1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Chúng ta không xâm lấn bất kỳ ai nhưng phải có thực lực để bảo vệ đất nước”

(Dân trí) - Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã khẳng định như vậy khi kết thúc bài phát biểu kéo dài 1 giờ đồng hồ tại buổi thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế- xã hội 5 năm qua (2011-2015) diễn ra chiều 22/10.

 

Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

 

Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết mỗi ngày có hàng nghìn chuyến bay quốc tế quá cảnh qua vùng trời Việt Nam. Kết hợp kinh tế với quốc phòng trong bảo vệ vùng trời, Bộ Quốc phòng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được đồng ý, nên đã điều chỉnh 23 đường bay dân dụng cho ngắn lại. “Trước đây bay vòng vèo để tránh khu vực không quân huấn luyện thì bây giờ quân đội tự điều chỉnh khu vực cho hợp lý, để tạo điều kiện cho đường bay trong nước và quốc tế qua Việt Nam càng ngắn, càng thẳng càng tốt, tiết kiệm chi phí, thời gian bay cho hành khách. Điều chỉnh 23 đường bay mỗi năm đã tiết kiệm 40.000 giờ cho ngành hàng không”- Bộ trưởng Quốc phòng nói.

Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng cũng đã chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh 3 đường bay dùng chung là sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng. “Mỗi sân bay có trung đoàn không quân chiến đấu, bây giờ chúng tôi điều chỉnh đi chỗ khác, để dùng cho dân sự thôi. Trung đoàn chỗ Nội Bài điều lên Kép (Bắc Giang), trung đoàn ở Đà Nẵng điều về sân bay Chu Lai (Quảng Nam), còn ở Tân Sơn Nhất xuống Cần Thơ. Như thế để đỡ ùn tắc cả trên không lẫn dưới mặt đất”- ông Thanh nói.

Đường tuần tra biên giới đến nay đã đổ bê tông 2.000 cây số. Đường Trường Sơn Đông chạy qua 6 tỉnh miền Trung từ Quảng Nam cho tới Lâm Đồng. “Dưới đồng bằng có đường 1, trên miền Tây có đường Hồ Chí Minh, giữa có đường Trường Sơn Đông - thời chiến tranh giờ mở rộng 2 làn xe, chạy tốt, các đồng chí ở các tỉnh Tây Nguyên rất phấn khởi có đường này. Ngoài ra có 2 đoàn kinh tế quốc phòng dọc biên giới Việt - Trung, Việt - Lào, Việt - Campuchia, sẽ làm tiếp khu vực này ngoài Trường Sa, chỗ Quân khu 9, Tứ giác Long Xuyên, các đảo gần bờ sẽ làm tiếp để làm sao phát triển kinh tế có thể trận kinh tế quốc phòng. Thời bình thì chỉ làm kinh tế thôi nhưng thời chiến thì sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ đất nước ở khu vực này thì cũng kết hợp tốt”- Đại tướng Phùng Quang Thanh thông báo.

Đại tướng cho biết biên giới Việt - Trung đã phân giới cắm mốc và hai bên phối hợp trong tuần tra bảo vệ chủ quyền của mỗi bên, bảo vệ an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm, vượt biên trái phép, quan hệ biên giới rất tốt. Biên giới Việt - Lào đã hoàn thành tăng dày cột mốc. Biên giới Việt Nam- Campuchia còn 7 điểm sẽ hoàn thành biên giới cắm mốc, Bộ Chính trị có chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đàm phán, phân giới cắm mốc trên thực địa, ổn định, tiến tới đàm phán phân định dưới biển.

“Còn chỗ Vịnh Bắc Bộ, hải quân của chúng ta với Trung Quốc, cảnh sát biển của chúng ta và Trung Quốc cũng thường xuyên có tuần tra chung để đảm bảo an ninh trật tự. Ta đã tuần tra chung với Campuchia, Thái Lan, tiến tới đàm phán tuần tra chung với Malaysia, Philippines”- Đại tướng nói.

Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết quân đội cũng rất quan tâm tới xây dựng công nghiệp quốc phòng. Nhà nước chỉ đạo xây dựng công nghiệp quốc phòng tiến tới sản xuất vũ khí trang bị cho quân đội, bởi nếu phụ thuộc bên ngoài thì khi quan hệ quốc tế xấu đi dù có tiền cũng không mua được.

“Chúng ta cơ bản đã sản xuất được vũ khí cho sư đoàn bộ binh trở xuống, ta hoàn toàn làm chủ. Vấn đề là ta muốn sản xuất phải có ngân sách, mua vật tư, nguyên liệu của nước ngoài. Sắt thép trong nước không thể sản xuất được súng... Đóng các loại tàu, từ tàu tên lửa, tàu pháo, tàu kiểm ngư, cảnh sát biển, tuần tiễu đã sản xuất tốt. Đã sản xuất các loại thuốc phóng, thuốc nổ, súng bộ binh, súng chống tăng. Xe tăng có giáp phản ứng nổ như trước đây chúng ta cũng sản xuất được đảm bảo phòng thủ và sẵn sàng chiến đấu. Vừa qua được Đảng và Nhà nước đầu tư quan tâm, từng bước hiện đại hóa các lực lượng hải quân, phòng không, không quân, thông tin,...

Thế nhưng hiện đại ở đây mới được một phần nhỏ thôi, không phải đã hiện đại toàn bộ hải quân, không quân, không phải thế. Nếu xây dựng quân đội hiện đại đòi hỏi ngân sách lớn lắm, mà chúng ta chưa thể có khả năng nên chúng ta có một phần nào thôi, từng bước một, tăng cường cho quân đội tiềm lực lên” - Bộ trưởng Phùng Quang Thanh thông tin.

Trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội vừa qua có nêu “bảo vệ chủ quyền quốc gia trên Biển Đông còn nhiều khó khăn, thách thức”. “Thì đúng là còn nhiều khó khăn. Tranh chấp trên biển liên quan tới nhiều nước, nhiều bên không riêng gì với ta với Trung Quốc đâu. Ta với Trung Quốc thống nhất cái gì song phương thì làm song phương với nhau, như Vịnh Bắc Bộ chỉ có ta với Trung Quốc. Hoàng Sa thì chỉ có ta với Trung Quốc thôi, không có nước thứ 3; còn Trường Sa thì phải đàm phán đa phương vì liên quan đến nhiều bên, nhiều nước. Phải cùng nhau giữu hòa bình ổn định kiểm soát tình hình trên biển không để xung đột, tăng cường hợp tác”- Bộ trưởng Thanh nói.

Kết thúc bài phát biểu kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ, Đại tướng Phùng Quang Thanh thẳng thắn: “Đó là những vấn đề lớn lắm mà trong báo cáo không bao giờ nói hết được, trong thảo luận nói vậy để các đồng chí biết, lãnh đạo toàn diện để phòng thủ bảo vệ đất nước, chứ chúng ta không bao giờ đi xâm lấn, tấn công bất kỳ ai cả, nhưng phải có thực lực để bảo vệ đất nước”.

Thế Kha