Chuyên gia hiến kế giảm phát thải hiệu ứng nhà kính

(Dân trí) - Theo các chuyên gia môi trường, việc tập trung khuyến khích sử dụng năng lượng mặt trời ở dạng công nghiệp sẽ góp phần rất lớn giúp cho quá trình giảm phát thải hiệu ứng nhà kính tại thành phố đạt hiệu quả cao.

Đối mặt với nhiều thách thức

Dự án Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (SPI-NAMA) được tài trợ bởi JICA và có mục tiêu tổng thể là hỗ trợ Việt Nam có đủ năng lực lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia.

Nhiều chuyên gia kỳ vọng rằng TPHCM sẽ là một mô hình hàng đầu, một thành phố kiểu mẫu về môi trường mà nhiều tỉnh thành khác phải “noi gương”.
Nhiều chuyên gia kỳ vọng rằng TPHCM sẽ là một mô hình hàng đầu, một thành phố kiểu mẫu về môi trường mà nhiều tỉnh thành khác phải “noi gương”.

Tại hội thảo báo cáo giữa kỳ về các hoạt động của dự án này vừa tổ chức tại TPHCM, ông Nguyễn Huy Phương, chuyên viên Văn phòng Biến đổi khí hậu TPHCM cho biết, trong giai đoạn 2015 – 2017, qua quá trình chuẩn bị thực hiện dự án SPI – NAMA, kết quả thu được ban đầu là những đóng góp cho công tác quản lý hiệu ứng nhà kính tại thành phố. Cụ thể, số liệu kỹ thuật thủy văn trên địa bàn thành phố có sự thay đổi và sự thay đổi này sẽ được cập nhập vào trong hành động biến đổi khí hậu nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố. Đồng thời, qua việc phân tích thực trạng về rủi ro liên quan đến khí hậu, đơn vị thực hiện cũng tận dụng được những cơ hội mà biến đổi khí hậu đem lại.

Tuy nhiên, theo ông Phương, trong quá trình chuẩn bị thực hiện dự án nói trên, các đơn vị chức trách cũng gặp phải không ít thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất là có một số dữ liệu, đơn vị chức trách chưa thể nào thu thập được. Không chỉ vậy, việc xây dựng kịch bản biến đối khí hậu và nước biển dâng phù hợp cho TPHCM cũng sẽ vấp phải không ít khó khăn. Đó là chưa kể, việc xác định mục tiêu giảm phát khí thải nhà kính định lượng trên địa bàn thành phố phải đáp ứng được yêu cầu từ Trung ương và tiêu chuẩn tham gia của Tổ chức C40 (tổ chức nhóm nhà lãnh đạo các thành phố lớn về vấn đề khí hậu, trong đó TPHCM là thành viên của tổ chức này) cũng là một thách thức không nhỏ.

Thời gian qua, Việt Nam đã tham gia cuộc họp Paris và thực hiện cam kết liên quan đến việc giảm phát thải hiệu ứng nhà kính. Đây là một cơ hội để Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng tiến hành đổi mới công nghệ, định hướng tiết kiệm năng lượng giảm phát thải hiệu ứng nhà kính.

"TPHCM cần phải phát triển theo xu hướng chung của thế giới, cụ thể là các nước công nghiệp lớn trên thế giới về giảm phát thải hiệu ứng nhà kính. TPHCM cũng là thành viên của tổ chức C40, do đó cần phải tiến hành các nội dung công việc, đáp ứng được tiêu chuẩn tham gia của tổ chức C40”, ông Phương nói.

Chuyên gia hiến kế

Chia sẻ tại cuộc họp, Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Phương Mai, chuyên gia môi trường đến từ Trung tâm Công nghệ và Quản lý môi trường (ETM) cho biết, trong những năm qua, lượng khí thải chủ yếu ở Việt Nam nằm trong giao thông và năng lượng cố định. Theo bà Mai thì hai loại phát thải vừa nêu đã chiếm hơn 90% tổng lượng khí khải mà nước ta đang đối diện.

Bà Mai cho rằng, lượng phát thải do năng lượng ngày càng gia tăng đáng kể. Cho nên, để hạn chế biến đổi khí hậu, Nhà nước ta đã có biện pháp khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, cụ thể là năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo này mới chỉ được thực hiện một cách manh mún, nhỏ lẻ trong các hộ gia đình. Trong khi đó, với nền công nghiệp đang trên đà phát triển thì lượng phát thải mà công nghiệp tạo ra là rất nhiều.

Chính vì vậy, nhằm mục đích giúp việc giảm thiểu biến đổi khí hậu đạt hiệu quả cao thì các cơ quan chức năng cần thiết nghĩ đến việc tập trung thiết lập chính sách sử dụng năng lượng mặt trời ở dạng công nghiệp.

“Trong giảm phát thải do năng lượng thì tôi thấy rằng việc khuyến khích sử dụng các loại năng lượng tái tạo, ví dụ như việc sử dụng năng lượng mặt trời chẳng hạn, thì ở TPHCM mức khả thi rất là lớn. Tuy nhiên, hiện nay nguồn năng lượng mặt trời chủ yếu chỉ được áp dụng trong các hoạt động nhỏ lẻ của những hộ gia đình. Tôi nghĩ chúng ta nên tập trung vào chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng mặt trời ở dạng công nghiệp. Mình sẽ tạo ra năng lượng mặt trời và sử dụng nó hòa vào lưới điện”, bà Mai hiến kế.

Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Phương Mai kiến nghị cơ quan chức năng cần tập trung vào chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo
Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Phương Mai kiến nghị cơ quan chức năng cần tập trung vào chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo

Ngoài ra, liên quan đến việc phát thải do giao thông, PGS-TS Hồ Quốc Bằng, Trưởng phòng ô nhiễm không khí thuộc Viện Tài Nguyên và Môi Trường (Đại Học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh) cũng cho hay, trong giao thông thì xe máy chiếm trên 90% lượng phát thải. Theo ông Bằng, quy định của Nhà nước có nói rằng đến năm 2020, tất cả các thành phố trực thuộc trung ương phải kiểm định khí thải của xe máy. Theo đó, nếu TPHCM thực hiện được quy định này thì sẽ giảm được khoảng 30% khí thải hiệu ứng nhà kính. Chính vì vậy, ông Bằng mong muốn TPHCM sẽ sớm thực hiện được quy định nói trên.

Ông Makoto Kato, chuyên gia ngắn hạn của JICA và là Trưởng nhóm các hoạt động tại TPHCM, kỳ vọng rằng TPHCM sẽ là một mô hình hàng đầu, một thành phố kiểu mẫu mà nhiều tỉnh thành khác phải “noi gương”, học hỏi để áp dụng các hoạt động tương tự. Ông Makoto Kato cũng chia sẻ thêm, đại diện chính quyền của TP Tokyo (Nhật Bản) đang có dự định sẽ sang TPHCM và cùng thảo luận đề cập đến những tiêu chuẩn chính sách có thể vận dụng liên quan đến giảm phát thải khí hiệu ứng nhà kính, vào trung tuần tháng 10 năm nay.

Công Quang