1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chung khảo Sáng kiến An toàn giao thông: 15 ngày thu hút 15.000 lượt bình chọn

Toàn Thịnh

(Dân trí) - 20 sáng kiến An toàn giao thông xuất sắc nhất đã thu hút gần 15.000 lượt bình chọn từ độc giả cả nước, sau 15 ngày mở cổng bình chọn, cho thấy an toàn giao thông là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Sức hút ở mùa giải đầu tiên

Từ cuối tháng 8/2022, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), báo Điện tử Dân trí và công ty Ô tô Toyota Việt Nam đã phối hợp tổ chức, khởi động cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2022. Chương trình nhằm kêu gọi, khuyến khích người dân tham gia đóng góp ý tưởng và ứng dụng các giải pháp công nghệ vào thực tiễn đời sống, để giải quyết các vấn đề an ninh trật tự và an toàn giao thông.

Dù là mùa đầu tiên tổ chức, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn phát động, cuộc thi đã nhận hàng trăm bài dự thi được đầu tư chỉn chu với đa dạng đối tượng tham gia từ sinh viên học sinh, nhà khoa học, chuyên gia công nghệ và các doanh nghiệp, cá nhân.

"Tôi bất ngờ vì có những tác phẩm rất công phu, hàng trăm trang, như một công trình nghiên cứu, có cả video để mô tả ý tưởng, hình ảnh trực quan, tham khảo cả thực tiễn quốc tế. Điều này cho thấy người dự thi đã nghiên cứu và có thử nghiệm trước khi gửi bài tham gia", Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông, trưởng ban giám khảo cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2022 chia sẻ.

Hiện nay, 20 ý tưởng và giải pháp công nghệ xuất sắc nhất cuộc thi Sáng kiến an toàn giao thông đang bước vào vòng Chung khảo bình chọn trực tuyến. Sau khi công bố kể từ 8/12, top 20 đã có gần 15.000 lượt bình chọn của độc giả trên khắp cả nước. Điều này thể hiện sự quan tâm của mọi người về an toàn giao thông quốc gia.

Nhiều sáng kiến gây chú ý cộng đồng

Tính đến hết ngày 22/12, ở hạng mục giải pháp công nghệ, sáng kiến ứng dụng an toàn giao thông - SAFEgo có hơn 2.000 lượt bình chọn. Ban tổ chức cuộc thi chia sẻ, nếu đưa vào áp dụng thực tế, ứng dụng SAFEgo sẽ là mảng ghép quan trọng trong công tác tổng hợp nhanh dữ liệu về các vấn đề ùn tắc, tai nạn, vi phạm,…trên đường phố. Điểm ấn tượng của giải pháp này là giúp giảm tải công việc của lực lượng cảnh sát giao thông trong tuần tra vi phạm, thông qua giám sát từ dữ liệu SAFEGo cung cấp.

"Chỉ cần sử dụng smartphone có kết nối internet và tích hợp ứng dụng VNEID đang được Bộ Công an triển khai, SAFEGo sẽ cập nhật thông tin kịp thời, liên tục về điểm ùn tắc, tai nạn, các vi phạm của người tham gia giao thông. Điều này giúp người dân tự nhận thức được các hành vi vi phạm của mình khi xem trên ứng dụng. SAFEGo còn hỗ trợ lực lượng cảnh sát giao thông xử lý vi phạm hiệu quả hơn", đại diện ban tổ chức chia sẻ.

Tác giả của SAFEGo chia sẻ mong muốn lớn nhất là có thể đem những kiến thức công nghệ đã học được trên ghế nhà trường để sáng tạo ra ứng dụng SAFEGo. Cùng với việc bản thân phải trải qua việc kẹt xe, ùn tắc giao thông mỗi ngày là động lực để tác giả tham gia cuộc thi với mong muốn góp phần cải thiện giao thông Việt Nam thông thoáng và văn minh hơn.

Ở "Giải pháp kiềm chế, làm giảm ùn tắc giao thông đường bộ", nhóm tác giả có gần 1.500 lượt bình chọn. Để tiết kiệm chi phí lắp đặt, đầu tư thêm thiết bị máy móc và cơ sở hạ tầng, phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống tín hiệu đèn và camera giám sát giao thông hiện có, nhóm tác giả đã đề xuất sử dụng đồng bộ hệ thống đèn tín hiệu kết hợp màn hình Led điều khiển giao thông, lắp đặt thêm các biển báo hiệu bằng tín hiệu điện tử (màn hình led) +loa với kích cỡ vừa phải, lắp đặt đồng thời trên giá long môn, cùng với giá lắp đặt tín hiệu đèn giao thông.

Chung khảo Sáng kiến An toàn giao thông: 15 ngày thu hút 15.000 lượt bình chọn - 1
Đèn tín hiệu giao thông và màn hình Led trong điều kiện bình thường (Ảnh: BTC).
Chung khảo Sáng kiến An toàn giao thông: 15 ngày thu hút 15.000 lượt bình chọn - 2
Chung khảo Sáng kiến An toàn giao thông: 15 ngày thu hút 15.000 lượt bình chọn - 3
Biển chỉ dẫn, đèn tín hiệu giao thông và màn hình Led khi xảy ra ùn tắc (Ảnh: BTC).

Về tác dụng, khi không xảy ra ùn tắc, các màn hình này sẽ hiển thị các thông số kỹ thuật về điều kiện thời tiết, lưu lượng phương tiện, chạy các quy định của pháp luật về an ninh trật tự để tuyên truyền trực tiếp về an toàn giao thông, chạy các quảng cáo (có thêm nguồn thu nhập tái đầu tư vào hệ thống hạ tầng giao thông). Bên cạnh đó, giải pháp còn nêu cách thức thay thế dải phân cách cố định bằng dải phân cách di động, thậm chí là dải phân cách di động tự hành; xây dựng lực lượng chuyên trách về phòng ngừa, giải quyết ùn tắc tại các đô thị lớn.

Chung khảo Sáng kiến An toàn giao thông: 15 ngày thu hút 15.000 lượt bình chọn - 4
Dải phân cách di động và phương tiện chuyên dụng (Ảnh: BTC).

"Sau khi được biết sản phẩm của mình vào top 20 chung khảo, tôi đã kêu gọi bạn bè người thân vào trang chủ cuộc thi bình chọn cho mình. Tôi mong đợi ý tưởng "Giải pháp kiềm chế, làm giảm ùn tắc giao thông đường bộ" của mình sẽ được ban cố vấn chuyên môn hỗ trợ phát triển ra thực tế, góp sức mình để giải quyết các vấn đề bức thiết về an toàn giao thông của đất nước", tác giả chia sẻ.

Một số ý tưởng, sáng kiến khác có lượt bình chọn cao như: ý tưởng thành lập Ngày Giao thông Việt Nam (1.350 bình chọn); Phần mềm cảnh báo tai nạn giao thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh - Quốc lộ 14 đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Nông (1.300 lượt bình chọn), Giải pháp bỏ đèn đỏ và tổ chức phân luồng giao thông đường bộ tại Thủ đô Hà Nội, TPHCM để không ùn tắc (1.100 lượt bình chọn),…

Vòng bình chọn trực tuyến sẽ diễn ra đến hết ngày 26/12. Ngày 27/12, top 15 đội thi vòng chung sẽ tham gia thuyết trình và trình bày dự án trước hội đồng cố vấn chuyên môn. Ban giám khảo sẽ chấm xếp giải nhất, nhì, ba và 2 giải khuyến khích cho mỗi hạng mục.

Giải nhất mỗi hạng mục sẽ nhận 100 triệu đồng; giải nhì là 30 triệu đồng; giải ba 10 triệu đồng và 2 giải khuyến khích, mỗi giải 5 triệu đồng; cùng giấy chứng nhận đạt giải của ban tổ chức chương trình và giấy khen của Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an.

Lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 27/12/2022 tại Trung tâm hội nghị Quốc tế, số 35 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội.

Độc giả có thể bình chọn cho tác phẩm yêu thích tại vòng bình chọn trực tuyến đến hết ngày 26/12 theo các bước sau:

Bước 1: bấm vào ô Đăng nhập hiển thị trên đầu trang, sau đó đăng nhập với tài khoản Google hoặc tài khoản Facebook cá nhân hoặc bằng cách điền thông tin cá nhân để đăng ký tài khoản.

Bước 2: trong phần Bình chọn sản phẩm sẽ hiển thị hai hạng mục bình chọn về "Sáng kiến ATGT" và "Công nghệ ATGT". Danh sách thông tin 20 tác phẩm vào vòng chung khảo sẽ hiển thị bên dưới mỗi hạng mục. Để bình chọn cho tác phẩm yêu thích, độc giả sẽ có 2 cách để bình chọn:

- Cách 1: bấm vào nút "Bình chọn" trực tiếp ngay bên dưới thông tin tác phẩm dự thi ngoài trang chủ.

- Cách 2: chọn mục "Sản phẩm dự thi", bấm vào Tác phẩm mà bạn quan tâm được hiển thị theo hai hạng mục là "Sáng kiến ATGT" và "Công nghệ ATGT" để tìm hiểu thông tin chi tiết của tác phẩm. Để bình chọn cho tác phẩm dự thi, độc giả bấm nút "Bình chọn" ngay vị trí bên dưới cùng nội dung tác phẩm dự thi.

Bước 3: để chia sẻ tác phẩm dự thi lên trang Facebook cá nhân, bấm vào nút "Chia sẻ" bên dưới ở thông tin tác phẩm trong phần Bình chọn sản phẩm hoặc bên dưới trang thông tin chi tiết về sản phẩm dự thi trong mục "Sản phẩm dự thi".

Lưu ý: mỗi tài khoản sẽ được bình chọn nhiều tác phẩm yêu thích và chỉ được bình chọn một lần duy nhất.

Kết thúc vòng Chung khảo bình chọn trực tuyến: 5 bài dự thi mỗi hạng mục có số lượt bình chọn cao nhất, sẽ được cộng điểm vào bảng điểm tổng Chung kết xếp hạng của ban giám khảo. 

Để biết thêm thông tin chi tiết về chương trình cũng như thể lệ tham gia cuộc thi, độc giả có thể truy cập website của chương trình tại https://sangkienatgt.dantri.com.vn.

Đồng hành cùng Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam có đơn vị tài trợ chính Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, đơn vị tài trợ Tổng công ty Bảo hiểm PVI.