1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chuyển BCĐ Phòng chống tham nhũng mới chỉ là… thay đổi màu áo

(Dân trí) - “Dù giao cho Chủ tịch nước hay Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo PCTN thì những thành viên trong Ban đều là những người kiêm nhiệm ở các Bộ, ngành, địa phương. Như vậy, tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi vẫn diễn ra, chẳng qua chỉ thay đổi màu áo?”.

Đây là một trong những câu hỏi cử tri tỉnh An Giang gửi tới Quốc hội trong kỳ họp thứ 5 (tháng 6/2013) được chuyển đến UB Tư pháp trả lời.

Ban chỉ đạo PCTN thuộc địa phương - vẫn là vừa đá bóng vừa thổi còi!?

Cử tri các tỉnh Bình Định, Sóc Trăng, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Phước phản án, trong thời gian qua, công tác đấu tranh chống tham nhũng đã các cơ quan chỉ đạo tích cực, nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả. Cử tri đề nghị Quốc hội tăng cường hơn nữa công tác giám sát xử lý của các cơ quan chức năng đối với các vụ án tham nhũng đã được phát hiện và thông tin tới nhân dân.

Trả lời băn khoăn này, UB Tư pháp xác nhận, những năm qua, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tăng cường và có nhiều cố gắng trong công tác giám sát PCTN nhưng kết quả đạt được mới là bước đầu, chưa phúc đáp đầy đủ nguyện vọng của nhân dân. Tiếp thu kiến nghị của cử tri, UB Tư pháp hứa, trong thời gian tới tăng cường giám sát công tác phòng ngừa tham nhũng và việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, góp phần nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền trong công tác này; bảo đảm xử lý nghiêm minh người có hành vi tham nhũng; đồng thời giám sát việc công khai kết quả giải quyết các vụ án tham nhũng lớn theo quy định của pháp luật.
Chuyển BCĐ Phòng chống tham nhũng mới chỉ là… thay đổi màu áo
Một phiên họp của Ban Chỉ đạo PCTN TƯ do Trưởng Ban - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì (ảnh: cpv.org.vn)

Cử tri tỉnh Sóc Trăng cho rằng, Quốc hội nên giám sát chặt hơn nữa việc thi hành Luật PCTN, chỉ đạo, yêu cầu từng ngành, từng cấp tổ chức kiểm điểm, đánh giá thực trạng công tác PCTN, đề ra các giải pháp thực tế để phát huy điểm mạnh và khắc phục những hạn chế, bất cập.

UB Tư pháp khẳng định sẽ tăng cường hơn nữa giám sát công tác PCTN, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong công tác PCTN, đồng thời tăng cường cơ chế quy trách nhiệm cụ thể đối với người có thẩm quyền, người đứng đầu để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng PCTN.

Cử tri tỉnh An Giang đề nghị có một cơ quan độc lập riêng, không trực thuộc địa phương thì mới làm tốt nhiệm vụ PCTN. Nếu không, theo cử tri, dù giao cho Chủ tịch nước hay Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo PCTN thì những thành viên trong Ban đều là những người kiêm nhiệm ở các Bộ, ngành (ở địa phương cũng tương tự).

“Như vậy, tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi vẫn diễn ra, “chẳng qua thay đổi màu áo” – cử tri kiến nghị Quốc hội giao cho một bộ phận chức năng có nghiệp vụ chuyên môn điều tra xử lý như công an.

UB Tư pháp nhận định, việc thành lập một cơ quan độc lập trong PCTN là vấn đề đổi mới quan trọng có liên quan tới quy định của Hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Vấn đề này cần được tổng kết, đánh giá thực tiễn một cách toàn diện, nghiên cứu đồng bộ với việc sửa đổi Hiến pháp và các luật. Dù vậy, UB tiếp thu ý kiến này và kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu phương án cụ thể khi sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật PCTN trong thời gian tới.

Lãnh đạo nhà nước đương nhiên phải kê khai tài sản

Đi vào vấn đề cụ thể là việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, cử tri tỉnh Cà Mau bày tỏ bức xúc với thực tế, một số cán bộ, công chức sau khi về hưu hoặc chuyển ngành mới cất đất, xây nhà trị giá hàng tỷ đồng. Cử tri kiến nghị bổ sung quy định vào luật PCTN về việc cán bộ, công chức về hưu cũng phải kê khai tài sản để làm rõ, truy nguyên xuất xứ số tiền, tài sản đó.

UB Tư pháp khẳng định, Luật PCTN mới sửa đổi gần đây không loại trừ việc xử lý đối với những người về hưu mà trong thời gian đương chức vi phạm pháp luật tham nhũng. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến này, UB Tư pháp cũng kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đánh giá để sửa đổi toàn diện luật PCTN trong thời gian tới. Hướng sửa đổi đặc biệt chú ý các vấn đề về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn ngay cả trong trường hợp họ đã nghỉ hưu…

Cử tri tỉnh Vĩnh Phúc cũng thắc mắc, theo luật hiện tại, việc kê khai tài sản của người có trách nhiệm kê khai không trung thực, làm sai lệch hồ sơ quản lý nhưng cũng chưa bị xử lý?

Trả lời câu hỏi này, UB Tư pháp dẫn Nghị định số 78 về minh bạch tài sản thu nhập mới được Chính phủ ban hành ngày giữa tháng 7 vừa qua đã xác định rõ việc xử lý trách nhiệm của người kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không trung thực.

Cử tri tỉnh Lâm Đồng đề nghị quy định rõ trong luật việc công khai tài sản của cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước trước dân. Hơn thế, yêu cầu cử tri đặt ra là cần đấu tranh quyết liệt, mạnh tay hơn với tệ nạn tham nhũng để tạo lòng tin ở người dân.

Đáp lại ý kiến này, UB Tư pháp khẳng định, các cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cũng nằm trong diện cán bộ buộc phải kê khai thu nhập tài sản theo luật định. Nghị định 78 cũng đã quy định cụ thể về đối tượng, trình tự, thủ tục, phạm vi công khai bản kê khai tài sản, thu nhập.

Dù vậy, ghi nhận yêu cầu xác đáng của cử tri, UB Tư pháp tiếp tục giám sát, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền tích cực, chủ động, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các hành vi tham nhũng.

Về yêu cầu đấu tranh quyết liệt hơn, cơ quan trả lời nêu rõ định hướng đấu tranh tới đây là hạn chế tối đa việc miễn trách nhiệm hình sự, đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, áp dụng khung hình phạt sai quy định pháp luật. Bên cạnh đó, UB Tư pháp hứa sẽ tăng cường giám sát công tác phát hiện và xử lý người có hành vi tham nhũng; rà soát các trường hợp xử lý kỷ luật đối với những người có hành vi liên quan đến tham nhũng, tránh bỏ lọt tội phạm; bảo đảm việc xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

P.Thảo