1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chuyện chưa biết về người mê rùa Hồ Gươm

Một số cơ quan thông tin đại chúng đưa ý kiến của PGS, TS Hà Đình Đức rằng, qua phân tích nguồn gen cho thấy rùa Hồ Gươm là độc nhất. Cụ rùa Hồ Gươm là loài rùa mới và đặt tên khoa học là Rafetus leloii (Lê Lợi).

Được biết, một số nhà nghiên cứu về loài rùa như Tiến sĩ Peter Maylan (Đại học Eckerd); Giáo sư Kraig Adler (Đại học Cornell - Mỹ) đồng ý với quan điểm của PGS Hà Đình Đức rằng rùa hồ Gươm thuộc loài rùa mai mềm nước ngọt khổng lồ, loài thứ 5 cũng ở Việt Nam và cũng là loài thứ 23 trên thế giới, không phải xuất xứ từ một giống rùa Thượng Hải nào như tin đồn...

Ít ai biết rằng, để có được kết luận và là minh chứng, bằng chứng khoa học ấy, gần 20 năm trước PGS Hà Đình Đức đã phải lao tâm khổ tứ như thế nào.

Một giả thuyết táo bạo, Cụ Rùa Hồ Gươm sẽ không cô đơn?

"Cuộc đời không có gì đáng kể nhưng chẳng có gì đáng kể nếu không có cuộc đời! Mà cuộc đời chỉ đáng kể nếu như anh đam mê một cái gì đấy... Với tôi thì thứ đam mê là loài rùa!"

Nhớ gần mười năm trước, Nhớ gần mười năm trước, cái đêm lạnh nằm ở nhà khách Vườn quốc gia Cúc Phương,TS, PGS Hà Đình Đức với chất giọng khàn và rè cố hữu  đó  buông  câu ấy  rồi lại châm thêm một điếu thuốc mới. Chao ôi, cái ông này kéo thuốc mới ghê!  Tôi cũng biết thêm, ông tiến sĩ này không những mê rùa mà trước đây niềm đam mê nhiều năm của ông là bò xám. Cái giống bò tưởng như đã tuyệt chủng trên thế giới nghe đâu lại xuất hiện ở Tây Nguyên trong những năm đầu tám mươi của thế kỷ trước...

Ông cưỡi voi cùng một số nhà khoa học quốc tế rong ruổi khắp núi rừng Tây nguyên mải mê đi nghiên cứu giống bò xám. Một viên đạn của bọn người xấu bất ngờ xuyên thủng phổi phải của ông đã hất nhà khoa học này trở lại Hà nội cùng với nỗi đam mê xếp xó. Nhưng lành bệnh, ngay lập tức ông lại có thứ đam mê mới: mê rùa! Mà chẳng phải thứ rùa lển nghển thứ nướng trui thứ xào lăn ở miệt vườn Nam Bộ hay thứ rùa vàng xinh xẻo khách du lịch vẫn thường thấy bày bán ở khu du lịch Tam  Đảo hay Sapa... mà là Rùa thiêng huyền thoại ở Hồ Gươm!

Nếu liệt kê ra các chức danh hay là thành viên của một tổ chức nào đó của ông phải "biên'' kín hai mặt của một cái carde-visit nhưng tôi thấy "trội'' ở hai dòng: Là người của tổ chức bảo vệ vườn quốc gia Phôngtennôblô và thành viên của Tổ chức quốc tế bảo vệ Rùa. 
 
Chuyện chưa biết về người mê rùa Hồ Gươm - 1
PGS, TS Hà Đình Đức thường xuyên có mặt ở Đền Ngọc Sơn
để bám Rùa Hồ Gươm.
 
Mười mấy năm nay ông bận bịu lắm với cái chức danh thứ hai này đến nỗi ngoài giới khoa học và báo chí ra bên ngạch quan chức, quản lý cũng gọi ông mỗi hai từ thế này: Đức Rùa! Đam mê mà không cảm tính, sống sượng không... hâm không cố chấp mà rủ rỉ mà lạnh tanh mà khư khư, dai dẳng nói tóm lại là không theo cái phương pháp phổ biến của những anh làm khoa học là cứ lẳng lặng làm và rất ngại va chạm!

Phong cách  ấy của Phó giáo sư, tiến sĩ Hà Đình Đức khiến không ít ngành lẫn người có trách nhiệm ở cấp thành phố và Trung ương có liên quan đến cụ Rùa Hồ Gươm, khó chịu thì có nhưng đành chấp thuận và vui lòng cộng tác với ông vì cái chung.

Người viết bài này đã có được may mắn là đầu năm 1988 được ông Đức cho coi cái biên bản in rô-nê-ô của Uỷ Ban hành chính Hà Nội vào cuối những năm sáu muơi có cái tên ngồ ngộ Về việc con ba ba chết ở Hồ Hoàn Kiếm kê biên rất tỷ mỷ về việc con rùa (khi ấy người ta gọi là con ba ba?) ở Hồ Gươm chết và phương thức xử lý ra sao (kể cả việc đem xẻ thịt để bán?) cùng những ý kiến của những cá nhân và cơ quan có trách nhiệm để hiện tại Rùa được quàn ở Đền Ngọc Sơn... Sau đó tôi đã viết bài đăng trên tờ Tiền Phong với cái tên Về Cụ Rùa thiêng hiện quàn ở Đền Ngọc Sơn.

Từ năm 1988 đến năm 2001 (thời ấy ông Đức chưa có máy ảnh kỹ thuật số) Hồ Gươm có bao lần rùa nổi là ông đều có mặt  để chụp ảnh. Ông đã bỏ ra 485 cuộn phim các loại các cỡ chụp Rùa thiêng và mấy trăm phút của băng ghi hình cụ Rùa Hồ Gươm.  Mười mấy năm như thế, hầu như tháng nào ông cũng đều có thông số về chất lượng nước Hồ Gươm. Để làm gì vậy? Ông nói nhỏ rằng phải "thủ'' thứ đó bởi mỗi khi rùa nổi người ta cứ làm toáng lên là nước Hồ Gươm bị ô nhiễm, cụ phải ngoi lên để thở rồi bày đặt ra dự án này kế hoạch nọ để thay đổi môi trường Hồ Gươm thì khốn!
Chuyện chưa biết về người mê rùa Hồ Gươm - 2
Đêm về lại say mê nghiên cứu Rùa.
 
Gần mươi năm trước dự án thay nước Hồ Gươm tốn kém gần 10 tỷ đồng nói rằng để bảo vệ rùa đã không "xong'' với ông Đức bởi sự khư khư đến dai dẳng của ông ở cấp này ngành khác. Không ít người oán ông, ghét ông nhưng rồi thực tế đã xoá đi những hiểu lầm ấy...

Cái năm tôi cùng ông dung dăng về Cúc Phương là thời điểm  không ít người vốn yêu rùa Hồ Gươm (tất nhiên là chưa nhiệt thành bằng ông) hoang mang thậm chí hơi bị choáng là Hồ Gươm từ trước đến nay nhiều người tưởng có một đàn rùa quý nhưng tiếc thay sự thật trong lòng hồ mênh mông kia chỉ nhõn mỗi một cụ Rùa!

Thời  Holôxen- vẫn chất giọng khàn khàn cố hữu của nhà sinh học đam mê rùa - cách đây 15.000 năm, con sông Cái tức sông Hồng ấy lượn ngoằn ngoèo trong vùng đất Đại La rồi sau đó vặn mình chuyển dòng chảy để sinh ra hồ Dâm Đàm (Hồ Tây) Hồ Lục Thuỷ và hơn chục hồ anh hồ em kéo dài một vệt từ Tây Bắc xuống Đông nam.

Suốt chiều dài lịch sử Thăng Long Đông Đô Hà Nội, tuyệt không có chính sử lẫn dã sử, sử sách cùng huyền thoại nhắc tới loài rùa to ở bất kỳ đầm hồ nào ở vùng này trừ  con hồ Lục Thuỷ (Hồ Gươm sau này) ở thế kỷ XV, sau ngày vua Lê Lợi trả gươm thần.

Nhiều năm nay chúng tôi đã bỏ nhiều công sức khảo sát hàng chục đầm hồ của Hà Nội và lân cận nhưng tuyệt nhiên không phát hiện ra loài rùa nước ngọt mai mềm như cụ Rùa Hồ Gươm cả! Chính vì thế mà chúng tôi đã thuyết phục được các nhà khoa học các thành viên của Hội Rùa quốc tế như tiến sĩ Peter Mayland  của trường Đại học Eckerd (Mỹ) Giáo sư  Kraig Adler Trường Đại học Cornell (Mỹ)... và họ cũng đồng ý với quan điểm rằng rùa Hồ Gươm thuộc loại rùa mai mềm nước ngọt và là loài rùa thứ 5 có ở Việt nam cũng là loài rùa thứ 23 trên thế giới (hiện nay họ rùa nước ngọt trên thế giới chỉ có 22 loài).

Chúng tôi đi đến kết luận bước đầu như thế này đồng thời cũng là một giả thuyết: Rùa Hồ Gươm không phải là loài rùa tự nhiên vốn sống ở đây mà được đưa từ nơi khác thả vào Hồ Gươm! Vậy rùa Hồ Gươm  có quê gốc ở đâu? Ai thả ? Vâng, qua rất nhiều lần quan sát khảo sát kỹ càng chúng tôi lấy làm tiếc mà thông báo với bàn dân thiên hạ rằng Hồ Gươm chỉ còn mỗi một cụ rùa có cái đốm tráng trên đầu này thôi!

Vâng đúng như điều bất hạnh mà các anh nói, nếu cụ đây mà có mệnh hệ gì thì Hồ Gươm huyền thoại bao đời nay chỉ còn là một cái ao to tướng rêu xanh... Chính vì thế mà bằng việc làm khoa học của mình, chúng tôi đã và đang mạnh dạn góp phần trả lời câu hỏi trên là tìm quê của cụ Rùa. Một vấn đề nghiêm túc được đặt ra là biết đâu cụ có họ hàng hậu duệ và khi ấy việc con cháu tìm về cụ tổ sẽ diễn ra? Rồi biết đâu cụ Rùa Hồ Gươm nếu còn khả năng "ấy'' thì điều kỳ diệu "kế tổ tông chi nghiệp'' sẽ xảy ra và mặt nước Hồ Guơm sẽ tránh được cái hoạ quạnh quẽ?

Theo Tiến sĩ tìm về quê cụ Rùa..

PGS, TS Hà Đình Đức kể mà cứ như đùa cho tôi nghe rằng, ông hình như có "duyên'' với cụ Rùa Hồ Gươm hay sao ấy bằng cớ là mỗi lần ông đáo qua Hồ Gưom hay có cuộc họp bàn về rùa Hồ Gươm là y như rằng rùa nổi(!) đi thuyền ra Tháp Rùa ba lần thì cụ "theo'' 2. Chụp ảnh thì cụ ngẩng rõ chi là cao cái đầu cho mà chán chê ngắm nghía!? vv...

Năm ngoái đang buồn rầu thông báo với mấy anh em báo giới rằng chỉ còn một cụ ở Hồ Gươm thôi thì bất ngờ ông nhận được điện thoại  từ xã Quảng Phú  huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá rằng có một người bắt được ổ trứng rùa!

Người gọi là ông Tạ Đình Dần, chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã. Duyên do là thế này: Quê ông Đức vốn ở Thọ Xuân rất gần với khu di tích Lam Kinh. Một lần về quê, ông nghe người ta kể ở Vụng Sung, một nhánh của con sông Lương (tên thời Lê Thái Tổ) là sông Chu bây giờ, trước đây có loài rùa to bằng cái chiếu đôi. Lâu rồi, có lần dân bắt được xẻ thịt... Hiện nay ở huyện Quan Hoá (huyện miền núi của Thanh Hóa) có nhà gần thị trấn đang giữ cái mai rùa ấy làm cái máng để tắm!

Lại nghe ở xã Quảng Phú cách đây mấy năm, dân bắt được ở hồ Thần và Hồ Sen của xã một con rùa nặng tạ rưỡi và cũng mang xẻ thịt. Linh tính như mách bảo ông  Đức điều gì... Quan Hoá thì xa nhưng Quảng Phú thì gần. Ông về quê rồi tìm đến Xã Quảng Phú.  Gặp chủ tịch. Bí thư. Gặp dân. Chuyện bắt được rùa to như thế là có thật, ông Đức dặn lần sau nếu bắt được rùa hay trứng thì điện cho ông. Lần nhận được điện ấy tốc táo trở về  Thanh Hoá thì cái nhà bắt được trứng (to bằng quả trứng ngan, mà những bảy quả) họ luộc chén mất rồi!

...  Lần ấy, tôi theo ông Đức về Quảng Phú. Sau khi làm việc với ông Dần, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Quảng Phú, một xã 98 phần trăm dân theo đạo Thiên Chúa, đời sống mấy năm nay cũng đơ đỡ là nhờ chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Bằng cớ là chúng tôi được uống sữa tươi (xã có hơn 100 con bò sữa) thay nước chè xanh như mấy năm trước.

Chúng tôi theo ông Đức và ông Thái (ông Thái là người bắt được rùa cách đây mấy năm) ra hồ Thần và hồ Sen của làng. Trước mặt là tít tắp là mênh mông không phải rộng mà là dài thườn thượt hai cái hồ nối nhau.  Điều hơi bị lạ là Hồ Sen và Hồ Thần cách nhau chỉ một rặng cây và và (một loại cây thân gỗ lá to mọc ở đầm lầy hoặc vùng chiêm trũng cùng với năn lác) nhưng Hồ Sen thì rậm rì năn lác và và  cựng sen súng còn bên hồ Thần thì tịnh không có thứ cây gì mọc ngoài nước trắng rợn?

Ông Thái cho hay, hàng bao đời nay quanh năm chỉ phập phềnh rậm rịt cỏ vạo và năn lác hoang vu như thế. Xã cũng chưa biết "chuyển dịch'' khu đầm dài tới 7 cây số có chỗ sâu lút dầu người thành vùng chuyên canh cây gì con gì! Và cũng chưa có hộ nào dám đấu thầu cả! Qua ông Đức, tôi biết được khu đầm hoang dài ngoẵng này có thể là một nhánh của con sông Chu đã chết hoặc dấu tích còn lại của sự biến dạng của sông Chu trước đây.

Khu đầm này như ông Thái cho biết là khá nhiều cá. Có năm bắt đựợc con mè cắt sáu, mỗi lát cắt tới 15 kg. Con Chạnh (từ gọi rùa ở vùng đây) cũng lắm. Thường câu được con cỡ mươi mười lăm kilogam. Ba năm trước, ông Thái và mấy người nữa câu dược con chạnh to nhất. Phải trên tạ rưỡi. Riêng thịt xẻ ra hơn tạ. Mang ra chợ bán chỉ vài nghìn một cân. Ăn nó phải có nhiều gia vị, nấu nướng cũng lỉnh kỉnh...

Gì thì gì  phải có mẻ, mắm tôm... Cái anh chạnh chỉ có uống rượu là hợp! Cái chi? Bắt răng được hắn, phải câu chứ! Mồi là cá hoặc thịt sống (lúc về có ghé qua nhà ông Thái xen giàn câu chạnh- rùa. Với hàng chục lưỡi câu "phi'' cỡ bằng ngón út trẻ con và hệ thống dây nilon bền chắc có lẽ các anh chị cho tới các cụ ông bà chạnh nếu đã mắc câu thì chỉ cầm chắc cái chết).

Cái giống chạnh mà đã mắc chớ có giật hay kéo mà để cho hắn giẫy đạp đùng đùng cho chán cho mệt mới lựa đưa hắn ra chỗ quang hay chỗ nước nông lật ngửa cho vào thuyền hoặc hất lên cạn... Ông Thái cũng cho hay, câu thứ chạnh này không khó và khi nào thong thả câu chơi bời thôi. Thịt chạnh cũng không đựợc giá lắm!

Chúng tôi lặng lẽ nghe ông Đức hướng dẫn cho  ông Thái nếu lần sau bắt được trứng hay câu được chạnh thì thể thức liên lạc với ông ra sao, úp sấp hoặc lật ngửa trứng cũng như cách giữ chạnh sống như thế nào. Tôi rụt rè hỏi nhỏ ông Đức "Thế... trứng để làm gì?'' "Trời ơi, để ấp chứ còn làm gì nữa... Chỗ tôi có thiết bị ấp trứng rùa. Đã từng ấp mấy lần nhưng chưa có thứ trứng rùa nào to như trứng ngan này cả!''

Theo như ông Đức, đặc điểm khả quan nhất là giống chạnh qua việc miêu tả của ông Thái thì giống hệt rùa Hồ Gươm, cũng mai mềm cũng đầu bằng chứ không nhọn hoắt như cua đinh - từ phía Nam, ba ba -từ ngoài Bắc. (khi ông Đức cho ông Thái coi ảnh rùa Hồ Gươm thì ông Thái gật lia lịa: vâng chính hắn!)

Nhà khoa học lẩm bẩm, trời ơi, cụ Rùa  Hồ Gươm thì cũng chỉ ngót hai tạ chứ mấy! Lại còn cụ Rùa đá đội bia Vĩnh Lăng cách Quảng Phú non mươi cây số, đầu rùa in hệt đầu con chạnh này và cũng y chang đầu cụ Rùa Hồ Gươm! Chắc là khi chế tác rùa đá, các nghệ nhân vùng Lam Sơn Thanh hoá đã quá quen với loại chạnh ở vùng này? Bằng cớ là rùa bia Vĩnh Lăng không giống với bất kỳ loại rùa đá ở những đình chùa ở Bắc Bộ miền Trung hay Văn Miếu?

"Thế còn mai miếc, xương cốt đâu cả?'' Ông Thái vẻ như ngượng nghịu trước câu hỏi dồn của ông Đức "Đem chôn hay vứt đi đâu ấy ...'' Rời Quảng Phú, cái âm hưởng khàn khàn của nhà khoa học đột nhiên váng vất chút huyền sử nhưng khá là tự tin: Mình dám tin rằng cụ Lê Lợi đã mang rùa từ nơi này ra thả ở Hồ Gươm bởi cụ thấm hơn ai hết bài học của An Dương Vương đã không trả lẫy nỏ cho thần Kim Quy mà để cho Triệu Đà lừa đánh tráo! Cái gì đã mượn là phải trả. Có vay thì có trả. Đạo nghĩa người Việt mình là thế! Phải giữ chữ tín! Linh khí mà thần thánh trời đất cho mượn Âu cũng là trời đất tổ tông linh thiêng ngầm giúp mới được như vậy (Bình Ngô đại cáo) để dẹp giặc dữ thì dứt khoát phải trả. Nơi mượn gươm thần là ở vùng sông Lương (sông Chu ngày nay) còn nơi trả gươm Lê Thái Tổ đã chọn là Hồ Lục Thuỷ nằm giữa Đông Đô Thăng Long để công bố với bàn dân thiên hạ rằng, qua rùa thiêng (vật tứ linh, không thể trả qua loài ba ba hay thuờng luồng hoặc bất cứ giống thuỷ tộc nào). Lê Lợi đã trả gươm báu cho đức Long Quân sau khi đánh đuổi quân xâm lăng, mở nền thái bình muôn thuở! Rồi từ đó hồ Lục Thuỷ nói riêng cũng như dân tộc mình nói chung đã có một huyền thoại đẹp: Hồ Hoàn Kiếm- Hồ trả gươm!

Tiến sĩ Đức Rùa có cô đơn?

... Cũng lâu lâu sau buổi về Quảng Phú, một bữa Tiến sĩ Hà Đình Đức  giọng hỉ hả gọi cho tôi, ông và anh em ở Viện Công nghệ sinh học vừa vào Quảng Phú mang cái đầu chạnh mà ông Thái bắt  được hồi ấy đem về Hà Nội chiều nay rồi!

Số là thế này, ông Thịnh trước đây là công an xã Quảng Phú cũng có tham gia bắt chạnh với ông Thái.  Sau đó ông Thịnh không biết nghĩ thế nào lẳng lặng mang cái đầu chạnh đã róc hết thịt chỉ còn cốt, lại cũng công phu ngâm tẩm cẩn thận để trong cái tủ kính nhỏ ở nhà!

Việc đó ít ai biết và sau đấy một thời gian, ông Thịnh cũng mất vì bạo bệnh... May mà ông Dần, chủ tịch xã biết được, điện cho ông Đức! Sau khi thắp hương cho ông Thịnh, anh em ở Viện công nghệ sinh học đã đặt 1 triệu đồng cho gia đình để mượn về.

Mang về làm gì hả? Gặp tôi, ông Đức chừng như chán quá trước câu hỏi có vẻ ngớ ngẩn ấy nhưng cũng tuôn ra một thôi một hồi... Để làm gì à? Để làm ADN. Chúng tôi sẽ thắp hương xin một mẩu cốt, nếu không của cụ hiện đang quàn ở Đền Ngọc Sơn thì của cụ hiện đang quàn ở chùa Hưng Ký. Hai cụ Rùa Hồ Gươm ấy đều ra đi cách đây cũng lâu rồi.  (Một cụ bị bom Mỹ cụ kia thì bị bọn bất lương đâm chết- XB).
 
GS, TS Lê Trần Bình, Viện trưởng Viên Công nghệ sinh học hứa sẽ giúp chúng tôi nhiệt tình. Hiện Viện có những thiết bị hiện đại tiêu chuẩn quốc tế để giám định ADN... Ông Đức nói thêm, việc này rất có ý nghĩa bởi ông đã E-mail cho Ngân hàng "gen'' thế giới, họ cho biết không có "gen'' của giống rùa nước ngọt mai mềm này. Chỉ cuối tháng 5 này sẽ có kết quả giám định ADN.

Khi ấy... Một, Việt Nam sẽ cung cấp cho tổ chức bảo vệ rùa của thế giới một giống "gen'' quí và biết đâu cùng với bước tiến của việc nhân bản vô tính,  nghĩa là thứ Rùa quí hiếm này sẽ có cơ tái tạo nay mai?! Nhưng hơn thế, nếu loài chạnh ở Quảng Phú ở Thọ Xuân Lam Kinh này mà có họ mạc mà là hậu duệ của cụ Rùa Hồ Gươm chỉ riêng việc cụ có bạn hay có cháu chắt chút chít hầu hạ cụ thì Hồ Gươm chắc sẽ còn nhuốm màu huyền thoại nữa...

Tôi thầm phác qua và nhẩm ra những nhọc nhằn của ông Đức  từ lúc khởi đầu đến việc giám định hoàn tất. Ông cười khà khà "Biết là vất rồi, nào là còn phải đi khảo sát môi trường sống (chất nước chất  đất...) của loài rùa Quảng Phú rồi còn một lô xích xông những dầu việc mà cái nào cũng cần kinh phí cả mà tôi cũng chưa biết "moi'' ở đâu? Nhưng tôi rất lạc quan vì mình không đơn độc. Anh em bên Viện công nghệ sinh học giúp đỡ rất nhiệt tình. Anh em bên Sở văn hoá thông tin Hà Nội mới nghe tôi trình bày đã có ngay công văn lên Thành phố đề nghị giúp đỡ. Rồi ở Thanh Hoá và nhất là quê nhà huyện Thọ Xuân, các anh lãnh đạo từ xã đến huyện, tỉnh khi nghe chuyện cũng hết sức ủng hộ. Còn ủng hộ như thế nào thì khi vào việc mình mới có đề nghị cụ thể được. Chưa hết, hai vị trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hoá và Hà Nội khi nghe được tin này đều nói: nếu đúng như thế thì nào có tiếc gì...''

Nhưng qua giám định mà họ hàng  Rùa Hồ Gươm và Rùa Quảng Phú chênh nhau, như người ta nói là bắn mấy tầm đại bác chưa tới hay chẳng có tí ti huyết thống nào thì tính ra sao đây hả ông Tiến sĩ? Ông Đức nói ngay rằng ông không có cái gì quá lạc quan để rồi quá thất vọng. Ông và cộng sự sẽ chuyển hướng sang Quỳnh Lâm. Tại thị xã Hoà Bình có đầm Quỳnh Lâm rất rộng, có cấu trúc lẫn môi trường gần như Quảng Phú, dân ở đó gần đây đã bắt đựoc mấy cụ Rùa mỗi cụ cỡ hơn tạ cả...

Tôi ngập ngừng nhưng cứ hỏi "Tiến sĩ đã nghe một vài ý kiến rằng, thôi đã là huyền thoại thì cứ để là huyền thoại, làm chi cái việc đem khoa học tân kỳ vào can thiệp cho nhọc với lại làm thế thì còn gì là bí ẩn thiêng liêng của huyền thoại của đời sống tâm linh nữa?''

Ông Đức xoè hai tay ra "Tôi không thuộc "típ'' hễ bất kỳ cái gì cũng lao vào mà giải thích rồi rốt cuộc trở nên cực đoan và phiến diện, giải thích tức là thích đến đâu thì giải đến đấy (!?) Nếu cứ cái kiểu "lườm nguýt'' vô trách nhiệm ấy rồi có ngày họ nghĩ chúng tôi sẽ ngớ ngẩn lẫn rồ dại đi làm cái việc  khảo sát những vệt màu tía của những bụi tre đằng ngà ở vùng Sóc Sơn đem về phân tích xem chất lửa của ngựa sắt Thánh Gióng phun ra thời đánh giặc Ân là loại lửa gì nóng bao nhiêu độ cũng nên (?!) Còn việc nghiên cứu mối quan hệ giữa Rùa Hồ Guơm với Rùa Quảng Phú cũng như việc giám định ADN  là viẹc hoàn toàn khác nằm trong tầm tay của các nhà khoa học tâm huyết của nước nhà...''

Tôi nhớ lần ấy sau khi tạm biệt ông đã trở về với ý nghĩ, với những người và nhất là các nhà khoa học có cái máu đam mê như thế tốt nhất đừng bao giờ đặt ra những "nếu'' hay "hoặc'' với họ cả!

Và bây giờ, hiệp sĩ thời đổi mới, ông TS, Phó GS Hà Đình Đức từng tiên phong xung trận với những cuộc chiến bảo vệ di tích giữ gìn di tích Thăng Long vẫn chưa hề nguội lạnh cái nhiệt thành với Cụ Rùa Hồ Gươm chắc hẳn đau lòng lắm lắm mỗi khi phải chứng kiến Cụ Rùa Hồ Gươm lâm bệnh trọng? Nếu cụ có mệnh hệ nào thì nỗi đau ấy phải gấp bội bởi suốt hàng chục năm đôn đáo tất tả là thế nhưng vẫn dang dở vẫn chưa trọn vẹn một sự nghiệp một tình yêu một đam mê của một nhà khoa học với Cụ Rùa?

Có nên để nhà khoa học ấy cô đơn mãi?

Đêm 23-2-2011
 
Theo Xuân Ba
Tuần Việt Nam