1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Chuyện chưa kể về 80 giờ giải cứu 12 công nhân dưới hầm Đạ Dâng

(Dân trí) - Vị Phó Tham mưu trưởng được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao chỉ huy toàn bộ lực lượng cứu hộ 12 công nhân mắc kẹt dưới hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng) nói giây phút thay đổi hướng đào là một quyết định “cân não” và là kỷ niệm đáng nhớ đối với ông.

 

Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh - Ảnh: Viết Hảo
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh - Ảnh: Viết Hảo

 

Một năm sau ngày sập hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng), trao đổi với phóng viên Dân trí, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh, người được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao chỉ huy toàn bộ lực lượng cứu hộ trong hầm nói: Ông không thể nào quên được giây phút giải cứu 12 công nhân mắc kẹt hơn 80 giờ dưới lòng đất!

Thưa Đại tá, lý do gì mà Lữ đoàn Công binh 293 được điều động từ Cam Ranh lên Lâm Đồng tham gia giải cứu 12 công nhân bị nạn?

Cái đó nằm trong phương án, kế hoạch của Binh chủng Công binh là điều động lực lượng làm nhiệm vụ gần nhất để đỡ mất thời gian và Lữ đoàn đó có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý nền đất yếu. Mà cũng không phải chỉ có mỗi Lữ đoàn 293! Lữ đoàn 293 là chủ công cho đào hầm, còn lại Tiểu đoàn 93 có một lực lượng được điều từ ngoài Bắc vào và Lữ 25 Quân khu 7 điều động một Tiểu đoàn kiêm nhiệm cứu hộ cứu nạn của công binh Quân khu 7 lên.

Ý tưởng đào ngách hầm bên trái do công binh thực hiện khi đó có vấp phải ý kiến nào phản đối hay không, thưa Đại tá?

Khi Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vào thì Ban chỉ huy hiện trường, trong đó trực tiếp là tôi đề nghị hướng đào đó thì được Phó Thủ tướng nhất trí. Sau đó đi khảo sát và báo cáo lại một lần nữa phương án thi công. Đoàn công tác của Chính phủ, Phó Thủ tướng đã kết luận đồng ý cho mở ngay đường hầm dự phòng bên trái cùng với bên phải. Khi đó ngách bên phải, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam đã đào trước gần 3 ngày.

Có ý kiến cho rằng, tại sao lực lượng công binh không hợp sức cùng tổ cứu nạn của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam đào ngách hầm bên phải cho nhanh mà lại mở đường bên trái?

Khi vào làm nhiệm vụ thì thứ nhất là địa hình chật hẹp và công binh đã tăng cường lực lượng để phục vụ cho hướng (đào) của Than Khoáng sản rồi! Thế nhưng, đào ở trong lòng đất thì không biết nó xảy ra vấn đề gì, gây khó khăn, trở ngại nên mình phải có đường hầm dự phòng. Nếu đường bên phải không vào được thì đường bên trái sẽ vào được.

Quá trình làm thì mình dùng các giải pháp, kỹ thuật đào hầm trong nền đất yếu của công binh nên xử lý nhanh hơn so với Than Khoáng sản. Ngoài ra, việc mình làm thay đổi phương pháp so với họ là đào vòng, còn của công binh thì đào thẳng nên giải quyết nhanh hơn.

Mình xác định hướng của công binh là dự phòng và cuối cùng là hướng chính để giải thoát các công nhân.

Nếu được giao một nhiệm vụ tương tự thì Đại tá có nghĩ lực lượng công binh sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như ở Đạ Dâng hay không?

Vì đã qua kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ và đã được huấn luyện, rèn luyện nên chắc chắn xử lý sẽ nhanh hơn.

Thưa Đại tá, sau một năm nếu nói về Đạ Dâng, không biết Đại tá sẽ nhớ về kỷ niệm nào nhất?

Tinh thần của cán bộ chiến sỹ khi tham gia cứu hộ, cứu nạn cho Đạ Đâng có thể nói là quên ăn, quên ngủ, quên cả nguy hiểm để cứu dân, cứu người. Nhiều anh em thay ca cho nghỉ nhưng vẫn không nghỉ mà quyết tâm, tiếp tục làm tăng ca, tăng thời gian để đào nhanh nhất.

Chắc chắn đó là kỷ niệm không thể quên được! Còn riêng với cá nhân tôi là khi quyết định thay đổi phương pháp là đào thẳng thay vì đào đường vòng ra ngoài. Tôi hội ý là chọn giải pháp đào ngay dưới đống sạt trượt nhưng rất nhiều ý kiến phản đối. Tuy nhiên, cuối cùng tôi đã thuyết phục được và đi theo hướng đào thẳng nên đã đến nhanh nhất và an toàn.

Xin cảm ơn Đại tá về cuộc trao đổi!

Viết Hảo (thực hiện)