1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chuẩn bị quy trình đi học, du lịch an toàn để chung sống cùng Covid-19

(Dân trí) - Bộ Y tế hướng dẫn dự phòng Covid-19 tại cơ sở sản xuất, công sở. Bộ Giao thông đảm bảo an toàn với hàng không, xe khách liên tỉnh. Bộ Giáo dục chuẩn bị phương án đưa học sinh trở lại trường an toàn…

Tại cuộc họp sáng 20/4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tập trung thảo luận một số nội dung chính: Khám chữa bệnh an toàn; đi học an toàn, đi lại an toàn; sản xuất, kinh doanh an toàn; du lịch an toàn…

Chuẩn bị quy trình đi học, du lịch an toàn để chung sống cùng Covid-19 - 1
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 họp sáng 20/4 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Tận dụng thời cơ kiểm soát được dịch để trở lại công việc

Các ý kiến phát biểu cho rằng, phải có sự điều chỉnh trong chỉ đạo để thích ứng với diễn biến mới của dịch bệnh. Mục tiêu là phải chung sống tuyệt đối an toàn, nhất định không được chủ quan, nhưng cũng tận dụng thời cơ kiểm soát được dịch bệnh để phát triển sản xuất, kinh doanh. Mọi lĩnh vực, hoạt động đều phải có người chịu trách nhiệm.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, hiện nay các cơ sở y tế thực hiện biện pháp cao nhất trong phân luồng, tổ chức khu vực riêng biệt tiếp đón người đến khám, chưa bệnh, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ cho nhân viên y tế, coi tất cả người đến khám là có nguy cơ lây nhiễm… tiến hành sàng lọc, xét nghiệm, đặc biệt là những người có triệu chứng ho, sốt, cúm.

Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục rà soát thật chặt chẽ tất cả quy định liên quan đến tiếp nhận người đến khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế. Chính quyền địa phương căn cứ vào hướng dẫn của ngành y tế có quy định bổ sung và Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm.

Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, trách nhiệm rất lớn của Bộ Công Thương đối với việc xây dựng, ban hành hướng dẫn sản xuất, kinh doanh an toàn cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, nhà máy, xí nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn dự phòng Covid-19 trong cơ sở sản xuất; xây dựng bảng điểm về phòng, chống dịch bệnh trong nhà máy, xí nghiệp… Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát và hỗ trợ y tế đối với công nhân tại các khu nhà trọ; giám sát điểm trên các nhóm công nhân…

Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Công Thương có văn bản chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn. Cụ thể đối với loại hình nhà máy, công xưởng cần hướng dẫn từ lúc công nhân đi vào, giao nhận ca, ăn uống, đến khi tan ca, đưa đón…. Tuỳ vào điều kiện thực tế, địa phương có thể bổ sung các quy định, hướng dẫn, bảo đảm cụ thể, đầy đủ, không được bỏ sót, bỏ lọt.

Đặc biệt, địa phương chịu trách nhiệm chính trong hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định an toàn, phòng, chống dịch đối với hoạt động của nhóm các siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng nhỏ lẻ (ví dụ như sửa xe máy, cắt tóc…), lao động tự do, người bán hàng rong… trên địa bàn.

Bộ Công Thương cũng cần rà soát, bổ sung hướng dẫn, quy định để bảo bảo hoạt động lưu thông hàng hoá, tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động. Đồng thời, tiếp thu các vướng mắc khó khăn, kiến nghị của hệ thống phân phối để đề xuất hướng xử lý, hỗ trợ kịp thời.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm hướng dẫn về bảo đảm an toàn trong các công sở, văn phòng…

Giám sát bằng công nghệ

Về nội dung đi lại an toàn, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết Bộ sẽ rà soát lại các hướng dẫn trước đây về bảo đảm an toàn trong hàng không, xe khách liên tỉnh, xe taxi…

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và một số thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng để kiểm soát, đảm bảo hoạt động đi lại an toàn ngoài những biện pháp thông thường như kiểm tra trực tiếp thì cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin giám sát sự tuân thủ quy định phòng, chống dịch trên các phương tiện giao thông như lái xe phải đeo khẩu trang, chở đúng số lượng hành khách, khử khuẩn phương tiện sau khi khách xuống xe… Hành khách cũng có thể phản ánh việc tuân thủ quy định phòng dịch trên phương tiện giao thông bằng cách sử dụng phần mềm ứng dụng.

“Không chỉ đi lại an toàn mà đi học an toàn, làm việc an toàn, du lịch an toàn, khách sạn an toàn… đều có thể ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để giám sát việc tuân thủ”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Về vấn đề đi học an toàn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết bên cạnh hướng dẫn đã được ban hành trước đây về đi học an toàn, trường lớp  an toàn, Bộ sẽ phối hợp với ngành y tế để bổ sung các biện pháp mới như đeo khẩu trang khi đi học, trong lớp học; chia nhỏ các lớp, học theo ca, bảo đảm khoảng cách an toàn cho học sinh trong lớp học. Bộ GD&ĐT cũng có hướng dẫn khung về chương trình, năm học để các địa phương có căn cứ triển khai, kết hợp học tại lớp và học trực tuyến.

Tương tự, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Trịnh Thị Thuỷ thông tin các hướng dẫn về du lịch an toàn dành cho khách du lịch, hướng dẫn viên, công ty lữ hành, vận tải du lịch, khách sạn, điểm đến, cơ sở dịch vụ… do Bộ này ban hành trước đây sẽ được bổ sung thêm các biện pháp mới theo hướng dẫn chung của ngành y tế.

Thái Anh