1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Chuyện ghi ở Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Nam Trung bộ

Đến với Trung đoàn Cảnh sát Cơ động (CSCĐ) Nam Trung bộ đóng ở vùng đất võ Bình Định - quê hương của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ một ngày cuối tháng tư, chúng tôi chứng kiến hình ảnh những người lính trẻ đang mải mê rèn luyện những động tác võ thuật, chiến thuật tấn công trấn áp tội phạm giữa thao trường nắng nóng như trút lửa, lưng áo thấm đẫm mồ hôi...

1. Tiếp chuyện phóng viên bên lề thao trường, Thượng tá Đặng Tuấn Anh - Trung đoàn trưởng cho biết: Hình thành từ năm 2010 trên cơ sở tách ra từ Trung đoàn CSCĐ miền Trung - Tây Nguyên trước đây, mỗi năm, Trung đoàn tiếp nhận hàng trăm chiến sĩ nghĩa vụ Công an để tổ chức đào tạo, huấn luyện chính trị - nghiệp vụ - pháp luật, võ thuật, quân sự, sẵn sàng triển khai chiến thuật phòng chống các hoạt động phá hoại an ninh, bạo loạn, vũ trang, khủng bố, bắt cóc con tin, trấn áp tội phạm có sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm, giải tán các vụ gây rối trật tự công cộng, biểu tình trái pháp luật, tuần tra kiểm soát bảo vệ an ninh trật tự. Theo yêu cầu nhiệm vụ bám sát địa bàn, Tiểu đoàn 1 đóng quân tại sở chỉ huy Trung đoàn ở Bình Định, Tiểu đoàn 2 ở Khánh Hòa còn Tiểu đoàn 3 ở Quảng Ngãi.

CSCĐ Tiểu đoàn 1 rèn luyện võ thuật, kỹ năng chiến thuật tấn công trấn áp tội phạm trên thao trường.
CSCĐ Tiểu đoàn 1 rèn luyện võ thuật, kỹ năng chiến thuật tấn công trấn áp tội phạm trên thao trường.

Trong những năm qua, công tác đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ - pháp luật, võ thuật, quân sự và kỹ năng chiến thuật trong chiến đấu luôn được thực thi với nhiều tỉnh huống giả định phức tạp từ giải cứu con tin bị bắt cóc cho đến truy chặn, trấn áp tội phạm khủng bố, giải tán các cuộc gây rối trật tự công cộng...

Mặt khác, các tiểu đoàn và đại đội đặc nhiệm chủ động phối hợp Công an các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi xác lập phương án phòng chống tội phạm trên các tuyến giao thông và những mục tiêu trọng điểm chính trị, kinh tế để chủ động thực thi nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra...

Tranh thủ trò chuyện với các tân binh trong giờ giải lao, Nguyễn Thanh Dũng - quê ở Bình Định tâm sự: "Tiết trời nắng nóng khiến cho thao trường như chảo lửa, trong khi đó những bài huấn luyến võ thuật tổng hợp rồi chiến thuật ôm súng trường trườn người trên mặt đất, bật dậy tiến lên bám sát mục tiêu... không phải giản đơn mà hết sức vất vả, mệt nhoài.

Thế nhưng chúng em rất vui và tự hào khi là người lính CSCĐ luôn sẵn sàng dấn thân vào những cuộc chiến đấu để bảo vệ an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống".

Thiếu tá Nguyễn Thanh Tuấn - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 chia sẻ: "Thời điểm người dân đón lễ, vui tết hay mỗi khi có sự kiện chính trị quốc tế, quốc gia tổ chức ở địa bàn Nam Trung bộ, những người lính CSCĐ phải chủ động xây dựng phương án bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thường trực quân số 100% xuyên suốt ngày đêm trong tư thế sẵn sàng xung trận khi có mệnh lệnh chiến đấu.

Vì thế thời điểm đón lễ, vui tết, chúng tôi không được ở bên người thân để chia sẻ niềm vui, ngay cả những khi thiên tai bão lũ ập đến, CSCĐ cũng phải hành quân khẩn cấp đến vùng bão lũ, triều cường để triển khai phương án cứu nạn - cứu hộ".

Thượng tá Đặng Tuấn Anh cho hay, trong ba năm gần đây, mỗi năm Trung đoàn CSCĐ Nam Trung bộ điều động hơn 10.000 lượt CBCS tăng cường phối hợp Công an 5 tỉnh trên địa bàn bảo vệ an ninh trật tự những ngày lễ, tết và bảo đảm trật tự tại nhiều dự án kinh tế - xã hội, đồng thời triển khai thực hiện hàng ngàn ca tuần tra đột xuất tại các tuyến giao thông, địa bàn trọng điểm.

Từ những cuộc tuần tra xuyên đêm, CSBS CSCĐ của Trung đoàn đã lập nhiều chiến công nổi bật trong đấu tranh phòng chống tội phạm hình sự, kịp thời truy chặn nhiều băng, nhóm tụ tập gây rối, mưu toan hỗn chiến với đối thủ bằng hung khí nguy hiểm, vây bắt nhiều tụ điểm đánh bạc, hàng chục đối tượng trộm cắp tài sản...

Thượng úy Vũ Huy Hoàng - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 nhớ lại: "Đêm 15-3-2017, hàng chục đối tượng đi xe máy, mang theo hung khí nguy hiểm đến cầu Gỗ bắc qua sông Cái ở địa bàn xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang (Khánh Hòa) để chuẩn bị giao chiến nảy lửa với một nhóm thanh niên khác. Khi bị Công an xã Vĩnh Ngọc kiểm tra, nhóm đối tượng này vung tay kiếm sắt, mã tấu đe dọa trước khi tẩu thoát.

CBCS CSCĐ Tiểu đoàn 2 chia thành ba mũi triển khai phương án truy lùng qua nhiều đồi núi trong đêm tối mịt, hơn 2h sau đã truy bắt 5 đối tượng, thu giữ 5 xe máy vứt bỏ nhiều nơi bên đường và 12 thanh kiếm, dao, mã tấu, 4 khẩu súng bắn mũi tên sắt và súng hơi khí nén bắn đạn bi sắt, 4 điện thoại di động. Hai ngày sau đó, CSCĐ Tiểu đoàn 1 phát hiện, thu giữ 1 khẩu súng tự chế cùng hộp tiếp đạn và 12 viên bi sắt bên trong nương rẫy ở Hòn Nghê, xã Vĩnh Ngọc”.

2. Nói đến hoạt động cứu nạn - cứu hộ trong thiên tai hỏa hoạn, bão lũ, Thượng tá Đặng Tuấn Anh cho hay: "Dải đất khu Nam Trung bộ là một trong những địa bàn thường xuyên đối mặt với bão lũ khốc liệt. Mưa ầm ào trút nước trong khi đó lũ từ thượng nguồn các dòng sông Đà Rằng, Bàn Thạch, Kỳ Lộ ở Phú Yên; sông Kôn, Lại Giang, Hà Thanh, La Tinh ở Bình Định; sông Trà Khúc, Trà Bồng ở Quang Ngãi cuồn cuộn đổ xuống vùng hạ lưu. Cuồng phong bão tố xô đập, giật xoáy ầm ào.

Trong những tình huống đó, CSCĐ luôn có mặt ở những vùng tâm điểm bão lũ trên những chuyến ca nô cao tốc ngược xuôi xuyên đêm để cùng với các lực lượng khác sơ tán người dân, di dời tài sản ra khỏi tầm nguy hiểm, khẩn trương cứu nạn - cứu hộ và đã để lại trong lòng người dân nhiều ấn tượng sâu sắc về hình ảnh người Công an vì nhân dân phục vụ".

CBCS CSCĐ Tiểu đoàn 1 đào đắp, khôi phục bờ đê Gò Ông Ngôn ở xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước (Bình Định).
CBCS CSCĐ Tiểu đoàn 1 đào đắp, khôi phục bờ đê Gò Ông Ngôn ở xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước (Bình Định).

Còn nhớ trong trận lũ lịch sử tái diễn nhiều đợt vào những tháng cuối năm 2016 đã khiến cho nhiều vùng quê ở Bình Định chìm trong biển nước lúc nửa đêm, mờ sáng. Gần 10 chiếc ca nô của Trung đoàn CSCĐ Nam Trung bộ ngược xuôi hối hả đến các xã Phước Hòa, Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Nghĩa - huyện Tuy Phước để sơ tán hàng trăm người dân thoát khỏi lũ dữ đến nơi an toàn.

Lũ rút xuống khi tết dương lịch vừa đến, hơn 100 CBCS CSCĐ Đại đội 1 về xã Phước Hòa - huyện Tuy Phước tất bật đóng gói hơn 15.000 bao cát để tạo thành "lá chắn" khôi phục lại bờ đê Gò Ông Ngôn có độ cao hơn 2m đã bị lũ cuốn sạch và xới sâu hơn 4m tạo thành một "dòng sông" con.

Lúc đó, Chủ tịch UBND Phước Hòa - ông Nguyễn Văn Nhâm chia sẻ: "Hơn 540ha vùng ven nhánh sông Nha Phu đã được nông dân gieo sạ trước đó lâm vào tình trạng hư hỏng do ngập úng, đổ ngã trong bùn đất, nhiều thửa ruộng bị đất cát bồi lấp ngổn ngang. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của CSCĐ, tiến độ sản xuất vụ lúa Đông Xuân sẽ chậm trễ, thậm chí có nguy cơ bỏ hoang, thiếu đói giáp hạt sẽ xảy ra".

Trong khi đó, mũi thứ hai với hơn 100 CBCS CSCĐ Đại đội 2 và Đại Đội 3 khẩn trương nạo vét gần 4.500m kênh mương tưới tiêu ở xã Tây Giang - huyện Tây Sơn và xã Vĩnh kim - huyện miền núi Vĩnh Thạnh.

Nhìn những CBCS CSCĐ xúc cát đóng bao, tất bật khuân vác qua nhiều cung đoạn gập ghềnh, lầy lội để đắp đê và nạo vét đất cát bị lũ cuốn sa bồi trên nhiều thửa ruộng, ông Phạm Phước Đăng - trú ở xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước xúc động bày tỏ: "Cứ tưởng những người lính CSCĐ chỉ chuyên sâu với thao trường tập luyện võ thuật, kỹ thuật, kỹ năng và bản lĩnh chiến đấu chống bạo loạn, bảo vệ an ninh trật tự; không ngờ họ miệt mài lao động như những nông dân thật sự suốt ba ngày qua để nỗ lực giúp dân tái sản xuất, bà con ở đây thật sự biết ơn ngành Công an đã đào tạo những chiến sĩ năng động, tích cực chăm lo đời sống và sản xuất của người dân, quên luôn những ngày nghỉ tết".

Đâu chỉ xung trận trong bão lũ, mà tại Bình Định, Tiểu đoàn 1 đã từng huy động CBCS hành quân vượt qua những triền núi cheo leo để phối hợp các lực lượng khác nỗ lực dập tắt đám cháy bùng phát dữ dội trên núi Bà Hỏa ở khu vực 4, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn; tại Khánh Hòa giữa tháng 9-2017, CBCS CSCĐ Tiểu đoàn 2 cũng đã băng đồi lên núi Cô Tiên ở phường Vĩnh Hòa để dập tắt vụ cháy rừng trong điều kiện thời tiết hanh khô, gió cuốn thốc tháo.

Không riêng những lúc thiên tai bão lũ, hỏa hoạn mà nhiều năm qua Trung đoàn CSCĐ Nam Trung bộ còn tổ chức hàng chục cuộc hành quân dã ngoại về những làng chài ven biển cho đến vùng nông thôn và những buôn làng miền núi ở dải đất này để giúp người dân đào đắp, nạo vét, tu sửa hơn 15.000m kênh mương, đường giao thông nông thôn, thu dọn vệ sinh môi trường nhiều tuyến biển, tu sửa hàng chục trường học, trạm y tế, khám sức khỏe và cấp phát hàng trăm phần thuốc, trao tặng hàng trăm phần quà cho những gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn.

Không dừng lại ở đó, khi chúng tôi đến thăm Trung đoàn CSCĐ Nam Trung bộ cũng là lúc những lính trẻ của Tiểu đoàn 1 vừa tham gia hiến máu nhân đạo được 17.500ml tại Trung tâm huyết học truyền máu tỉnh Bình Định…

Một bài báo không thể nào chuyển tải hết những hoạt động của Trung đoàn CSCĐ Nam Trung bộ, thế nhưng trong lòng người dân ở dải đất này luôn đọng mãi những hình ảnh cao đẹp của người lính CSCĐ cùng Công an địa phương bảo đảm ổn định an ninh trật tự, giúp dân gượng dậy từ hoang tàn đổ nát sau thiên tai bão lũ.

3 năm gần đây, Trung đoàn CSCĐ Nam Trung bộ được Bộ Công an tặng cờ đơn vị thi đua xuất sắc. Họ đã và đang nỗ lực bằng nhiều hành động cụ thể để góp phần bảo vệ An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống của nhân dân ở dải đất miền Trung nắng gió.

Theo Phan Thế Hữu Toàn
Công an nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm