1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chưa thể tăng giá xăng dầu

Có thể nói, chưa bao giờ áp lực tăng giá xăng dầu đối với nền kinh tế nước ta lại lớn như hiện nay. Và cũng chưa bao giờ việc đòi hỏi giữ giá mặt hàng chiến lược này lại cấp thiết như hiện nay.

Giá dầu thế giới nhiều lần ngấp nghé ngưỡng 140 USD/thùng trong tháng 6 này, vượt rất xa mọi dự báo trước đây. Có lẽ cho đến nay ngân sách Nhà nước cũng đã bị “hụt hơi” với khoản bù lỗ khổng lồ.

 

Ngân sách chịu hết xiết

 

Cụ thể, ngay trong những ngày đầu của kỳ họp Quốc hội vừa qua, khi giá dầu thế giới ở mức 125 USD/thùng (tại thị trường New York), đã có những ý kiến của đại biểu tỏ ra rất băn khoăn về chủ trương ổn định giá bán xăng dầu trong nước đến hết tháng 6 này. Vì nếu như giá dầu thế giới dao động trong khoảng 100 - 110 USD/thùng, số tiền bù lỗ cả năm sẽ là con số khổng lồ 12.000 tỉ đồng.

 

Thế nhưng, trong liên tục ba tuần lễ vừa qua, do giá dầu thế giới liên tục dao động ở sát ngưỡng 140 USD/thùng, mọi tính toán trên đều đã trở nên rất lạc hậu. Bởi khoản lỗ hiện được xác định ở mức trên 4.000đ/lít đối với xăng A92 và khoảng 6.000đ/lít đối với diesel, cho nên khoản bù lỗ của ngân sách Nhà nước chắc chắn cũng vượt qua mốc 1.000 tỉ đồng/tháng.

 

Khó tránh “chia sẻ” giá?

 

Xét dưới góc độ này, trong điều kiện chủ trương ổn định giá bán xăng dầu trong nước đã bước vào những ngày cuối, và “túi tiền” của Chính phủ chắc chắn cũng vơi hẳn, việc thực hiện khẩu hiệu “Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp phải cùng nhau chia sẻ” là điều khó có thể tránh khỏi.

 

Nếu nhìn rộng ra các nước xung quanh, có thể thấy, ngay từ đầu tháng 6 này, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia và Đài Loan đã phải cắt giảm trợ cấp và tăng giá xăng dầu trong nước. Trong đó, giá xăng của Malaysia ngày 5.6 đã tăng vọt từ 1,92 ringgit lên 2,7 ringgit, tức tăng 40,62%.

 

Còn đối với Trung Quốc, việc tăng mạnh giá bán lẻ xăng lên 0,75 USD/lít (tăng 18%) trong ngày 19.6 vừa qua được coi là một động thái bất ngờ, vì trước đó người ta vẫn tin rằng “người khổng lồ” này sẽ cố “nín nhịn” đến sau Olympic Bắc Kinh kết thúc vào tháng 8 tới.

 

Giá xăng dầu Việt Nam đã quá cao

 

Thế nhưng, đối với nước ta, hiện đang là thời điểm có thể nói là “nhạy cảm nhất” đối với việc tăng giá xăng dầu, bởi chắc chắn những tác động ngược chiều rất mạnh của chúng có thể làm triệt tiêu những kết quả chống lạm phát đang còn rất “mong manh” hiện nay.

 

Các số liệu thống kê đều cho thấy hệ quả của hai lần tăng giá xăng dầu gần đây là rất lớn. Việc tăng tới 15,04% (riêng giá xăng A92) vào hạ tuần tháng 11/2007, giá tiêu dùng trong tháng 12 sau đó đã tăng 2,91%, kỷ lục cao nhất trong vòng 16 năm. Còn với việc tăng 11,54% (cũng tính riêng giá xăng A92) vào hạ tuần tháng 2 vừa qua, giá tiêu dùng cũng tăng đại nhảy vọt 2,99% trong tháng 3 sau đó, đạt kỷ lục cao nhất trong vòng 19 năm trở lại đây.

 

Hiển nhiên, việc giá tiêu dùng tăng như vậy không thể “đổ lỗi” tất cả cho việc tăng giá xăng dầu, nhưng bản thân việc đạt các kỷ lục như vậy chắc chắn khiến chúng ta không thể phủ nhận vai trò “thủ phạm chính” của nó.

 

Từ thực tế đó, gần như có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng việc tăng giá xăng dầu ở thời điểm hiện nay sẽ triệt tiêu những kết quả bước đầu còn rất mong manh về chống lạm phát.

 

Tuy nhiên, dường như chúng ta đã... rất tích cực tăng giá, cho nên giá xăng dầu nước ta đã thuộc loại “đi tiên phong” trong khu vực.

 

Chẳng hạn, với 18%, tuy được coi là mức tăng mạnh nhất từ trước tới nay, nhưng đây là lần tăng giá xăng dầu đầu tiên của Trung Quốc trong 8 tháng trở lại đây, và điều còn quan trọng hơn nữa là tuy tăng mạnh như vậy, nhưng giá bán lẻ xăng của Trung Quốc hiện cũng chỉ ở mức 0,75 USD/lít, tức là vẫn còn thấp hơn nhiều so với giá xăng A92 của nước ta ở mức 0,87 USD/lít (tính theo tỷ giá tham khảo tại sở Giao dịch ngân hàng Nhà nước, còn nếu tính theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do ngân hàng Nhà nước công bố thì là 0,88 USD/lít).

 

Hoặc đối với Malaysia, một quốc gia có thu nhập bình quân đầu người hơn gấp 7 lần của nước ta, cho dù giá xăng của nước này tăng đại nhảy vọt 40,62% như đã nói ở trên, nhưng hiện cũng chỉ mới ở mức 0,84 USD/lít, tức là vẫn còn thấp hơn “chút đỉnh” so với của nước ta hiện nay.

 

Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, do xăng dầu ở nước ta hoặc là quá đắt, hoặc là người dùng tuy thu nhập vẫn còn quá thấp nhưng lâu nay vẫn chỉ được hưởng sự trợ cấp quá ít của Nhà nước, hoặc là do cả hai. Còn tốc độ tăng lạm phát thì vẫn quá cao, cho nên kiềm chế giá cả của mặt hàng này vẫn đang là vấn đề thời sự nóng hổi, rất cần được sự xem xét cẩn trọng của các nhà quản lý.

 

Theo Nguyễn Đình Bích

Sài Gòn tiếp thị

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm