1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chuyện đúc tiền, in tiền ở Hà Nội xưa

Tiền Việt Nam có lịch sử hơn 10 thế kỷ và phần lớn các đồng tiền trong chế độ phong kiến được đúc tại kinh đô Thăng Long. Với tiền giấy, bộ tiền phát hành ngày 31-1-1946 là gian nan và khó khăn nhất…

…75 năm đã qua, nhưng rất ít người biết những tờ tiền giấy có chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn đầu được in ở đâu và trong hoàn cảnh nào…

Chuyện đúc tiền, in tiền ở Hà Nội xưa - 1
Những xưởng đúc tiền ở Thăng Long

Đồng tiền đầu tiên của nhà nước Việt Nam là "Thái Bình hưng bảo" ra đời năm 970 dưới thời nhà Đinh, được đúc bằng đồng ở Hoa Lư, Ninh Bình. Vì nó làm bằng đồng nên dân gian quen gọi là tiền đồng, hay nói kiểu Hán ngữ là đồng tiền. Việc nhà Đinh phát hành tiền riêng đã khẳng định Việt Nam khi đó là quốc gia độc lập. Theo "Đại Việt sử ký toàn thư", khi vua Lý Công Uẩn lập ra kinh đô Thăng Long năm 1010 đã cho lập xưởng đúc tiền như sự khẳng định tiền tệ độc lập với chính quyền phương Bắc. Từ thời Lý đến thời nhà Trần, tiền được đúc ở xưởng Bách Tác (nơi chuyên sản xuất các mặt hàng tiêu dùng do triều đình quản lý).

Xưa kia, đồng là kim loại hiếm nên có thời kỳ tiền còn được đúc bằng sắt, kẽm. Từ thế kỷ thứ 10 đến đầu thế kỷ 19, tiền đúc Việt Nam chỉ có 1 mệnh giá, chúng được thiết kế giống nhau là hình tròn, ở giữa có lỗ hình vuông. Triết học phương Đông xưa quan niệm, vũ trụ là trời tròn, đất vuông. Quan niệm này đã được áp dụng trong thiết kế tiền. Thuyết âm dương ngũ hành cũng có trong tiền, mặt chính sẽ đúc niên hiệu của vị vua trị vì gọi là mặt dương, mặt sau thường để trơn gọi là mặt âm.

Thời Lê Trung Hưng, đồng tiền "Cảnh Hưng thông bảo" của triều vua Lê Hiển Tông được đúc ở nhiều nơi, vì vua cho phép các tỉnh cũng được đúc tiền. Do nhiều tỉnh ăn bớt nguyên liệu đúc tiền nhỏ hơn, mỏng hơn nên tiền chuẩn đúc ở Thăng Long thường có các chữ: Kinh, Công, Trung ở mặt sau. Ngày nay khó xác định các xưởng đúc tiền xưa nằm ở vị trị nào trên đất Hà Nội. Khi Nguyễn Ánh lập ra triều Nguyễn, chuyển kinh đô vào Huế (1802) đã chuyển xưởng đúc tiền theo.

Nhưng việc vận chuyển tiền từ Huế ra Thăng Long để trả lương cho bộ máy hành chính ngoài Bắc mất rất nhiều thời gian, lại không an toàn. Có lần đoàn xe chở tiền đã bị cướp dù được quan quân triều đình hộ tống hẳn hoi, thế nên năm 1808, vua Gia Long cho lập xưởng đúc tiền ở ở khu vực làng Cựu Lâu (nay là Trung tâm thương mại Tràng Tiền). Xưởng đúc được bảo vệ nghiêm ngặt, lính gác có quyền kiểm tra cả đàn ông lẫn đàn bà khi ra về nên ca dao có câu: "Sống làm lính gác Tràng Tiền/Chết mong được làm quan Hiền kẻ Mơ".

Vì bạc, đồng là kim loại quý và rất đắt nên ai có 2 thứ kim loại này thì có thể mang đến xưởng thuê đúc thành tiền, ngoài việc thanh toán tiền công đúc, số còn lại sẽ là của họ. Điều đó cho thấy nền tài chính triều Nguyễn khá đơn giản, chỉ quản lý xưởng đúc chứ không quản lý số lượng tiền mặt lưu hành trên thị trường. Khi thực dân Pháp chiếm Nam kỳ rồi tiếp đến là Bắc kỳ, họ in tiền giấy, dập tiền xu, nên từ năm 1875 đến 1945 Việt Nam tồn tại song song 2 loại tiền gồm tiền do Ngân hàng Đông Dương phát hành và tiền trinh của triều Nguyễn phát hành (lúc này không còn đúc mà dập bằng máy).

Chuyện đúc tiền, in tiền ở Hà Nội xưa - 2
Bộ tiền xu, tiền giấy cuối 1945 đầu 1946

Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, Ngân hàng Đông Dương đã dừng các hoạt động tài chính với chính phủ mới nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lệnh tổ chức in bộ tiền mới để chính phủ có nguồn tài chính hoạt động. Chính phủ đã sử dụng máy dập tiền kim loại do Việt Minh tịch thu được để dập tiền xu bằng nhôm với các mệnh giá 2 hào, 5 hào, sau này có thêm loại 1 đồng, 2 đồng.

Chuyện đúc tiền, in tiền ở Hà Nội xưa - 3

Họa sĩ Mai Văn Hiến - một trong số các họa sĩ tham gia vẽ những tờ giấy bạc đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (chụp năm 2005) Ảnh: Tuấn Dũng

Nhưng vì lúc đó quân Pháp vẫn hiện diện ở miền Bắc và luôn theo dõi nhất cử, nhất động của ta, lại thêm quân đội Trung Hoa dân quốc sang giải giáp vũ khí của quân Nhật (theo yêu cầu của phe Đồng minh) cũng luôn dò xét, vì thế việc dập tiền xu hết sức bí mật. Nơi đặt máy là tầng hầm của Viện Viễn Đông bác cổ (nay là Bảo tàng lịch sử quốc gia) vừa kín đáo, vừa giảm tối đa tiếng động. Và ngày 1-12-1945, Sở Ngân khố đã bắt đầu phát hành các loại tiền kim loại dập đầu tiên ở Hà Nội.

Ngoài dập tiền xu, việc in tiền giấy cũng được gấp rút triển khai. Nhưng tiền giấy phức tạp hơn vì phải vẽ mẫu, phải có nhà in. Đồng chí Phạm Văn Đồng khi đó là Bộ trưởng Bộ Tài chính đã cho mời các họa sĩ Mai Văn Hiến, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Huyến, Nguyễn Sáng... vẽ mẫu các mệnh giá theo 3 nội dung quan trọng là: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Ngoài các hình vẽ phục vụ tuyên truyền thì một hình ảnh vô cùng quan trọng trên các mẫu tiền là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họa sĩ Mai Văn Hiến được giao vẽ tờ bạc mệnh giá 5 đồng, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung vẽ tờ 10 đồng, họa sĩ Nguyễn Văn Khanh vẽ tờ 20 đồng...

Chuyện đúc tiền, in tiền ở Hà Nội xưa - 4

Giấy bạc Cụ Hồ mệnh giá 5 đồng

Đó cũng là những họa sỹ vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu tiên lên tiền giấy Việt Nam. Việc vẽ mẫu tiền diễn ra ở tầng hầm của Ngân hàng Đông Dương (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, phố Lý Thái Tổ) cũng hết sức bí mật. Có mẫu, có giấy, nhưng in ở đâu cũng là vấn đề đau đầu, vì phải có máy in đáp ứng được công nghệ in tiền, phải có thợ giỏi để khắc bản in trên kim loại. Cuối cùng, nhờ sự hỗ trợ đắc lực về kỹ thuật, vật chất và cả tính mạng của các nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện, Ngô Tử Hạ (chủ nhà máy in Ngô Tử Hạ ở phố Lý Quốc Sư) công việc mới được tiến hành.

Ông Đỗ Đình Thiện đã bỏ tiền mua nhà máy in Taupin của người Pháp (sau 1954 là Bách hóa số 5 Nam bộ, nay là tòa nhà của Tập đoàn Doji tại ngã tư Lê Duẩn - Nguyễn Thái Học) để hiến cho Chính phủ, và Bộ Tài chính đã sử dụng làm cơ sở in tiền. Để kịp tiến độ đưa đồng tiền mới đến các cơ quan chính phủ và người dân, các máy in lúc đó gần như chạy liên tục. Sau rất nhiều nỗ lực, tờ tiền đầu tiên có mệnh giá 20 đồng với màu vàng chủ đạo đã xuất xưởng. Mặt chính tờ tiền là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ở chính giữa góc trái.

Giữa tờ tiền có chữ "Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa" cùng 2 chữ ký của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Giám đốc Sở Ngân khố. Mặt sau có hình công nhân, nông dân và con trâu. Sau tờ tiền mệnh giá 20 đồng, các tờ 100 đồng, 500 đồng cũng được in ra. Tuy nhiên, cơ sở in tiền tại địa điểm này chỉ hoạt động được một thời gian ngắn vì bị thực dân Pháp thường xuyên khiêu khích và tìm mọi cách phá hoại.

Dù vậy nhưng cơ sở này đã in ra những tờ tiền giấy đầu tiên để Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa phát hành cho các địa phương từ vĩ tuyến 16 trở vào bắt đầu từ ngày 31-1-1946. Tiền này thay thế đồng bạc Đông Dương với giá trị tương đương 1:1. Vì tiền in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh nên người dân gọi bằng cái tên thân thương là "tiền Cụ Hồ". Khi thực dân Pháp tái chiếm Việt Nam, nhà máy đã chuyển lên đồn điền ở Hòa Bình cũng thuộc sở hữu của ông Đỗ Đình Thiện.

Kể từ ngày phát hành tiền giấy Việt Nam Dân chủ cộng hòa đầu tiên đến nay đã 75 năm. Hiện Việt Nam đã có nhà máy tin tiền hiện đại ở Hà Nội và tiền polymer được in ở đây.