Chuột Hamster sẽ tự biến mất theo thời vụ?
(Dân trí) - Hamster không phải là thú chơi của đại chúng và không thể phát triển rầm rộ trong thời gian qua nếu như năm nay không phải năm Tý. Nó chỉ là một trò chơi hoàn toàn mang tính thời vụ và việc kiểm soát chúng là điều không có gì khó khăn.
Đó là khẳng định của nhiều nhà chuyên môn trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y. Cũng theo ý kiến của họ thì Hamster không phải là một con vật có thể gây ra sự nguy hiểm, tuy nhiên, về mặt nguyên tắc, bất cứ loài vật hay cây trồng gì khi nhập từ nước ngoài về đều phải qua kiểm dịch gắt gao mà điều này đối với loài chuột Hamster thì từ trước đến nay chưa được thực hiện.
Hamster - đáng thương hơn đáng giận
Trao đổi với Dân trí chiều 6/3, GS Nguyễn Đăng Vang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ Quốc hội cho biết việc rốt ráo ngăn ngừa khả năng bùng phát “dịch” Hamster mà Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) đang thực thi là điều rất cần thiết vì rút kinh nghiệm từ dịch bệnh lợn tai xanh, Việt Nam cần lường trước được những nguy cơ tiềm ẩn về dịch bệnh.
Nhất là đối với những con vật nhập khẩu vì có thể ở môi trường sống ở nước ngoài, chúng không nguy hiểm nhưng khi thay đổi môi trường sống thì chúng sẽ lại thay đổi.
Bản thân Hamster không có lỗi, mà lỗi chỉ là những người đã nhập cảnh chúng bất hợp pháp.
Nguyên là Viện trưởng Viện Chăn nuôi, GS Vang nắm rất rõ về “sinh mệnh” của chuột Hamster. Ông cho hay về khả năng gây hại như một loài gặm nhấm đã từng nhập vào Việt Nam cách đây mấy năm trước là chuột hải ly, đối với chuột Hamster là khó hơn nhiều. Vì, Hamster sạch sẽ, nhỏ bé và yếu ớt hơn nhiều so với chuột hải ly.
Năm 1893, chuột Hamster bắt đầu được nuôi ở Siry và đến thế kỷ XIX thì được nuôi phổ biến ở châu Âu, với tuổi thọ trung bình là 2-3 năm. Loài chuột này đẻ rất nhiều. Trong suốt quãng đời của mình, mỗi con Hamster cái đẻ trên 10 lứa, mỗi lứa từ 5 đến 10 con. Đến thời điểm này, chưa có nghiên cứu khoa học hoặc tài liệu nào chứng tỏ chuột Hamster phá hoại, gây thiệt hại mùa màng, sản xuất. Các nước trên thế giới cũng cho nuôi công khai.
Việc nuôi Hamster đang bị xem là bất hợp pháp vì chúng vào Việt Nam chủ yếu là qua nhập lậu. Chưa có bất kỳ đơn vị, công ty nào đứng ra xin nhập chuột Hamster về nuôi. Cách đây 2 năm, duy nhất Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ xin nhập chuột bạch (một loại Hamster) về thí nghiệm.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng, việc nhập lậu chuột sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức 30 triệu đồng. Đối với việc xử lý chuột đã nuôi, do đây là động vật chưa có trong Danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nên sẽ buộc phải tiêu huỷ. |
Loại nhỏ con màu trắng muốt thì thường được dùng nghiên cứu trong ngành Y và lông của chúng dùng để chế làm thuốc thử các loại vắc xin.
Chuột Hamster chưa từng gây phá hoại nghiêm trọng như các loại chuột đồng hay chuột cống. GS Vang cũng cho biết chuột Hamster rộ lên trong thời gian gần đây là do sự nhậy bén của những người kinh doanh biết đánh vào thị hiếu của người chơi nhân năm Tý chứ thực ra chuột Hamster đã xuất hiện ở Việt Nam đã khoảng một năm nay.
Trả lời cho sự băn khoăn của chúng tôi rằng liệu khi thú chơi chuột Hamster trở thành lỗi mốt, người chơi chuột chán sẽ để chuột thả rông thì sẽ là một mối nguy hại lớn cho mùa màng và đời sống con người? GS Vang giải thích, Hamster chỉ là một giống vật yếu ớt, nếu phải sống kham khổ trong điều kiện tự nhiên thì không thể tồn tại được.
Về khả năng có thể gây ra dịch bệnh ở chuột Hamster, TS Trần Thanh Dương - Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm vắc-xin và môi trường (Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) khẳng định: "Hiện nay chưa có nghiên cứu nào xác nhận chuột cảnh Hamster có thể truyền bệnh dịch hạch sang cho con người. Nếu nuôi chuột cảnh có kiểm soát thì không gây nguy hiểm".
Số phận mong manh của Hamster!
Còn trao đổi với Dân trí về “số phận” của chuột Hamster trong thời gian tới, ông Bùi Quang Anh - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết Cục đã vừa có công văn yêu cầu các cơ quan thú y vùng, chi cục thú y các tỉnh thành nhanh chóng lập đoàn kiểm tra, xử lý việc buôn bán, vận chuyển và nuôi chuột Hamster trong phạm vi địa bàn quản lý.
Ông Anh cũng cho biết, chuột Hamster là loài động vật được nuôi với mục đích làm thí nghiệm hoặc nuôi làm cảnh ở một số nước. Việc nuôi Hamster hoàn toàn là hợp pháp nếu như chúng được kiểm soát chặt chẽ theo đúng qui định: Đăng ký nhập khẩu với Cục Chăn nuôi và có ý kiến chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Bộ Y tế và phải thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch nhập khẩu theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Tuy nhiên, những con chuột Hamster trên thị trường Việt Nam hiện nay chủ yếu chỉ là “hàng” trôi nổi. Các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển chuột Hamster từ nước ngoài vào VN để nuôi làm cảnh đều chưa có ý kiến của các cơ quan chức năng và chưa qua kiểm dịch thú y, hàng chủ yếu được nhập lậu về bằng các đường tiểu ngạch.
Chính vì thế, tuy rất “thương” cho Hamster nhưng ông Anh cũng cho hay, Cục đã phải có văn bản chỉ đạo cho Chi cục thú y các địa phương trên cả nước kiểm tra xử lý việc buôn bán, nuôi chuột Hamster. Vì Hamster, dù yếu ớt, dù vô tội nhưng cũng là loài chuột và đã là loài chuột thì phải gặm nhấm, thích ăn các hạt ngũ cốc và sinh sản rất nhanh, lây truyền một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho con người như dịch hạch, xoắn khuẩn...
Do vậy nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh cho người, không để chuột thoát ra bên ngoài gây hại mùa màng và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, Cục Thú y yêu cầu: các cơ quan thú y vùng, chi cục kiểm dịch động vật vùng thuộc Cục Thú y thành lập các đoàn kiểm tra việc buôn bán, vận chuyển chuột Hamster; Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển chuột Hamster bất hợp pháp qua biên giới và tổ chức kiểm tra các cơ sở buôn bán, nuôi chuột Hamster trong địa bàn tỉnh, thành phố. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển, nuôi chuột Hamster bất hợp pháp thì phải xử lý
Chuột Hamster chưa có trong Danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, theo quy định, buộc phải tiêu huỷ. Bộ NN-NTPT sẽ yêu cầu các địa phương rà soát việc nuôi chuột Hamster và có biện pháp xử lý.
Cũng theo nhận xét của ông Anh thì sau gần một tuần Chi cục thú y các địa phương “ra quân” báo cáo về thì tình hình nuôi và chuột Hamster mới chỉ khá lẻ tẻ và xuất hiện chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM. “Nói chung, việc “dẹp” Hamster không có gì là khó và ngoài tầm kiểm soát. Mặt khác, dù không có sự can thiệp của các cơ quan chức năng thì thú chơi chuột Hamster vốn mang tính thời vụ nên sẽ tự hết xẹp thôi” - ông Anh khẳng định.