Thanh Hóa:

Chuyện bí ẩn về núi thiêng và đạo sắc phong của người Mường

(Dân trí) – Dưới chân núi Cao Sơn heo hút của xã Thành Công huyện Thạch Thành, Thanh Hóa, đồng bào Mường vẫn truyền tai nhau những câu chuyện huyền bí xung quanh hòn đá mài linh thiêng và những đạo sắc phong bí ẩn mà hàng trăm năm chưa được giải mã.

 Những câu chuyện huyền bí chỉ có ở xứ Mường

Theo chân các cụ cao niên trong làng Thành Công, chúng tôi được nghe kể về những câu chuyện huyền bí mà bao đời nay người dân xứ Mường này truyền tai nhau. Từ những câu chuyện rùng rợn về thần hổ và đám ma trành về gọi hồn lúc nửa khuya đến truyền thuyết mang nhiều chất liêu trai dưới chân núi Cao Sơn, người dân xứ Mường nơi đây đều tin vào sự linh thiêng của ngọn núi – một niềm tin mãnh liệt đến sùng bái. Họ kính cẩn khi nhắc đến những gì liên quan đến thần Cao Sơn là bởi những sự linh ứng, trừng phạt cứ lặp đi lặp lại đối với những kẻ cố tình mạo phạm đến uy danh Cao Sơn.

Theo cha ông kể lại, ngày xưa ở làng này có một sơn nữ áo trắng sống một mình trong hang núi. Đến lúc loạn lạc, xuất hiện một tướng quân tên Cao Sơn đem quân đến đây dẹp giặc nên hai người đã gặp, nảy sinh tình cảm và kết duyên vợ chồng.

Đường dẫn vào chân núi 
Đường dẫn vào chân núi 

Họ sống với nhau chưa được bao lâu thì quân giặc tấn công bất ngờ. Cao Sơn và đoàn quân đã hi sinh để bảo vệ dân làng, “Nàng Áo Trắng” sống sót bởi có sắc đẹp như tiên nữ. Tướng giặc tìm mọi cách để chinh phục trái tim nàng, nhưng tất cả đều vô ích, “Nàng Áo Trắng” dành trọn tình yêu cho người chồng đã mất. Về sau, vì quá đau buồn, người phụ nữ này trốn vào rừng tự vẫn hóa thành núi Đá Bạch.

Có lẽ vì truyền thuyết ấy mà người dân đã lập miếu ngay dưới chân núi Đá Bạch để thờ cúng nàng và thần Cao Sơn. Và cũng không biết tự đời nào, người dân trong khắp vùng Thành Công đều kiêng nói từ “trắng” hay mang theo những vật có màu trắng mỗi khi có dịp phải qua núi. Nếu có ai đó cố tình mặc áo trắng, nói từ trắng khi đi vào núi thiêng, đặc biệt là qua đến thờ thần Cao Sơn và nàng Ả Bạch khi trở về nhà đều bị ốm thập tử nhất sinh.

Bên dòng suối chảy dưới chân ngọn Cao Sơn vẫn còn một hòn đá mài linh thiêng. Theo một cao niên trong làng thì hòn đá ở gốc cây si chính là hòn đá mài năm xưa tướng Cao Sơn và quân lính dùng để mài gươm đánh giặc. Bên trên hòn đá mài có nguồn nước trong mát chảy ra chưa bao giờ cạn. Cũng đã không ít người định mang hòn đá đó về nhà. Nhưng thật lạ là trông hòn đá chỉ to bằng mặt chiếc ghế đẩu, nặng chừng 40kg, sức một người có thể mang về nhưng chỉ đi được khoảng 30m thì hòn đá bỗng nhiên có sức nặng kinh người, cả chục người xúm vào lay cũng không chuyển. Tuy nhiên nếu mang hòn đá đó trả lại vị trí cũ thì hòn đá sẽ trở nên nhẹ bẫng.
 
Để minh chứng cho những điều trên là sự thật, cụ Quách Văn Tòng, nguyên là chủ tịch xã đã kể lại một trường hợp khá điển hình. Đó là cách đây mấy năm, trong bản có người thanh niên tên là Quách Văn Canh, tính khí ngang tàng, sức quật ngã trâu. Một hôm Canh lên núi chơi cố tình bận chiếc áo trắng, khi đi qua hòn đá mài Canh bất chấp mọi lời cảnh báo của mọi người, lội thẳng xuống suối một tay cắp hòn đá đi về.

Hòn đá thiêng đã tồn tại ở chân núi này hàng trăm năm
Hòn đá thiêng đã tồn tại ở chân núi này hàng trăm năm

Đi được một đoạn, hòn đá trên tay bỗng nặng trĩu như có một bàn tay vô hình nào đó trong lòng đất vừa thò lên kéo ghì xuống. Canh không tin nên gọi thêm sáu thanh niên nữa lại giúp nhưng hòn đá vẫn không chuyển. Một người già đi qua khuyên canh nên đem trả hòn đá về chỗ cũ thì sẽ nâng được. Canh làm theo và lập tức, hòn đá lại nhẹ như thường. Về nhà, Canh lăn ra ốm thập tử nhất sinh, người nhà phải làm mâm xôi, con gà lên tận đền thờ thần cúng xin, Canh mới thoát khỏi kiếp nạn.

Theo chân ông, chúng tôi rẽ lau lách tìm đến hòn đá thiêng tọa lạc. Đúng như ông kể, dưới bóng cây cổ thụ là một mó nước trong vắt chảy ra từ lòng núi, hòn đá thiêng nằm nhô lên trên lòng suối cạn.

Và bí ẩn của những đạo sắc phong

Rời hòn đá thiêng, ông Tòng đưa tôi về làng Đồng Hội – nơi còn lưu giữ nhiều đạo sắc phong bí ẩn chưa được giải mã. Ông bảo mong một ngày nào đó, những đạo sắc phong ở đây sẽ được nghiên cứu tìm hiểu. Vì ở đây còn ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Mường”.

Trong nếp nhà gỗ nằm trên lừng chừng đồi, hẳn ngôi nhà này đã có từ trăm năm trước. Ông Quách Ngọc Thạch, anh trai cả của ông Tòng tỏ ra ngại ngần khi ông Tòng ngỏ ý muốn ông đem những đạo sức phong ra cho chúng tôi xem.

Hòm đựng sắc phong được treo cẩn thận trên trần nhà
Hòm đựng sắc phong được treo cẩn thận trên trần nhà

Trong nhà, chiếc tủ đựng 3 đạo sắc phong được cẩn thận treo lơ lửng trên kèo nhà phía đằng Đông. Tủ được làm bằng gỗ gụ, chạm trổ rồng phượng khá tinh xảo và đóng khóa cẩn thận. Thường mỗi năm một lần, vào dịp hội làng, ông mới xin thần đưa xuống cho người dân chiêm bái và rước.

Sau nhiều lần thuyết phục, cuối cùng ông cũng đồng ý làm lễ xin thần. Ông Thạch thay bộ quần áo chỉnh tề, bày lễ, lên hương. Sau một hồi lầm rầm khấn, ông quay sang nghiêm giọng nói: “Vậy là các thần đã đồng ý cho xem rồi đấy”. Anh con trai thứ của ông Thạch cẩn thận leo lên mở chốt, kính cẩn nâng chiếc hộp hình chữ nhật được sơn son thiếp vàng đưa xuống. Chiếc chiếu lớn được trải ra giữa nhà. Ông Thạch cẩn thận mở hộp lấy ra những đạo sắc phong trải lên chiếu. 3 đạo sắc phong được làm từ giấy dó loại thượng hạng, chữ viết trên giấy còn khá nguyên vẹn, sắc nét, mỗi đạo sắc đều có dấu ấn hình rồng, đỏ thẫm. 

Trải những đạo sắc phong xuống, ông Thạch bảo, theo nhiều cụ đi trước cho biết thì đây là những đạo sắc phong do vua Gia Long sắc phong cho thần Cao Sơn là “Cao Sơn thượng đẳng thần” còn thực hư thế nào thì không ai rõ vì trong vùng không còn ai thông thạo chữ Hán để đọc và dịch.

Rời nhà ông Thạch, ông Tòng lại đưa chúng tôi đến nhà ông Trương Huy Vong (cùng thôn), người đang giữ 5 đạo sắc phong khác. Nhưng ngay khi nghe tâm nguyện muốn được xem các đạo sắc phong này, ông đã một mực từ chối vì nhiều lần lấy ra cho khách xem và lần nào cũng bị ốm nặng.

Những đạo sắc phong bí ẩn của người Mường
Những đạo sắc phong bí ẩn của người Mường

Tuy không được tận mắt xem những đạo sắc phong này nhưng qua lời kể của ông Vong thì 5 đạo sắc phong này cũng vẫn còn là bí ẩn chưa lời giải. Nói về điều này, ông Tòng không giấu được nỗi trăn trở: “Hàng trăm năm qua, những câu chuyện huyền bí cứ truyền tai từ đời này sang đời khác, và những đạo sắc phong cũng chỉ lấy ra những dịp lễ hội làng cho dân làng xem chứ không ai hiểu và giải mã được. Rồi không biết những điều bí ẩn của người Mường chúng tôi bao giờ mới có lời giải. Sự linh thiêng truyền miệng có thể có, có thể là không nhưng có thể khẳng định đó một giá trị văn hóa trong kho tàng văn hóa vô cùng phong phú của đất nước ta”.

Nguyễn Thùy