Chuyên gia hiến kế hướng tinh gọn bộ máy để TPHCM bước vào kỷ nguyên mới
(Dân trí) - PGS.TS Trương Thị Hiền góp ý, TPHCM cần có một cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế để bước vào kỷ nguyên mới. Các ban, sở, ngành cần tinh gọn tương ứng với cấp Trung ương, Chính phủ.
Sáng 27/11, Học viện Cán bộ TPHCM tổ chức tọa đàm "TPHCM làm gì để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc". Sự kiện là dịp để chuyên gia, nhà khoa học hiến kế, góp ý cho TPHCM phát triển trong kỷ nguyên mới.
Mở đầu buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, thông tin, vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao đổi chuyên đề "Kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam". Trong chuyên đề, Tổng Bí thư đã trao đổi, phân tích làm rõ một số nội dung cơ bản, các luận cứ để xác lập mục tiêu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
"Buổi tọa đàm sẽ nhận diện và dự báo những vấn đề, khó khăn, thách thức mà TPHCM đã, đang và sẽ đối mặt. Các chuyên gia cũng xác định những điểm nghẽn, trở ngại lớn của thành phố trong kỷ nguyên phát triển mới, đề xuất các giải pháp, kiến nghị thiết thực để Đảng bộ, chính quyền thành phố kịp thời xử lý, giải quyết và chủ động bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam", Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM chia sẻ.
Điểm nghẽn của TPHCM
Tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, TPHCM đang đối mặt nhiều điểm nghẽn cần giải quyết trước khi bước qua giai đoạn mới. Nổi bật nhất là các nút thắt về thể chế, hạ tầng, môi trường khiến vai trò đầu tàu có phần sụt giảm trong những nhiệm kỳ gần đây.
Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó bí thư Thành ủy TPHCM, cho rằng, điểm nghẽn nổi bật của địa phương thời gian qua vẫn là giao thông, đô thị. Theo vị nguyên lãnh đạo thành phố, một siêu đô thị hơn 10 triệu dân không thể duy trì việc xe máy là phương tiện di chuyển chủ yếu.
"TPHCM cần phát triển giao thông công cộng, hạn chế xe máy, phát triển đường sắt. Cần nhớ rằng, nền công nghiệp phát triển của châu Âu dựa trên nền tảng là đường sắt. Chúng ta hiện vẫn sử dụng hệ thống đường sắt của cả 150 năm trước", ông Phạm Chánh Trực nêu vấn đề.
Ông Phạm Chánh Trực cũng cho rằng, việc TPHCM thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ là điều trái quy luật phát triển, không phù hợp với bối cảnh thực tế. TPHCM cần tiếp tục phát triển ngành sản xuất và nâng tỷ lệ kinh tế của ngành này để kéo theo sự phát triển của nhiều ngành khác sau đó.
"Khi chưa vượt qua bẫy thu nhập trung bình mà muốn có cơ cấu kinh tế như các nước phương Tây là khó khả thi. TPHCM là trung tâm công nghiệp, trung tâm sản xuất của cả miền Nam trước đây, là đầu tàu kinh tế cả nước hiện tại. Tuy nhiên, ngành sản xuất cần thay đổi, sau 40 năm đổi mới mà vẫn giới thiệu sản phẩm tiêu biểu là dệt da, may mặc thì còn chậm tiến", ông Phạm Chánh Trực nhận định.
TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98, đồng quan điểm, trong kỷ nguyên mới, nền kinh tế cần phát triển thịnh vượng với sự gia tăng sản xuất mạnh mẽ. Việc "giải công nghiệp hóa sớm" trong khi chưa vượt qua bẫy thu nhập trung bình sẽ mang lại rủi ro cho nền kinh tế.
"TPHCM cần tăng mạnh ngành sản xuất để tham gia giá trị toàn cầu, mở rộng thị trường trong nước, thế giới, đi đầu về kinh tế số, kinh tế xanh, nâng cao đời sống người dân một cách toàn diện", TS Trần Du Lịch góp ý.
Vị chuyên gia cho rằng, để thật sự bước vào kỷ nguyên mới, TPHCM cần là nơi có hoạt động kinh tế, tính thị trường cao nhất cả nước. Sự phát triển của thành phố phải được thể hiện rõ nét qua khía cạnh tăng trưởng kinh tế, phúc lợi đối với người dân và vấn đề môi trường.
Cần tinh gọn bộ máy theo cấp Trung ương
TS Trần Du Lịch bày tỏ sự tâm đắc trước quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm và Trung ương về cuộc cách mạng tổ chức bộ máy. Vừa qua TPHCM đã triển khai đề án nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền công vụ dựa trên thể chế bộ máy và con người.
"Đây là sự cải cách đặc biệt quan trọng. Lâu nay, tôi chứng kiến nhiều cuộc cải cách hành chính nhưng thành công còn rất hạn chế. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta chưa định vị được chức năng của Nhà nước trong quan hệ thị trường, quan hệ với công dân, xác định việc gì của Nhà nước, việc gì là của thị trường, của công dân trong quan hệ dân sự. Do đó, bộ máy cứ phình to khi phát sinh việc mới", TS Trần Du Lịch phân tích.
Chuyên gia cho biết, sau khi xác định được các vấn đề trên, thành phố mới có cơ sở để tổ chức bộ máy tương ứng. Việc này cần nghiên cứu, sắp xếp trong thời gian dài. TPHCM cần lĩnh hội tinh thần của cuộc cách mạng tổ chức bộ máy từ Trung ương để áp dụng vào công việc cụ thể của mình.
TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho biết, trong vấn đề tinh gọn bộ máy, vai trò của Nhà nước với các thành phần khác cần được định vị lại. Các cơ quan cần xác định được Nhà nước từ Trung ương, đến địa phương nên làm gì và không nên làm gì, những việc không làm có thể giao đơn vị bán công, đơn vị sự nghiệp công lập hoặc tư nhân thực hiện.
"Các đơn vị sự nghiệp công lập cần được trao quyền chủ động, tự chủ mạnh mẽ, đột phá hơn. Đi kèm với đó là thúc đẩy chuyển đổi số, tiến tới mục tiêu đến năm 2030, dịch vụ công, tương tác giữa chính quyền, người dân được thực hiện trên nền tảng số", TS Trương Minh Huy Vũ hiến kế.
PGS.TS Trương Thị Hiền, nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, nhìn nhận, TPHCM cần có một cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Thành phố cần đặt mục tiêu giảm số lượng cán bộ, công chức còn khoảng 1/4 so với hiện tại.
PGS.TS Trương Thị Hiền cho rằng, địa phương nên duy trì HĐND cấp thành phố, nghiên cứu giải thể HĐND TP Thủ Đức, các quận, huyện, phường, xã, thị trấn. Chức năng giám sát chính quyền địa phương sẽ giao cho đại biểu HĐND TPHCM ở từng quận, huyện thực hiện.
"Chúng ta có thể nghiên cứu thiết lập cơ chế thủ trưởng lãnh đạo UBND hành chính các cấp. Ví dụ cấp thành phố là thị trưởng; quận, huyện là quận trưởng, huyện trưởng; phường, xã là phường trưởng, xã trưởng. Thủ trưởng các cấp do cấp trên trực tiếp bổ nhiệm sau khi được cấp ủy địa phương giới thiệu", bà Trương Thị Hiền nêu quan điểm.
Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, TPHCM cần khẩn trương hợp nhất các ban, sở, ngành tương ứng với cấp Trung ương, Chính phủ. Các quận, huyện cần sự sắp xếp tương ứng với cấp thành phố và phường, xã tương ứng với quận, huyện.