Chuyện chưa biết về chiếc đồng hồ Bưu điện Hà Nội

(Dân trí) - Đã gần 30 năm nay, chiếc đồng hồ trên nóc toà nhà Bưu điện Hà Nội hoạt động miệt mài không ngừng nghỉ; trở nên quen thuộc với người dân Thủ đô. Nhưng chiếc đồng hồ ấy được lắp đặt từ bao giờ? Vận hành ra sao? Vì sao đã gần 30 năm, chiếc đồng hồ vẫn chính xác từng phút? Không phải ai cũng biết được câu trả lời.

Tiếng chuông chung cho cuộc sống

 

Đi thu thập tư liệu về chiếc đồng hồ khổng lồ này, tôi tìm tới ông Đào Văn Dư ở số 10 Hàng Phèn. Ông Dư là bậc thầy về đồng hồ đất Hà thành bởi bề dày thành tích về nghiên cứu, sửa chữa đồng hồ. Ông là người thợ sửa đồng hồ duy nhất tại VN có trong tay 7 bằng diplome  của các hãng đồng hồ Thụy Sĩ nổi tiếng thế giới như Rado, Omega, Longines...; từng được các hãng đồng hồ lớn mời sang Thụy Sĩ làm việc; chưa từng bị khuất phục trước bất cứ chiếc đồng hồ nào. Và điều quan trọng, ông là người tham gia lắp đặt, kiểm tra kỹ thuật của chiếc đồng hồ Bưu điện thời ấy.

 

Giờ thì người thợ từng 2 lần tu nghiệp tại trung tâm đồng hồ quốc tế WOSTEF (năm 1980 và 1991) đang mở cửa hàng sửa chữa đồng hồ ở số 10 Hàng Phèn. Căn phòng nhỏ lúc nào cũng ngập tràn tiếng chuông nhạc thánh thót phát ra từ hàng trăm chiếc đồng hồ lớn bé.

 

“Năm 1960, khi Nhà nước thành lập liên doanh đồng hồ đầu tiên, tôi trở thành một trong những người thợ trẻ nhất. Trước năm 1975, tôi dạy nghề sửa chữa đồng hồ cho hàng trăm người, thậm chí là người sát hạch tay nghề và quản lý hệ thống thợ sửa đồng hồ tại Trường Kỹ thuật điện tử 55 Hàng Bông, Hà Nội”, ông Dư bắt đầu câu chuyện.

 

Lúc ấy, Hà Nội rất khó khăn, chiếc đồng hồ không phải ai cũng có. Chiếc đồng hồ được lắp đặt trên tầng 5 của toà nhà Bưu điện Bờ Hồ là do Trung Quốc tặng. Thời đó, vị trí này gần như cao nhất Hà Nội. Nhưng đang làm thì chuyên gia Trung Quốc rút về. Lúc ấy, ông Nguyễn Minh Chí bắt đầu nhận nhiệm vụ Giám đốc Bưu điện Hà Nội cũng là người chỉ đạo lắp đặt hoàn thiện chiếc đồng hồ này.

 

Quốc khánh năm 1978 cũng là ngày chiếc đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện Hà Nội bên bờ Hồ Hoàn Kiếm ngân lên tiếng chuông đầu tiên. Hồi ấy xe ít, người thưa, tiếng chuông ngân nga vang khắp nơi, ở rất xa cũng nghe tiếng. Chiếc đồng hồ ra đời, tiếng chuông của nó đã trở thành tiếng chuông chung cho cuộc sống. Mỗi tiếng, chiếc đồng hồ gióng chuông một lần. Đặc biệt, mỗi thời khắc giao thừa, tất cả đều như nín lặng, nghe đồng hồ điểm từng hồi chuông thiêng liêng, đón chào năm mới.

 

Chuyện chưa biết về chiếc đồng hồ Bưu điện Hà Nội - 1
 

Dàn loa phóng thanh giúp tiếng chuông ngân xa.

 

Để “tiếng chuông chung” ấy ngân nga đều nhịp theo đúng chu trình của nó,  Bưu điện Hà Nội khi ấy đã phải thành lập một tổ mang tên Tổ đồng hồ, biên chế tới 12 người. Ông Dư là một trong số ấy.

 

Chiếc đồng hồ được sử dụng đồng bộ cùng một hệ thống đồng hồ công cộng khác đặt tại chợ Hàng Da, chợ Mơ, Bách hoá Tổng hợp, chợ Đồng Xuân, chợ Long Biên, Ngã Tư Sở. Vì dùng chung đường dây với đồng hồ Bưu điện nên hệ thống đồng hồ công cộng trên luôn thay đổi giờ thất thường, lúc nào cũng phải đến chỉnh sửa lại. Thế nên mới có hiện tượng 3 mặt ở chiếc đồng hồ ở chợ Hàng Da hiện... 3 giờ khác nhau. Thế là ngày nào những người như ông Dư cũng phải đạp xe đi tuần từng điểm đồng hồ công cộng, ghi lại những sai sót để chỉnh giờ cho đúng.

 

Những người thuộc Tổ đồng hồ năm xưa, giờ đã thành những ông già. Nhiều người không còn biết tin tức về nhau, thậm chí, có người đã định cư ở nước ngoài, nhưng trong họ, chiếc đồng hồ vẫn luôn là một ký ức sống động.

 

Chiếc đồng hồ vẫn hoạt động bền bỉ. Vì sao nó có thể hoạt động miệt mài ngần ấy năm tháng? Để vén bức màn bí mật này, tôi tìm đến Bưu điện Hà Nội.

 

Bí ẩn bên trong chiếc đồng hồ

 

Đối với những người thợ, đặc biệt là những người công tác trong Tổ đồng hồ năm xưa, thì chiếc đồng hồ chẳng có bí mật gì. Nhưng đối với nhiều người khác thì việc khám phá bên trong chiếc đồng hồ, không phải ai cũng có cơ hội.

 

Thật ra, chiếc đồng hồ là cả một hệ thống gồm 3 đồng hồ hoạt động tách biệt, cả ba được điều khiển từ một “đồng hồ mẹ” nằm ở tầng 1. Bốn mặt của đồng hồ là 4 dàn loa phóng thanh, tổng cộng có 16 chiếc. Tổ quản lý điện thuộc Văn phòng Bưu điện Hà Nội, ngoài nhiệm vụ cung ứng điện cho toàn bộ hệ thống tại 75 Đinh Tiên Hoàng, còn có nhiệm vụ duy trì sự sống của chiếc đồng hồ đã có tuổi thọ gần 30 năm kia.

 

Chuyện chưa biết về chiếc đồng hồ Bưu điện Hà Nội - 2
 

Hệ thống máy móc bên trong đồng hồ vẫn nguyên vẹn

kể từ khi mới lắp đặt.

 

Căn phòng chứa “đồng hồ mẹ” rộng khoảng 30m2, bên trong đặt một tủ tăng âm, có chức năng khuếch đại âm thanh nhận từ bộ phận phát chuông, sau đó phát lên loa phóng thanh. Bên cạnh tủ tăng âm là tủ công chế, có chức năng điều chỉnh giờ, điều chỉnh chuông nhạc. Ngoài ra, chiếc “đồng hồ mẹ” điều khiển hoạt động của tháp đồng hồ được chuyển qua một tủ cảm biến truyền - nhận tín hiệu. Ở đây người ta cũng đặt một chiếc radio để có thể lấy lại giờ chuẩn theo giờ nhà đài.

 

Kể từ ngày lắp đặt hệ thống đồng hồ này, nhiệt độ trong căn phòng luôn phải duy trì ở mức dưới 27 độ C, bởi vì nếu nhiệt độ cao thì dễ gây cháy. Và nếu để xảy cháy thì hậu quả là khôn lường. Vì những lẽ đó nên cán bộ của Tổ điện luôn để mắt chú ý rất kỹ các hoạt động trong căn phòng.

 

Ông Phạm Ngọc Hoằng, cán bộ thuộc tổ quản lý điện cho biết: Chiếc đồng hồ vẫn duy trì hoạt động đúng như lúc lắp đặt. Trong quá trình sử dụng, duy chỉ có thay thế đáng kể nhất: anh em trong tổ điện đã thay mô tơ từ dòng điện 3 chiều thành dòng điện 1 chiều, để đảm bảo động cơ ổn định hơn.

 

Ông Hoằng nói: “Cái khó của những người duy trì hệ thống này là toàn bộ thiết bị đã cũ, không có đồ thay mới. Nhiều khi, anh em phải mày mò thay thế bằng linh kiện tự gia công chế tác, vì có những thứ không thể mua đâu được. Nhưng phải nói là chiếc đồng hồ này rất bền”.

 

Mỗi ngày, không kể mưa nắng, công nhân trong tổ trèo lên tháp đồng hồ kiểm tra hai lần. Tháp đồng hồ đặt trên diện tích khoảng 15m2. Lúc mát trời còn đỡ, khi nắng nóng thì trong tháp không khác nào cái lò nung. Ở đây, hai chiếc quạt trần quay hết công suất suốt đêm ngày. Ông Hoằng cho biết, đa phần những thiết bị trong lòng tháp vẫn nguyên vẹn kể từ khi lắp tới giờ.

 

Đã gần 30 năm trôi qua kể từ ngày lắp đặt, tiếng chuông đồng hồ Bưu điện vẫn vang lên mỗi ngày. Dẫu rằng tiếng chuông của nó nay đã bị tiếng dòng đời hối hả át đi, không còn vang như xưa, nhưng trong tâm trí của những người Hà Nội thời đó, hình ảnh chiếc đồng hồ trên nóc toà nhà Bưu điện Hà Nội mãi không phai mờ.

 

Bảo Trung