1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Khủng hoảng” thị trường chuột Hamster

(Dân trí) - Kể từ ngày Cục Thú y ra quyết định sẽ xử lý, tiêu hủy toàn bộ chuột Hamster được buôn bán bất hợp pháp và chưa qua kiểm dịch, thị trường chuột Hamster rơi vào “cơn khủng hoảng”. Giới trẻ cũng lao đao khi những chú chuột cưng đứng trước nguy cơ bị “trảm”.

Thị trường chuột cảnh “đóng băng”?

 

Gọi theo một số máy được quảng cáo trên mạng là địa chỉ bán chuột cảnh Hamster ở quận Bình Thạnh, TPHCM, chúng tôi nhận được lời từ chối với lý do “Cục Thú y làm riết quá”.

 

Người bán chuột tên Toàn khá buồn rầu khi kể về vì tình trạng kiểm dịch chuột cảnh gắt gao tại địa phương mình. Anh này cho biết, mấy ngày nay, anh không dám lưu một con chuột nào trong cửa hàng vì không có dấu kiểm dịch, nếu bị phát hiện sẽ bị tiêu hủy hết.

 

Hai chủ cửa hàng bán chuột khác tại quận 2 và quận Tân Bình cũng từ chối thẳng thừng việc bán chuột với lý do không thể nhập hàng và cũng không dám bán cho khách lạ.

 

Giá của mỗi con chuột cảnh Hamster không hề rẻ, vì thế, sau quyết định của Cục Thú y ngày 26/2 vừa qua, nhiều người buôn chuột đã rơi vào tình trạng giữ lại không được mà bán đi cũng không xong.

 

Chị H., một người bán chuột cảnh ở Hà Nội, than thở: “Bán công khai như trước thì không dám nữa. Giờ ai gọi đến hỏi mua chuột cũng giật mình. Hồi trước Tết, mỗi con chuột còn bán được vài trăm nghìn, giờ chỉ vài chục nghìn cũng khó!”.

 

Ngày 27/2, ông Văn Đăng Kỳ, Trưởng phòng dịch tễ Cục Thú y, khẳng định: Nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển, nuôi chuột Hamster bất hợp pháp sẽ xử lý - tiêu hủy toàn bộ.

 

Tính đến thời điểm này, sau gần một tuần “lệnh” của Cục được ban hành, thị trường Hamster gần như đã bị “đóng băng”. Tại một số cửa hàng bán chuột ở Hà Nội trên đường Thái Thịnh, Ngọc Hà, Đào Tấn,… người mua chỉ cần có thái độ hơi dò xét khác lạ là lập tức bị từ chối ngay!

 

Diễn đàn Hamstervn.net, nơi diễn ra các cuộc giao lưu và mua bán chuột trên mạng sôi động nhất, một tuần nay đã nằm trong tình trạng báo động đỏ, khi phải ra thông báo: Đóng mục mua bán cho đến khi Hamster có giấy phép rõ ràng; Các shop mua bán Hamster cần chuyển sang bán vật dụng; Tạm ngừng việc mua bán Hamster;…

 

Tuy nhiên, buổi giao lưu Hamster và những người bạn tại Công viên Tao Đàn, TPHCM dự kiến sẽ diễn ra lúc 15h30 ngày 9/3 vẫn được khẳng định là không có gì thay đổi. Các bạn trẻ ra thông điệp: “Chúng ta sẽ không mang theo Hamster nha các bạn! Tuy không có Hamster theo nhưng chúng ta sẽ họp trên tinh thần và trách nhiệm vì cộng đồng Hamster, các bé sẽ mãi được an toàn!”.

 

“Giới trẻ ngày nay thật kỳ lạ!”

 

Là một giảng viên ĐH vừa nghỉ hưu, suốt từ Tết đến giờ, ông Tâm rất bực mình vì cô con gái đang học ĐH năm thứ hai suốt ngày tất bật vì... con chuột. “Tha nó về nhà với giá 350 nghìn đồng, rồi gần 500 nghìn tiền chuồng, lại mua cả siro, bánh quy về cho chuột ăn! Bỏ ra đến gần 100 nghìn tiền rơm về cho chuột có cái... mài răng! Giá mà nó cũng chăm bố nó được như thế!”, ông Tâm bức xúc.

 

“Khủng hoảng” thị trường chuột Hamster - 1
 

Với nhiều bậc phụ huynh, thú chơi chuột Hamster của giới trẻ quả là kỳ lạ. (Ảnh: hamstervn.net) 

 

Quả thật, giới trẻ hiện nay đang coi chuột cảnh Hamster là một thú chơi “quý tộc” và thời thượng. Nghe thằng con trai mới 13 tuổi kể vanh vách nào là Robo mặt trắng, Cambell lông trắng tinh, Panda, Bear lông trắng tinh, mắt rubi..., chị Liên tá hỏa vì con nào rẻ nhất cũng không dưới 150 nghìn đồng. “Không hiểu thằng con tôi bị bạn bè lôi kéo thế nào mà lại đi ham hố cái con chuột bé tí tẹo, ăn như mỏ khoét, không khác gì chuột đồng…”, chị Liên than thở.

 

Khi biết thông tin chuột cảnh cũng có thể lây truyền dịch, chị Liên như trút được gánh nặng vì mặc kệ thằng con phụng phịu, chị đã có cớ để tống khứ “cái của nợ ấy” ra khỏi nhà.

 

Ông Thông hiện đang là giám đốc một doanh nghiệp ở Hà Nội cũng tỏ ra không thể hiểu nổi niềm đam mê này của giới trẻ. “Không hiểu cái giống chuột ấy cảnh nỗi gì mà nó ăn khiếp lắm! Có khi còn ăn nhiều hơn cả... chuột cống! Gớm, quý tộc gì cái con làm cảnh ấy!”.

 

Ông Thông cho hay, tuy không yêu quý gì con chuột nhưng ông cũng không dám động vào vì sợ thằng con “ăn vạ”, bởi đó là con chuột con ông được bạn gái tặng nhân dịp sinh nhật. “Bọn trẻ ngày nay đến là lạ!”, ông Thông cười thông cảm.

 

Cũng theo nhận định của ông Thông thì với thú vui kỳ lạ và “ngoan cố” của giới trẻ, quy định của Cục Thú y chưa chắc đã khiến trào lưu Hamster của giới trẻ “phá sản”.

 

Chuột Hamster (phần lớn nguồn gốc ở Hà Lan và châu Phi) có tuổi thọ 2-2,5 năm, đẻ 3 tháng một lứa, mỗi lứa 4-5 con, tốc độ sinh sản này thuộc diện nhanh và nhiều. Nếu lọt ra môi trường, chúng có thể phá hoại môi trường, cây cối, rau màu…

 

Cục Thú y khẳng định, chuột Hamster là loại động vật gặm nhấm, thích ăn hạt ngũ cốc và sinh sản rất nhanh. Chúng cũng lây truyền một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người như dịch hạch, xoắn khuẩn. Một số nước châu Âu và châu Á nuôi chuột Hamster để làm thí nghiệm hoặc làm cảnh.

 

Theo quy định của pháp luật, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhập chuột Hamster vào nuôi làm cảnh phải được kiểm soát chặt chẽ theo đúng quy trình: Đăng ký nhập khẩu với Cục Chăn nuôi và có ý kiến chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Bộ Y tế, thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch nhập khẩu theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

 

Lê Châu