Chuột Hamster không kiểm dịch sẽ bị... tiêu huỷ
(Dân trí) – Câu chuyện chuột Hamster đang trở nên nóng bỏng bởi với giới trẻ, nuôi con vật nhỏ bé này đang là “mốt”. Nhưng từ giờ bất cứ cá nhân, tổ chức nào nuôi, vận chuyển chuột Hamster bất hợp pháp thì sẽ bị xử lý, tiêu hủy toàn bộ.
Chuột Hamster là loài động vật được nuôi với mục đích làm thí nghiệm hoặc nuôi làm cảnh ở một số nước. Tuy loài chuột dễ thương này rất được giới trẻ yêu thích, nhưng với các cơ quan chức năng, chúng lại bị coi là mầm hoạ gây bệnh. Đây là loài chuột phần lớn là nhập lậu về Việt Nam, chưa qua kiểm dịch..
Theo ông Hoàng Văn Năm, Phó Cục trưởng Cục Thú y, chuột là một loài động vật gặm nhấm, thích ăn các hạt ngũ cốc và sinh sản rất nhanh, đồng thời chuột cũng là loài vật gây lây truyền một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho con người như bệnh dịch hạch, xoắn khuẩn,...
Việc một số tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển chuột Hamster từ nước ngoài vào Việt Nam mà chưa có ý kiến của các cơ quan chức năng và chưa qua kiểm dịch thú y, bị coi là bất hợp pháp.
Theo ông Năm, các cấp có thẩm quyền của địa phương sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển chuột Hamster bất hợp pháp qua biên giới (đối với các tỉnh biên giới) và tổ chức kiểm tra các cơ sở buôn bán, nuôi chuột Hamster trong địa bàn tỉnh, thành phố.
Theo một cán bộ Cục Thú y, nếu phát hiện bất cứ cá nhân, tổ chức nào nuôi, vận chuyển chuột Hamster bất hợp pháp thì sẽ xử lý, tiêu hủy toàn bộ.
Là một người gắn bó với chuột gần 25 năm, chị Vũ Thị Vương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất động vật thì nghiệm Chuẩn thức (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, nuôi chuột cảnh sẽ rất thú vị và an toàn nếu đây là những con chuột khoẻ mạnh, được tiêm phòng, chăm sóc tốt trước khi xuất xưởng.
“Chúng ta đều biết, chuột là thủ phạm gây ra gần 40 bệnh ký sinh trùng và vi sinh vật khác nhau, đem đến những dịch bệnh chết người. Vì thế, việc chuột được tiêm phòng, nuôi nấng vệ sinh rất quan trọng. Khi nuôi tại gia đình, cần thường xuyên làm vệ sinh chuồng nuôi cho chuột. Cần nhớ, khi làm vệ sinh hay tiếp xúc trực tiếp với chuột như cho chuột ăn, chải lông cho chuột… cần phải đeo găng tay và khẩu trang” - chị Vương nói.
Ở Trung tâm của chị Vương, quy trình nuôi rất công phu. Không chỉ phải đảm bảo một môi trường sạch sẽ cho chuột, mà thức ăn, nước uống cũng phải đảm bảo vệ sinh. Những con chuột này đều được “khám sức khoẻ” định kỳ, tiêm phòng đầy đủ. Khi phát hiện con chuột nào có biểu hiện ốm, mệt mỏi thì phải loại bỏ tránh lây nhiễm sang các con khác.
Như vậy, với bất cứ loại chuột nuôi nào, từ chuột bạch, chuột nhắt trắng, chuột Hamster đều phải đảm bảo được kiểm dịch, không bị bệnh tật.
Để bảo vệ sức khoẻ cho mình, các bạn trẻ nên chọn chuột nuôi ở những trung tâm uy tín và đảm bảo các bước chăm sóc, vệ sinh sạch sẽ cho chuột.
Hồng Hải - Trần Hưng