi kỹ thuật - 1

Ông Đặng Văn Hà (Ảnh: Mạnh Quân).

Giải thích về lý do tại sao bầu rễ không được loại bỏ nhưng cây vẫn xanh tốt, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị cho biết phần mặt bầu được trồng thấp hơn bề mặt và tiếp xúc với đất. Rễ sẽ trồi ra từ đó.

Tuy nhiên, việc phát triển này khiến những rễ đâm sâu xuống đất bị hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng đứng vững của cây khi có tác động của gió bão.

"Có thể thấy cây vẫn phát triển bình thường, nhưng yếu tố bất thường nằm ở mật độ rễ và phân bố của rễ để đảm bảo cây đó vững chắc", ông Hà nói.

Bên cạnh đó, vị viện trưởng cũng nói về bất cập trong việc thiết kế, quy hoạch cây xanh đô thị tại Hà Nội và một số TP phát triển khác.

"Tôi thấy ở Việt Nam rất lạ. Làm một con đường, cứ cách 8-10m để một cái hố. To cũng nhồi cái hố đấy, bé cũng nhồi cái hố đấy", ông Hà nói về việc thực trạng hiện nay, khi các hố để trồng cây bị "đánh đồng" một loại kích cỡ.

Sau vài năm, khi cây phát triển và vượt qua "phạm vi" của hố, những vấn đề sẽ nảy sinh khiến người dân bức xúc, cơ quan quản lý lại "đau đầu".

"Vừa qua, nhiều cây bật gốc, ta thấy dây điện loằng ngoằng ở rễ. Điều này gây tổn hại, mất điện, mất thông tin liên lạc. Trong khi, dây điện mang yếu tố kỹ thuật, sẽ hỏng theo thời gian, còn cây lại phát triển ra. Khi dây xuống cấp, lại phải đào lên, đào cây để cải tạo, tạo ra vòng luẩn quẩn", ông Hà nói và đặt vấn đề về sự phối hợp giữa công ty cây xanh và đơn vị điện, nước. 

Từ đó, ông Hà cho rằng chúng ta cần có những đơn vị, người duyệt các thiết kế, để tránh được những vấn đề trên.

Chia sẻ thêm về công tác cắt tỉa cây, vị tiến sĩ cho rằng hiện nay các công ty cây xanh chưa có quy chuẩn cụ thể về việc cắt tỉa cây sao cho đúng kỹ thuật, đúng thời điểm, cũng như có quan điểm sai về công tác này.

Theo ông Hà, mục đích của cắt tỉa cây là giảm thiểu rủi ro, đảm bảo bóng mát và mỹ quan.

Tuy nhiên, những nhân viên thực hiện cắt tỉa cây hầu hết làm theo "cảm tính", không có kế hoạch, không nắm được cắt cây nào? Cắt mùa nào? Cắt ở vị trí nào trên cây?, để đảm bảo cây được trẻ hóa, nâng cao được tuổi thọ, mà vẫn đảm bảo cân đối trong phát triển.

"Những kỹ thuật đó các anh tổ trưởng, đội trưởng, nhóm trưởng phải nắm được, hướng dẫn cho công nhân và giám sát việc làm có đúng hay không. Nếu như làm như vậy, tôi không dám chắc sẽ khắc phục được hết những đổ gãy, nhưng chắc chắn sẽ có tác dụng giảm thiểu", ông Hà nhận định.

Cuối cùng, vị viện trưởng cho rằng chúng ta cần thay đổi suy nghĩ cắt tỉa cây để giảm thiểu rủi ro trước khi bão, thành cắt tỉa cây là một công tác thường xuyên, không cần phải theo mùa vụ nào cả.