1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chưa xác định được vùng đổ bộ chính của bão Cimaron

(Dân trí) - “Hiện tại, chúng tôi chưa xác định được vùng đổ bộ, khu vực ảnh hưởng trực tiếp của bão Cimaron, cũng như cường độ bão đạt cấp bao nhiêu khi vào bờ. Tuy nhiên, các tỉnh ven biển miền Trung sẽ bị bão uy hiếp với sóng to, gió giật trên cấp 15 và hơn cả là nguy cơ lũ lớn sau bão”.

Ông Lê Văn Thảo, Trưởng phòng dự báo hạn ngắn (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương) đã cho biết như vậy tại cuộc trao đổi với báo chí chiều qua, 30/10.

 

Xin ông cho biết những diễn biến mới nhất về đường đi của bão Cimaron?

Mùa bão nước ta thường bắt đầu từ tháng 7, kết thúc muộn vào tháng 12 và thông thường là kết thúc vào tháng 11. Cơn bão Cimaron (cơn bão số 7 đổ bổ vào nước ta năm nay) là cơn bão số 19 hoạt động ở khu vực tây bắc Thái Bình Dương và được xếp vào loại bão cuối mùa với đặc điểm thường đi vào phía tây hoặc tây nam.

Đây là một cơn bão rất mạnh, hình thành từ một áp thấp nhiệt đới ở phía đông vùng biển Philippines từ ngày 27/10, đến trưa cùng ngày bão đã mạnh cấp 8, di chuyển theo hướng tây tây bắc khoảng 15-20km/h và mạnh lên nhanh chóng thành một cơn cuồng phong (super typhoon), đạt cấp 16 vào trưa 28/10. Theo đánh giá của Philippines, đây là cơn bão mạnh nhất trong vòng 7-8 năm trở lại đây, sau bão Xangsane, ảnh hưởng đến quốc gia này.

Đêm 29/10, khi vào Philippines, gặp vật cản là đảo Lu-dông cao trên 1.000 m, cường độ bão đã suy yếu từ cấp 16 xuống còn cấp 12-13. Sáng qua, 30/10, nhìn từ ảnh mây vệ tinh cho thấy, khi xuống biển Đông, cấu trúc bão thay đổi rất nhiều, nhưng vẫn duy trì ở cấp 13, cấp cực kỳ mạnh; sau đó, bão Cimaron tiếp tục di chuyển về phía tây với tốc độ 12 km/h.

Hồi 19 giờ tối 30/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,9 độ vĩ bắc; 118,5 độ kinh đông, cách phía đông quần đảo Hoàng Sa khoảng 7 vĩ độ, xấp xỉ 800 km. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật trên cấp 14.

Theo mô hình dự báo của Việt Nam, dự báo trong khoảng 24h luôn được đánh giá là có độ chuẩn xác nhất. Vậy trong 24h tới, hướng đi, tốc độ và cường độ của bão sẽ thay đổi như thế nào, thưa ông?

Theo dự báo 24h tới, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km và có khả năng mạnh thêm (đến 19 giờ tối ngày 31/10 vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,8 độ vĩ bắc; 115,6 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400km về phía đông). Vùng gió mạnh từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 - 300km tính từ tâm bão; từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 100 - 150km tính từ tâm bão. Trong bản tin, chúng tôi không nói mạnh lên bao nhiêu. Tuy nhiên, theo phân tích số liệu của đài Hong Kong, Bắc Kinh, Nhật Bản thì gió bão sẽ mạnh trở lại cấp 15.

Chưa xác định được vùng đổ bộ chính của bão Cimaron - 1
Đường đi của bão Cimaron theo bản dự báo sáng 31/10 của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương.

Trong 24 đến 48 giờ tới, bão số 7 sẽ di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 đến 15km (đến 19 giờ tối ngày 1/11 vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,7 độ vĩ bắc; 113,1 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 110km về phía đông). Vùng gió mạnh từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 - 300km tính từ tâm bão; từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 100km tính từ tâm bão. Do ảnh hưởng của bão, khu vực bắc và giữa biển Đông có gió bão mạnh cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão cấp 13, cấp 14, giật trên cấp 14, sóng biển cao từ 10 đến 12 mét. Biển động dữ dội.

Ngoài ra, dự báo 72h tới cho thấy, bão có khả năng đi vào vùng biển quần đảo Hoàng Sa và cường độ giảm xuống dưới cấp 13, thậm chí thấp hơn.

Như vậy có thể thấy nhiều khả năng bão Cimaron sẽ giảm cường độ khi đi gần vào đất liền?

Như chúng tôi đã dự báo, bão Cimaron có nhiều khả giảm từ cấp 15 xuống cấp 13, nguyên nhân là do: Khoảng ngày 31/10, áp cao lạnh phía bắc sẽ tăng cường trở lại làm cho vùng biển ngoài khơi lạnh đi ở 26 độ C. Hiện nay, vùng biển quần đảo Hoàng Sa đang chịu sự khống chế của khối không khí khô, mà trong hai điều kiện lạnh và khô ấy không có khả năng cung cấp năng lượng cho bão duy trì và phát triển mạnh thêm. Ngoài ra, việc cơn bão di chuyển càng chậm(12 km/h) thì càng tiêu hao nhiều năng lượng rất nhanh. Vì thế, nhiều khả năng bão suy yếu xuống cấp 11-12 khi vào vùng biển ngoài khơi Trung Bộ.

Hiện nay, chúng tôi chưa thể nói được chính thức cơn bão này khi vào bờ đạt cấp bao nhiêu nhưng chắc chắn rằng, ở trên vùng biển Hoàng Sa, cơn bão này có khả năng là cơn bão mạnh ở trên cấp 12. Như vậy, phạm vi của nó sẽ thu hẹp dần lại. Hiện nay mà nói, phạm vi gió mạnh ở cấp 7 là ở trong vòng bán kính 400km trở xuống, cấp 10 là khoảng 150km và bán kính cấp 12 từ 70-100km. Theo dự kiến, vào ngày hoặc đêm mai, chúng tôi sẽ phát tin bão gần, ngày hôm sau nữa sẽ phát tin bão khẩn cấp; nếu theo diễn biến như vậy thì chúng ta còn đủ thời gian để phòng chống cơn bão này.

Đến nay chúng ta đã xác định được vùng đổ bộ của bão Cimaron chưa, thưa ông?

Hiện bão còn quá xa, cách chúng ta trên 1.000 km, nên chưa thể nói chính xác sẽ đổ bộ vào tỉnh nào. Nhiều khả năng bão ảnh hưởng từ nam vĩ tuyến 17 trở vào nam (từ Quảng Trị), rơi vào Trung Trung Bộ và chủ yếu là Nam Trung Bộ. Về cấp độ bão, cũng chưa thể dự báo chính xác khi vào đất liền nó đạt cấp bao nhiêu, nhưng chắc chắn trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa có khả năng bão vẫn duy trì cấp 11-12.

Nhìn từ ảnh mấy vệ tinh hiện nay cho thấy mắt bão Cimaron rất nhỏ và sắc nét. Khi bão bắt đầu suy yếu thì mắt giãn nở dần và mờ dần. Khu vực nào bão đi qua chính diện, với cơn bão mạnh, bao giờ cũng có giai đoạn khoảng 30 phút trời quang mây tạnh. Ví dụ như cơn bão số 6 đổ bộ vào Đà Nẵng có thời điểm trời quang mây tạnh để nhân dân kịp thời sửa nhà cửa.

Như ông đã nói, nỗi lo lớn nhất chưa hẳn là bão đổ bộ vào tỉnh nào mà là nguy cơ xảy ra lũ lớn sau bảo. Nếu bão Cimaron đổ bộ vào miền Trung, thì khu vực này sẽ phải gánh chịu hậu quả như thế nào?

Nếu không có thay đổi lớn về từ trường, về đường đi, cơn bão này có nhiều khả năng sẽ gây mưa lớn, hình thành lũ, lũ quét ở miền Trung. Theo đó, mưa tập trung nhiều ở Trung Trung Bộ và với một cơn bão mạnh cấp 12 sẽ có gió giật trên cấp 15-16. Hiện nay, vùng gần tâm bão sóng biển cao 10-12 m, khi vào bờ thì sóng giảm dần. Nếu bão đổ bộ vào đất liền cấp 11-12 thì nước biển sẽ dâng cao 3-4 m, cộng với những đợt sóng biển đập liên tục. Nguy hiểm nhất là nước dâng cộng với sóng đánh mạnh, liên hồi có thể phá vỡ các công trình đê kè ven biển.

Với cơn bão này, tuy chúng tôi chưa xác định vùng đổ bộ, khu vực ảnh hưởng trực tiếp của bão, nhưng người dân không được chủ quan, cần gia tăng đề phòng gió mạnh, nước dâng, sóng biển và mưa lớn gây lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Với những ngư dân còn đang đánh bắt cá trên biển, ông có lời khuyên như thế nào với họ?

Hiện nay vị trí bão ở vĩ tuyến 17, phạm vi gió mạnh của nó có thể ra đến vĩ tuyến 19 và lùi xuống phía nam ở vĩ tuyến 15. Cho nên trong ngày mai, nếu không thay đổi đặc biệt, cơn bão di chuyển hướng tây tây nam thì tất cả tàu thuyền đánh bắt xa bờ từ vĩ tuyến thứ 17 trở ra phía bắc nên di chuyển về phía bắc, tránh xa vùng bão. Tàu thuyền đánh bắt xa bờ từ vĩ tuyến 16 trở vào nam thì di chuyển thẳng về phía nam. Đặc biệt, các tỉnh miền Trung, kể từ ngày mai tàu thuyền tuyệt đối không được ra khơi. Tàu thuyền đánh bắt ở vùng Hoàng Sa tuyệt đối không vào Hoàng Sa trú ẩn bởi nhiều khả năng khu vực ấy bão đi qua. 

Trong mấy ngày qua, có rất nhiều ý kiến lo ngại rằng, cơn bão Cimaron sắp đổ bộ vào Việt Nam có nhiều khả năng mạnh tương tự cơn bão Xangsane. Vậy theo ông, đâu là điểm giống và khác nhau giữa hai cơn bão này?

Bão Xangsane và Cimaron cùng hình thành và phát triển từ phía đông Philippines nhưng thời gian xuất hiện lại khác nhau. Bão Xangsane xuất hiện là vào cuối tháng 9, là thời kỳ hoạt động của gió mùa tây nam, khống chế trên biển là áp cao cận nhiệt đới (áp cao nóng), bão lại vào vĩ độ thấp, nhiệt độ nước biển cao, rất thuận lợi cho bão phát triển mạnh. Tốc độ di chuyển của Xangsane rất nhanh (20-25 km/h), gây khó khăn cho công tác phòng chống.

Còn Cimaron là bão cuối mùa, môi trường khống chế trên biển là một áp cao lạnh lục địa và nhiệt độ trung bình trên biển khoảng 26-27 độ C, gió mùa tây nam không còn hoạt động mạnh, vì thế điều kiện động lực, nhiệt lực không thuận lợi cho sự phát triển của bão. Cimaron di chuyển chậm hơn, khoảng 12 km/h và càng tiến về đất liền thì càng suy giảm cường độ. Đây là thuận lợi để người dân có đủ thời gian chuẩn bị đối phó.

Xin cám ơn ông!

Thành lập Ban chỉ đạo tiền phương đối phó với bão Ciamron

 

Hôm qua, 30/10, Ban chỉ đạo tiền phương đối phó với bão Ciamron đã được thành lập tại Đà Nẵng. Ban chỉ đạo tiền phương do Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng làm trưởng ban, sẽ chỉ đạo trực tiếp các tỉnh miền Trung đối phó với bão. Ngoài ra, tại Quảng Trị và Quảng Ngãi còn có 2 trạm tiền phương.

 

Cũng vào chiều 30/10, Thủ tướng Chính đã có Công điện khẩn số 1741/CĐ-TTg yêu cầu lãnh đạo UBND các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang bằng mọi biện pháp kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh, trú bão an toàn và thực hiện các biện pháp cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi cần thiết.

 

Bộ Ngoại giao có công hàm cho các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực tạo điều kiện giúp đỡ cho tàu thuyền, ngư dân tạm trú bão.

 

Chủ tịch UBND các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Khánh Hòa chịu trách nhiệm phải chuẩn bị tốt nơi neo đậu để bảo đảm an toàn cho tàu thuyền khi bão xảy ra, có ngay phương án để chủ động di dời, sơ tán dân ra khỏi vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão; chỉ đạo việc huy động lực lượng xung kích hướng dẫn giúp dân chằng, chống nhà cửa, hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra…

Hiền Linh (ghi)