TPHCM:
Chuyên gia cảnh báo lây nhiễm Covid-19 khi tắc chốt kiểm soát Gò Vấp
(Dân trí) - Chuyên gia dịch tễ cho rằng để hạn chế tới mức tối thiểu khả năng lây lan dịch Covid-19 tại điểm ùn tắc, chính quyền quận và TP cần hướng dẫn người dân chi tiết những việc được làm và cần tạm ngừng.
Trước diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn có chiều hướng phức tạp, số lượng ca F0 tăng nhanh và chùm lây nhiễm lớn liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng chưa rõ nguồn gốc, chính quyền TPHCM đã ra quyết định phong tỏa theo Chỉ thị 16 đối với địa bàn quận Gò Vấp từ 0h ngày 31/5.
Các chốt kiểm soát dịch được tái lập tại 10 địa điểm cửa ngõ của quận, người dân được yêu cầu không đi qua các điểm này.
Trong giờ cao điểm sáng 31/5, do người dân chưa kịp nắm thông tin, lượng lớn phương tiện ùn ứ, tập trung trước các chốt, quận Gò Vấp đã quyết định tạm gỡ bỏ các điểm chặn kiểm soát dịch để lên phương án tăng cường, bổ sung lực lượng và tái lập lại vào ngày 1/6.
Tuy nhiên, tình hình vẫn không khả quan hơn khi ùn tắc vẫn diễn ra trong sáng đầu tiên của tháng 6.
Các chuyên gia dịch tễ nhận định dù khả năng lây lan dịch Covid-19 ở ngoài trời thấp hơn so với những không gian kín, tuy nhiên, chính quyền thành phố và quận Gò Vấp cần tính tới những phương án khả thi hơn để làm giảm tới mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Khả năng lây nhiễm thấp nhưng vẫn có
Trao đổi với Dân trí, PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng), nhận định với việc người dân tuân thủ quy tắc 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, khi thời gian ùn tắc không quá lâu, khả năng lây nhiễm Covid-19 vẫn có nhưng không cao.
Tuy nhiên, để hạn chế tới mức thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh, địa phương cần tính tới những giải pháp triệt để hơn.
Cần xác định trục giao thông liên quận, liên tỉnh để cho các phương tiện đi qua để tránh ùn tắc. Ngoài ra, cần quy định rõ các biện pháp như xe cộ không dừng, đón người khi đi qua vùng dịch.
Xin nhấn mạnh là virus SARS-CoV-2 chỉ có khả năng lây lan cao nếu quãng thời gian tiếp xúc của ca mắc với người khỏe mạnh "đủ gần" và "đủ lâu" ở ngoài không gian mở và vấn đề người dân có đeo khẩu trang hay không, ông Trần Đắc Phu nêu ý kiến.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), cũng cho rằng vấn đề ùn tắc tại các chốt kiểm soát dịch quận Gò Vấp trong 2 ngày qua chỉ trở nên nguy hiểm nếu người dân không tuân thủ việc đeo khẩu trang y tế. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, khi tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, khả năng lây nhiễm thấp nhưng không có nghĩa là an toàn tuyệt đối.
"Khó lây lan hơn chứ khả năng lây lan vẫn có, chúng ta cần áp dụng mọi biện pháp để điều đó không xảy ra. Bất kỳ lúc nào ùn tắc, chúng ta phải xử lý ngay, đó là phương án phải làm trong thời điểm hiện tại", ông Trương Hữu Khanh khẳng định.
Góp ý cho TPHCM về phương án phòng, chống dịch bệnh thời gian tới, PGS.TS Trần Đắc Phu, cho rằng khi thực hiện phong tỏa theo Chỉ thị 16 tại một số địa bàn hay giãn cách xã hội toàn thành phố, chính quyền cần truyền thông tới người dân rõ những điều vẫn được làm và những hoạt động cần tạm ngừng, bị cấm.
Chúng ta không đơn thuần nói về việc giãn cách theo chỉ thị nào, mà cần hướng dẫn rõ ràng hơn người dân những việc cần tạm ngừng trong dịch Covid-19. Điều đó sẽ giúp người dân hiểu được và thực hiện không ồ ạt đi siêu thị mua sắm…
Đặc biệt hiện nay, phải rất cân nhắc tới việc cấm các hoạt động đi lại mà gây ảnh hưởng tới việc lao động, sản xuất của người dân, gây ảnh hưởng tới đời sống của người dân một cách không đáng có mà vẫn phòng chống được dịch bệnh.
"Ngoài việc để người dân hiểu rõ tình hình, những hướng dẫn cụ thể sẽ giúp lực lượng chức năng có cơ sở để thực hiện kiểm tra, xử phạt những hành vi vi phạm, đảm bảo hiệu quả trong thời gian giãn cách", nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đánh giá.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng cho rằng vấn đề truyền thông, hướng dẫn người dân là điểm tối quan trọng trong thời điểm hiện tại. Khi người dân vào khu vực đang giãn cách, cách ly, lực lượng chức năng cần nắm được họ đi qua chốt để làm gì, hướng dẫn những tuyến đường khác nếu có thể.
Phong tỏa, cách ly vẫn là điểm cốt yếu
Ông Trần Đắc Phu cho rằng biện pháp phong tỏa quận Gò Vấp cùng một số phường và giãn cách toàn TPHCM là phương án phù hợp trong thời điểm hiện tại.
Trong 2 tuần, thành phố có thêm thời gian để truy vết những chùm lây nhiễm Covid-19 chưa rõ nguồn gốc và đánh giá mức độ dịch bệnh hiện hữu. Trong "quãng thời gian vàng" này, ngành y cần đưa ra các phương án ứng phó, kịch bản chính xác về tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM.
Đối với thực trạng số ca F0 ngày càng tăng những ngày qua, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cho rằng vấn đề số mắc cao tại một địa điểm không quan ngại bằng số mắc đã rải rác trên nhiều địa điểm của thành phố.
Việc làm của thành phố thời gian qua đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, để đưa ra những đánh giá chính xác hơn, ngành y cần thêm khoảng thời gian nhất định để đánh giá nguy cơ dựa trên xét nghiệm và điều tra dịch tễ.
Theo nhận định của bác sĩ Trương Hữu Khanh, thành phố cần ít nhất 10 ngày nữa nhằm tìm ra mấu chốt của đợt dịch nằm ở đâu. Thời điểm hiện tại, việc phong tỏa, giãn cách là phương án bắt buộc.
"Tôi cũng cho rằng việc F0 tăng nhanh là điều phù hợp với diễn biến dịch bệnh của thành phố, với việc xuất hiện nhiều ổ dịch, nếu lâu lâu mới thấy một ca tức là chúng ta chưa truy vết đúng hướng", Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 - nêu quan điểm.
Sáng 1/6, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết thành phố phát hiện thêm 11 người dương tính với SARS-CoV-2 liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (địa chỉ sinh hoạt tại phường 3, quận Gò Vấp).
Lực lượng y tế xác định 3.028 người thuộc diện F1 đối với các ca mắc liên quan ổ dịch tại 20 quận, huyện của thành phố.
Từ ngày 27/4 đến nay, TPHCM ghi nhận tổng cộng 208 ca dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, 211 ca bệnh liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.