1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chưa trình dự Luật Biểu tình đã xin lùi là thiếu nghiêm túc

(Dân trí) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định Thường vụ Quốc hội không đồng ý với việc lùi dự án Luật Biểu tình bởi: “Chính phủ chưa trình dự luật này ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chúng tôi đã biết nội dung như thế nào đâu mà bảo là cho lùi? Tôi cho rằng như vậy là việc làm thiếu nghiêm túc”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng việc xin rút dự Luật Biểu tình là thiếu nghiêm túc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng việc xin rút dự Luật Biểu tình là thiếu nghiêm túc.

Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay 17/2, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trình bày tờ trình của Chính phủ xin rút dự án Luật Biểu tình ra khỏi chương trình kỳ họp tới của Quốc hội. Ông Cường thừa nhận việc “lùi đi lùi lại” Luật Biểu tình từ nhiều năm nay.

Nhắc lại theo nghị quyết Quốc hội hồi tháng 6/2015 yêu cầu phải đưa Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, ông Cường cho biết Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì soạn thảo và vừa qua đã trình ra lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ. Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ lại có nhiều ý kiến khác nhau quanh việc có cho phép người nước ngoài đề xuất biểu tình hay không, người Việt Nam tổ chức biểu tình nhưng người nước ngoài có được tham gia biểu tình không?...

“Chính vì chưa chín muồi nên Thủ tướng đã kết luận, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin lùi một nấc. Chính phủ đã xem xét và có ý kiến” - ông Hà Hùng Cường nói.

Tuy vậy, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện thẳng thắn đề nghị phải đảm bảo đúng thời hạn trình dự án Luật Biểu tình vì đã lùi quá nhiều lần.

“Chính phủ nói do liên quan đến Luật Quản lý vật liệu nổ nhưng 2 cái này là khác nhau, không gắn được với nhau. Không thể chờ ban hành xong Luật Quản lý vật liệu nổ mới ban hành Luật Biểu tình được bởi biểu tình là quyền cơ bản của công dân từ năm 1945, mà giờ cứ lùi đi lùi lại mãi không được” - ông Hiện nêu ý kiến.

Theo ông Hiện, Quốc hội đã thống nhất kỳ họp thứ 11 sẽ cho ý kiến về dự án Luật Biểu tình nhưng đến giờ Chính phủ lại nói xin lùi thì không biết đến bao giờ hay lùi vô thời hạn. “Chúng ta không thể để cho đối tượng xấu lợi dụng việc này. Biểu tình liên quan đến dân chủ nên nếu lùi vô thời hạn thì sẽ không có lợi”- ông nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Kim Khoa - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh của Quốc hội tiếp tục khẳng định biểu tình là quyền tự do công dân được Hiến pháp quy định.

Nghiên cứu, thẩm tra dự thảo Luật Biểu tình do Bộ Công an xây dựng, ông Nguyễn Kim Khoa khẳng định dự án luật được làm rất công phu và có thể trình Quốc hội được.

“Chúng ta làm bây giờ là để đảm bảo ổn định an ninh, an toàn xã hội, mà lại có ý kiến nói chờ ổn định an ninh quốc gia mới làm là không hợp lý” - ông Khoa thẳng thắn.

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: “Tại sao Chính phủ cứ xin lùi Luật Biểu tình mãi thế? Không làm được hay không chịu làm? Quốc hội, Bộ Chính trị đã quyết định đưa vào chương trình (xây dựng luật, pháp lệnh - PV) rồi mà cứ bàn ra bàn vào mãi việc lùi luật này là không nghiêm túc”.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định thời gian cho ý kiến để thông qua Luật Biểu tình đã được Quốc hội thông qua rồi, nếu giờ tiếp tục lùi thì Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Lý do lùi phải được Chính phủ báo cáo Quốc hội, riêng Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể cho lùi.

“Thường vụ Quốc hội không đồng ý với việc lùi. Chính phủ chưa trình dự luật này ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chúng tôi đã biết nội dung như thế nào đâu mà bảo là cho lùi? Tôi cho rằng như vậy là việc làm thiếu nghiêm túc”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Kết thúc buổi thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ trình dự án Luật Biểu tình lên Quốc hội theo đúng chương trình đã được quyết định, dự kiến vào tháng 3/2016.

Nữ đại biểu Quốc hội đề xuất xây dựng một dự án luật

Tại cuộc họp sáng nay, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh đã có sáng kiến xây dựng dự án Luật Hành chính công và xin trình, bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và kỳ họp thứ 11 của Quốc hội sẽ diễn ra vào tháng 3 tới.

Bà Khánh cho biết dự án Luật Hành chính công được đại biểu và nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu lập pháp soạn thảo, hướng đến triển khai thi hành Hiến pháp 2013 với điểm mới là tôn trọng quyền con người, quyền công dân và kiểm soát quyền lực, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thể chế và thực tiễn thi hành pháp luật về hành chính công đang là những rào cản gây khó khăn, bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Từ đó góp phần vào việc tăng tính hiệu quả, năng động của nền hành chính và tính cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.

Theo bà Khánh, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đang đặt ra những nhiệm vụ hết sức cấp bách là phải đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế, nền tài chính, quản trị công, đặc biệt khi Việt Nam hội nhập sâu vào ASEAN, tham gia Hiệp định TPP. Nhiều bất cập hạn chế của việc xây dựng, thực hiện pháp luật về quản lý hành chính Nhà nước ngày càng bộc lộ rõ, các cơ quan chưa có sự chia sẻ thông tin công, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tạo ra sự kết nối với người dân, rất ít lãnh đạo cơ quan điều hành công việc qua mạng.

“Dự án luật Hành chính công xây dựng nhằm khắc phục những bất cập này, theo đó thuật ngữ Chính phủ điện tử lần đầu tiên sẽ được đề xuất sử dụng trong dự án luật chứ không quy định chung chung là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước” - nữ đại biểu Quốc hội nói.

Kha Xuân Lộc