1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Chuyên gia "hiến kế" nâng cấp nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng cần phải lắp đặt thêm nhà vệ sinh công cộng và nâng cao ý thức người sử dụng bằng cách thu phí, quảng cáo.

"Ám ảnh" việc đi vệ sinh quên xả nước

"Người đi trước quên chưa dội nước, hãi hùng quá", anh Lê Ngọc Lân (tài xế xe buýt) tỏ vẻ hốt hoảng sau khi bước ra khỏi nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) tại điểm trung chuyển xe buýt Long Biên (đường Yên Phụ, quận Ba Đình, Hà Nội). 

Là tài xế xe buýt nên anh Lân thường xuyên sử dụng dịch vụ công cộng. Nhiều lúc "bí bách" phải vào NVSCC khiến anh Lân cảm thấy "ám ảnh" bởi người sử dụng thiếu ý thức trong việc giữ gìn môi trường chung.

Tại điểm trung chuyển xe buýt Long Biên mỗi ngày có hàng trăm lượt xe buýt qua lại, hàng nghìn người đi xe nhưng chỉ có 2 NVSCC đã lắp đặt từ lâu, bồn rửa tay, vòi xịt nước đã hỏng. 

"Nhà vệ sinh này ngồi xổm chứ không ngồi bệt, đi xong phải dùng gáo dội nước, những người đi trước mà quên chưa dội nước thì người vào sau ám ảnh lắm", anh Lân ngán ngẩm nói.

Chuyên gia hiến kế nâng cấp nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội - 1

Một số người thiếu ý thức phóng uế, tiểu tiện bừa bãi ngay cạnh nhà vệ sinh công cộng.

Anh Lân cũng như nhiều tài xế xe buýt khác mong muốn thời gian tới các NVSCC sớm được tu sửa hoặc thay thế mới khang trang, sạch sẽ, to đẹp hơn bởi nó phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân.

Đồng quan điểm trên, anh Đỗ Đức Thắng (trú phường Ngọc Lâm, quận Long Biên) cho rằng, Thủ đô Hà Nội nên lắp đặt thêm nhiều nhà vệ sinh công cộng và phải có người trông coi. 

"Tôi đã chứng kiến một số nhà vệ sinh các đối tượng nghiện vào sử dụng ma túy vứt kim tiêm bừa bãi, nếu không có người dọn dẹp, người sau vào sử dụng chẳng may dẫm phải kim tiêm thì rất nguy hiểm", anh Thắng bày tỏ.

Chuyên gia hiến kế nâng cấp nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội - 2

Nhà vệ sinh công cộng tại điểm trung chuyển xe buýt Cầu Giấy, đầu đường La Thành cửa đóng, then cài, nhiều người phóng uế ngay bên cạnh bốc mùi hôi thối.

Trông coi NVSCC tại chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm) nhiều năm nay, chị Hằng nhận định, để nhà vệ sinh được sạch sẽ, không bốc mùi thì ngoài việc nâng cấp, sửa chữa thì người dân cần phải nâng cao ý thức khi sử dụng. 

Theo chị Hằng, bất cập nhất của NVSCC chợ Đồng Xuân là việc nhiều người đi vệ sinh xong không dội nước hoặc đi không đúng chỗ.

"Nếu có to, đẹp đến mấy mà người sử dụng vô ý thức thì dăm bữa, nửa tháng lại hư hỏng, bốc mùi hôi thối", chị Hằng nói.

Nhiều lần bà Phạm Thị Hùy (58 tuổi, quê Vĩnh Phúc) bỏ bữa do ám ảnh việc dọn dẹp nhà vệ sinh bị tắc vì khách sử dụng thiếu ý thức. Nhà vệ sinh nơi bà Hùy trông coi nằm cạnh sân vận động Mỹ Đình nên có nhiều người lui tới.

Chuyên gia hiến kế nâng cấp nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội - 3

Nhà vệ sinh công cộng tại điểm trung chuyển xe buýt Long Biên xuống cấp nghiêm trọng sau nhiều năm sử dụng.

Bà chia sẻ, phải xác định dọn dẹp được những thứ bẩn nhất mới làm nghề trông coi nhà vệ sinh bởi nhiều người đi xong thiếu ý thức, không xả nước.

"Những ai không hiểu thì bảo công việc của tôi nhàn, nhưng thực tế lại không nhàn tý nào, bởi việc dọn dẹp, thông tắc khi gặp phải người vô ý thức rất khủng khiếp.

Nếu khách "đi" mà tắc, tôi phải dùng phụt chuyên dụng để thông tắc, nhiều lúc rất khốn khổ mới xử lý xong. Nhiều lần dọn dẹp xong, chính tôi cũng bị ám ảnh vì quá mất vệ sinh", bà Hùy kể về những lần xử lý nhà vệ sinh bị tắc.

Chuyên gia hiến kế nâng cấp nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội - 4

Để nhà vệ sinh được sạch, không bốc mùi hôi thối người trông coi phải liên tục dọn dẹp, lau chùi.

Thu phí để nâng cao ý thức người sử dụng

Trao đổi với phóng viên Dân trí về giải pháp đối với nhà vệ sinh công cộng và nâng cao ý thức của người sử dụng, Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, hiện Hà Nội và TP Hồ Chí Minh còn thiếu NVSCC. Để lắp đặt, nâng cấp nhà vệ sinh công cộng cần phải có quy hoạch tổng thể, khảo sát, cân đối nguồn lực và kêu gọi đầu tư xã hội hóa.

"Nhà vệ sinh công cộng ở các nước người ta có thể nhận quảng cáo để thu tiền. Ví dụ, NVSCC mà lắp đặt của hãng A thì chúng ta quảng cáo cho hãng này. 

Hoặc đèn, cửa, bồn rửa tay, thậm chí là nước rửa tay chúng ta sử dụng của hãng nào thì quảng cáo luôn cho hãng đấy để họ tài trợ và đây là điều rất quan trọng nhằm kêu gọi xã hội hóa", ông Tùng đưa ra ví dụ về việc kêu gọi xã hội hóa để lắp đặt, nâng cấp nhà vệ sinh công cộng. 

Chuyên gia hiến kế nâng cấp nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội - 5

Tại nhà vệ sinh công cộng ở điểm trung chuyển xe buýt Long Biên, khách phải dùng gáo dội nước sau khi sử dụng.

Ông Tùng cho rằng, ngoài việc lắp đặt thêm NVSCC thì cần phải nâng cao ý thức của người dân khi sử dụng dịch vụ bằng cách thu phí. Bởi khi thu phí sẽ khiến người dùng cảm thấy có ý thức, trách nhiệm hơn và tiền thu được không "bỏ túi" của cá nhân nào mà để trả cho người trông coi. 

Ngoài ra, cần phải chọn địa điểm đặt nhà vệ sinh công cộng ở những nơi dễ tìm nhưng không lộ quá gây mất mỹ quan.

"Vấn đề nhà vệ sinh công cộng là chuyện rất lớn trong phát triển đô thị. Chúng ta đang trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ, thời kỳ của công nghệ số, chuyển đổi số nên vấn đề về nhà vệ sinh công cộng rất quan trọng; cần phải đưa NVSCC vào quy hoạch tổng thể và là một kế hoạch để phát triển đô thị", ông Tùng bày tỏ.