1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chưa tìm thấy trung tâm đàn Nam Giao

Sau 3 tháng tổ chức thám sát di tích Đàn Nam Giao (114 Mai Hắc Đế, Hà Nội), ngày 18/6/2007, Viện Khảo cổ học ( VKC) đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về kết quả thám sát và dự kiến hội thảo bàn kế hoạch kết thúc công tác nghiên cứu khảo cổ học tại địa điểm này.

TS Nguyễn Doãn Tuân, Trưởng ban Quản lý di tích, danh thắng Hà Nội (BQL) - đơn vị chủ trì việc thám sát cho biết: “Đợt thám sát 1 (từ ngày 15/3 đến 15/5): Tiến hành đào 9 hố thám sát, thăm dò với tổng số 450m2; Đợt 2 ( từ ngày 15/5 đến 17/6): mở rộng diện tích thám sát thêm 500m2. Ngày 18/6, công việc thám sát đã kết thúc và VKC đã có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội.”

 

Thưa ông, hai đợt thám sát trên đã đem lại kết quả như thế nào?

 

Qua công tác khai quật 2 đợt, chúng tôi thu được những di vật chứng minh rằng đây là khu vực Đàn Nam Giao và thu được một số hiện vật thời Lý, Trần, Lê cũng như phát lộ được một số dấu tích công trình kiến trúc và cả 11 bộ hài cốt.

 

Các dấu tích thu được có giá trị về kiến trúc như những con nghê, những đầu tượng, gạch, ngói thời Trần... Đây là một phần kiến trúc Đàn Nam Giao.

 

Về nhận định khoa học, chúng tôi cho rằng, đây là việc làm rất cần thiết, đúng Luật Di sản. Kết quả này cũng khơi gợi nhiều hướng nghiên cứu về di tích Đàn Nam Giao.

 

Khu vực thám sát có phải là khu trung tâm đàn Nam Giao?

 

Việc đào các hố thám sát vừa qua chưa thu được kết quả nào cho thấy khu vực này là trung tâm Đàn Nam Giao. Việc khai quật thấy những bộ hài cốt cũng gợi mở thêm rằng, đây không phải là trung tâm của Đàn. Mà ở đây chỉ là những dấu tích của Đàn Nam Giao.

 

Theo ông trung tâm Đàn Nam Giao nằm ở khu vực nào?

 

Có thể nó lệch sang khu vực đường Thái Phiên, giáp ranh giữa đường Thái Phiên và Bùi Thị Xuân. Theo tôi, khu vực trung tâm có lẽ đã bị phá hủy rồi. Chúng ta cũng phải công bằng với lịch sử vì những biến động của lịch sử, thiên nhiên và xã hội... đôi khi phá hủy những giá trị của di tích. Sau khi thám sát, chưa có cơ sở nào chứng minh rằng khu vực 114 Mai Hắc Đế là trung tâm Đàn Nam Giao.

 

Vậy ngành văn hóa có tiếp tục thám sát tại địa điểm hiện tại?

 

Khó có thể khai quật tiếp được vì chưa có nhận định nào xác định được đâu là trung tâm Đàn. Các hiện vật cũng mới đào lên thôi, chưa có nhận định khoa học nào để có thể khẳng định có khai quật tiếp hay không.

 

Vậy BQL di tích, danh thắng Hà Nội sẽ đưa ra phương án bảo tồn nào để vừa bảo tồn tốt di tích nhưng cũng phải đáp ứng được nhu cầu phát triển?

 

Trước hết là phải bảo tồn di tích bằng hồ sơ sao cho thật tốt. Đối với các hiện vật thu được, chúng ta phải đưa về bảo tàng. Còn tại hiện trường, có nhiều biện pháp bảo tồn trong đó có thể chúng ta dựng bia, điều này đã làm nhiều rồi.  Chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo và tiếp thu các ý kiến từ hội thảo.

 

Bia này ghi nhận nơi đây là di tích Đàn Nam Giao và việc dựng bia sẽ chỉ chiếm một diện tích đất nhỏ. Chúng ta bảo tồn để phát triển và phát triển để bảo tồn tiến tới xây dựng một Thủ đô văn minh, hiện đại nhưng vẫn lấp lánh vẻ cổ kính ngàn xưa.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm