1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Việt Nam đã từng từ chối khai thác bô xít Tây Nguyên

(Dân trí) - “Việt Nam đã từng từ chối khai thác bô xít Tây Nguyên vì sợ phải trả giá về môi trường. Trên thế giới hiện cũng chưa có biện pháp nào khắc phục được những tai họa từ hóa chất do khai thác bô xít gây ra…”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết.

Là một trong những nhân vật ký kiến nghị gửi tới các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước xung quanh vấn đề khai thác bô xít, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Dân trí. Bà cho biết:

Từ năm ngoái, khi dự án bô xít được đưa ra để chuẩn bị phê chuẩn tôi đã không đồng tình. Chúng ta đang khai thác tài nguyên một cách quá lãng phí. Đây cũng chính là vấn đề đã được các nhà khoa học cả trong nước và trên thế giới khẳng định có ảnh hưởng dữ dội tới môi trường sống.

Khi sự cố bùn đỏ ở Hungary xảy ra, nó lại khiến những người trước đây đã không đồng tình với dự án này dấy thêm mối lo. Năm ngoái, mối lo chỉ dựa trên những cảm nhận những tính toán nghiên cứu, nhưng bây giờ đã có bằng chứng thực tế.

Và năm nay nó có một sự trùng lặp khi dự án đang được triển khai không chỉ là sự cố bùn đỏ mà đồng thời còn xảy ra lũ lụt miền Trung. Nguyên nhân từ tình trạng lũ lụt do thiên tai cũng có nhưng cũng có cả nguyên nhân từ việc khai thác tài nguyên ko hợp lý.
Việt Nam đã từng từ chối khai thác bô xít Tây Nguyên - 1
Bà Phạm Chi Lan

Dưới con mắt của một nhà kinh tế, bà đánh giá như thế nào về dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên?

Nhiều người thừa nhận, vào khoảng năm 1976, 1977, sau giải phóng miền Nam, đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh và muốn tận dụng mọi nguồn vốn có thể để vực dậy nền kinh tế.

Lúc đó, Liên xô cũ và Hungary cũng đã được chúng ta mời vào xem xét khả năng khai thác bô xít Tây Nguyên. Đây là hai nước có nền công nghiệp nhôm phát triển rất mạnh trên thế giới.

Sau khi thăm dò cẩn thận, họ đều đưa ra lời khuyên là không nên khai thác với lý do chính là hiệu quả kinh tế không cao và ảnh hưởng môi trường, trong đó họ có tính đến giá điện. Vì Việt nam không có điện giá thấp như Liên xô dùng thủy điện nên rất khó có thể chế biến được nhôm vì chi phí rất đắt.

Đáng chú ý, họ cũng đã cảnh báo, Tây Nguyên ở vùng cao, nếu bùn đỏ tràn xuống thì không những Tây Nguyên mà hàng loạt khu vực ở vùng trũng thấp bị ảnh hưởng. Bởi vậy, dù kinh tế rất khó khăn nhưng lúc đó ta cũng đã nghe theo họ.

Chính vì thế, tôi cảm thấy tiếc là lúc chúng ta đang cần tiền nhất mà cũng không chấp nhận trả giá cho môi trường, vậy mà khi thuận lợi như hiện nay thì lại “gật đầu”.

Bất kể một người làm kinh tế nào cũng đều cần phải biết là chi phí cơ hội đã cho thấy, nếu cùng một khoản tiền thì cần làm cái gì có hiệu quả kinh tế cao nhất.

Nhưng số tiền đã đầu tư 400 triệu USD cho dự án là không phải nhỏ. Và người làm kinh tế thì cũng cần phải tính toán…?

Trong văn thư gửi các lãnh đạo cấp cao nhất Đảng, Nhà nước, chúng tôi cũng chỉ kiến nghị dừng lại để xem xét tất cả các vấn đề, đánh giá một cách cẩn trọng hơn hoặc có thêm những biện pháp cần thiết chứ chúng tôi không bác bỏ dự án đó.

Bởi vậy, khoan hãy nói đã đầu tư 400 triệu USD sẽ thành lãng phí. Cũng không ai muốn số tiền đó trở thành “đống sắt vụn”. Nhưng nếu triển khai dự án mà không tính toán kỹ thì khi rủi ro xảy ra nó sẽ lớn hơn gấp nhiều lần, thậm chí có những không thể tính được bằng tiền.

Mà tôi được biết, với trình độ công nghệ của thế giới thì cho tới thời điểm hiện nay chưa có biện pháp nào có thể khắc phục được những tai họa từ hóa chất có trong chất thải do khai thác bôxit gây ra.
 
Việt Nam đã từng từ chối khai thác bô xít Tây Nguyên - 2

Một hồ chứa bùn đỏ ở Ấn Độ từ khai thác bô xít (ảnh: redmud.org)

Bà nghĩ sao khi một lãnh đạo Bộ Công thương cho biết đang đẩy nhanh tiến độ của dự án để tạo ra lợi nhuận cho Tây Nguyên?

Tôi cho là họ nên có những phản ứng tốt hơn là như vậy. Nếu như họ vẫn tin tưởng việc này là hoàn toàn đúng thì hãy công bố rộng rãi cho xã hội một cách cụ thể các con số về chi phí, giá thành, lợi nhuận, rủi ro về thị trường, giá cả biến động, khách hàng mua không nhiều…, đặc biệt là rủi ro về thiên tai thì sẽ chống đỡ như thế nào.

Và tôi nghĩ rằng, những người công bố thông tin đó sẽ phải chịu trách nhiệm với lời nói của chính mình trước lịch sử và sự sinh tồn của các thế hệ sau này.

Tôi biết là Bộ Công Thương cũng đã giao cho TKV phải xem xét lại và TKV cũng nói là sẽ cử đoàn đi Hungary để khảo sát nhưng tất cả đều đang trong quá trình chuẩn bị. Bởi vậy, lời tuyên bố của như trên rất dễ khiến dư luận hiểu theo nghĩa không tích cực…

Tôi rất mong một lần nữa các cơ quan ban ngành và Chính phủ bình tĩnh xem xét lại. Nếu thấy có gì đó chưa thực chắc chắn thì đây cũng chính là cơ hội tốt để chúng ta dừng lại bởi đã có được một sự đồng cảm lớn trong người dân, các nhà tri thức.

Như khảo sát của Dân trí, có tới 93% đồng tình với kiến nghị dừng và chỉ có 6% đồng tình với ý kiến của Bộ TNMT mà thôi!

Xin cảm ơn bà!

Lan Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm