Chuyển danh sách đảng viên có dấu hiệu vi phạm đến cơ quan kiểm tra Đảng

Thế Kha

(Dân trí) - 100% vụ việc khi thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm đều được chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra để xử lý; chuyển danh sách tổ chức Đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm đến cơ quan kiểm tra Đảng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký Nghị quyết số 75/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Đối với lĩnh vực thanh tra, nghị quyết yêu cầu khẩn trương triển khai thực hiện Luật Thanh tra (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp thứ 4; kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp các cơ quan thanh tra, đội ngũ thanh tra viên và người làm công tác thanh tra, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Xây dựng định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra hằng năm bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm. Tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung vào các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh nhiều vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, các Bộ, ngành, địa phương có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm.

Tập trung triển khai nghiêm túc các cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Chuyển danh sách đảng viên có dấu hiệu vi phạm đến cơ quan kiểm tra Đảng - 1

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 vừa qua (Ảnh: Phạm Thắng).

"Đổi mới phương pháp và cách thức tiến hành thanh tra để đẩy nhanh tiến độ thanh tra, nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, bảo đảm chặt chẽ, khách quan, khả thi, đúng pháp luật, khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra", nghị quyết nêu rõ.

Đặc biệt, bảo đảm 100% các vụ việc khi thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm đều được chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra để xử lý theo thẩm quyền; chuyển danh sách tổ chức Đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm đến cơ quan kiểm tra Đảng để xem xét xử lý theo quy định của Đảng.

Nghị quyết yêu cầu Thanh tra Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước để xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, bảo đảm sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán. Không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm toán quá 1 lần/năm về cùng một nội dung đối với một cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Xây dựng Cơ sở dữ liệu về thanh tra nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, phát hiện và xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Thanh tra Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. Sau năm 2025, thực hiện chuyển đổi số 100% công tác kiểm soát tài sản, thu nhập bằng việc sử dụng công nghệ số, dữ liệu số.

"Sớm ban hành bộ tiêu chí đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với Bộ, ngành trung ương làm cơ sở để thống nhất đánh giá đầy đủ, toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước", nghị quyết yêu cầu.

Ngoài ra, nghị quyết nhấn mạnh việc tháo gỡ vướng mắc, chủ động phối hợp trong công tác thu hồi tài sản, nhất là việc kê biên, phong tỏa, tạm giữ, phục vụ cho việc tổ chức thi hành án, thu hồi tối đa tài sản công bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Tăng cường hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp về thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài.