1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Bộ trưởng TN - MT:

“Chúng tôi có giải pháp cho khả năng vỡ hồ bùn đỏ”

(Dân trí) - Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường, Phạm Khôi Nguyên đã giải trình cho 6 vấn đề dư luận quan ngại xung quanh hồ chứa bùn đỏ khi khai thác bô xít Tây Nguyên, trong đó bao gồm cả khả năng vỡ hồ bùn đỏ.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho hay, báo cáo tác động môi trường do Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) lập, Bộ Tài nguyên môi trường chủ trì tổ chức Hội đồng thẩm định, đã được thực hiện “rất cụ thể, khoa học và bảo đảm độ an toàn về hệ thống môi trường”.

Theo đó, đã đánh giá tác động môi trường cho 4 khu (khu khai thác mỏ, khu tuyển quặng, khu hoạt động của nhà máy, khu chất thải) với “các tiêu chuẩn hiện đại của thế giới, với các chỉ tiêu về môi trường nghiêm ngặt nhất của Việt Nam cùng các yêu cầu cân đong, đo đếm rất cụ thể, có cơ sở khoa học”.

Đi vào mối lo lắng cụ thể là khai thác bô xít có phá rừng Tây Nguyên, Bộ trưởng TN- MT cho rằng, với bô xít Tây Nguyên, trữ lượng rất lớn và giai đoạn thí điểm chỉ tập trung cấp mỏ cho khai thác những nơi mà chủ yếu ở nơi không cây nào mọc được hoặc nếu mọc được chỉ là những bụi gai. Trong quá trình khai thác cũng sẽ kết hợp với mục tiêu trồng rừng, tức là mục tiêu kép.

Về hồ bùn đỏ, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đưa ra giải đáp về 6 vấn đề mà ông cho là dư luận đang phân vân.

Trước hết, với lo ngại, nước chảy vào hồ bùn đỏ, ông Nguyên cho rằng, trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã nêu, nghiêm cấm không để nước xung quanh chảy vào hồ bùn đỏ. Giải pháp là làm hệ thống mương, hứng toàn bộ nước.
 
“Chúng tôi có giải pháp cho khả năng vỡ hồ bùn đỏ” - 1
Rất nhiều nhà khoa học lo ngại vấn đề hồ chứa bùn  đỏ

Cũng theo ông Nguyên, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã đưa toàn bộ Viện Khí tượng thuỷ văn vào tính toán đo đạc và lường trước cả vấn đề về biến đổi khí hậu, đảm bảo không để nước tràn vào hồ bùn đỏ.

Về lo ngại chất độc hại trong bùn đỏ thẩm thấu, ông Nguyên khẳng định, với các biện pháp hiện đại được áp dụng, không thể thấm được.

Về động đất, ông Nguyên khẳng định, Viện Vật lý địa cầu đã vào đo nhiều năm tại Tây Nguyên và đã xác định, độ động đất đến cấp 5. Bộ yêu cầu trong thiết kế tính đến động đất cấp 7. “Thường tất cả các nước trên thế giới, đến cấp động đất cao hơn 2 cấp là tiêu chuẩn bắt buộc, chứ không thể cao hơn được”, ông Nguyên khẳng định.

Liên quan đến vấn đề nứt gãy,  theo ông Nguyên, Viện Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã vào đo, theo dõi khu vực để hồ bùn đỏ và đưa ra nhận định, không có nữt gãy.

Về mối lo ngại “rất thời sự”, liệu có vỡ hồ bùn đỏ?, ông Nguyên cho rằng, hiện nay trong báo cáo tác động môi trường, đã đặt vấn đề đưa ra các giải pháp cho khả năng vỡ hồ. Theo ông Nguyên, thông thường khu chứa bùn đỏ được chia ra làm các lô, chẳng hạn ở Braxin, mỗi lô khoảng 50ha, nhưng ở Việt Nam trong diện tích 108ha Bộ đã yêu cầu chia ra làm 8 hồ, tức là so với các nước, hồ của ta nhỏ hơn 1/3.

Khi ta thả bùn đỏ vào hồ thứ nhất, có sự cố vỡ, hồ thứ hai phải hứng. Khi đến thải đến hồ thứ ba, hồ thứ nhất đã tháo nước và đã khô, có thể trồng cây.

Với trường hợp hồ cuối cùng vỡ, Bộ đã yêu cầu TKV dành ra diện tích khoảng 50ha để chứa. “Chúng tôi đã yêu cầu TKV phải  xem xét và nghiên cứu đề ra giải pháp an toàn nhất, phải tuyệt đối không để bùn đỏ tràn”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Theo ông Nguyên, để đảm  bảo TKV thực hiện đúng theo yêu cầu đã đặt ra, Bộ quyết định lập một tổ giám  sát, với yêu cầu giám sát cho đến khi nghiệm thu tất cả các công trình này bảo đảm môi trường mới cho vào hoạt động. “Đây là điều kiện rất nghiêm ngặt mà không một công trình nào thực hiện như vậy”, ông Nguyên nói.

Dừng lại để bàn kỹ thêm

Phát biểu sau đó, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, người dân quan sát thấy, dường như cả Quốc hội và Chính phủ đều coi câu chuyện bô xít như… “ván đã đóng thuyền”.

Theo ông Quốc, tất cả những điều Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên phát biểu chưa thực sự làm ông an lòng, bởi lẽ việc xây dựng báo cáo tác động môi trường diễn ra cách đây 1 năm, tức vẫn là những thông tin cũ.

Chưa hết, theo vị đại biểu này, chỉ cần qua các phương tiện truyền thông của nhà nước những ngày gần đây, người dân cũng có thể cảm nhận được, mối quan ngại của mình về dự án bô xít càng ngày càng có cơ sở.
 
“Chúng tôi có giải pháp cho khả năng vỡ hồ bùn đỏ” - 2
Bài học về sự đổ vỡ của Vinashin có thể soi vào dự án khai thác bô xít (Ảnh: Việt Hưng"
 
Cụ thể, các ý kiến mang tính chất phản biện khoa học và đầy tinh thần trách nhiệm của những người yêu cầu phải dừng hay xem xét lại dự án bô xít Tây nguyên ngày càng nhiều về số lượng, ngày càng có sức nặng thuyết phục về chất lượng, trong khi đó trả lời từ những người có trách nhiệm của Chính phủ lại càng bộc lộ những vấn đề đáng lo ngại hơn về hiệu quả kinh tế trong khai thác và tiêu thụ, về sự thiếu đồng bộ giữa dự án khai thác và hạ tầng để vận chuyển, về sự lựa chọn công nghệ và địa điểm chế biến tối ưu, về những rủi ro của sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài...
 
“Dư luận chứng kiến những phát biểu ngày càng ít thuyết phục, thậm chí thiếu tự tin hơn của những người có trách nhiệm hay những người ủng hộ dự án này”, ông Quốc nói.

Theo ông Quốc, bài học về sự đổ vỡ Vinashin có thể soi vào dự án khai thác bô xít. Cụ thể, nếu buông lỏng quyền giám sát của Quốc hội, bỏ ngoài tai những ý kiến đóng góp, không  loại trừ một sự lặp lại.

Sẽ rất nguy hiểm nếu điều đó xảy ra, bởi khi so sánh, Vinashin chỉ làm thất thoát tiền bạc và cán bộ, còn hậu quả của dự án bô xít nếu xảy ra sẽ liên quan đến vận mệnh quốc gia.

“Nếu đặt lợi ích dân tộc lên cao nhất, mọi khó khăn khác biệt có thể vượt qua. Cho dù mọi sự so sánh có thể là khập khiễng thì từ bài học kéo pháo của Điện Biên Phủ năm xưa vẫn có thể tìm thấy sự đồng thuận để đi đến những quyết định sáng suốt, ví như sau khi cân nhắc một lần nữa có thể dừng lại dự án bô xít để bàn bạc cho thấu đáo”, ông Quốc nói.

Chốt lại phát biểu, ông Quốc cho rằng, việc dừng lại để bàn kỹ thêm dự án bô xít là điều không trái với lòng dân.

Cấn Cường