Quảng Bình:

Chưa thể khởi tố vụ gỗ sưa trăm tỉ vì chậm báo cáo thiệt hại

(Dân trí) - Vì VQG Phong Nha - Kẻ Bàng chưa báo cáo thiệt hại nên cơ quan công an chưa đủ yếu tố để khởi tố vụ án. 3 cán bộ kiểm lâm nằm trong diện nghi vấn “móc nối” với lâm tặc cũng đã gửi giải trình về vụ việc.

Như Dân trí đã thông tin, liên quan đến vụ 3 cây sưa cổ thụ bị đốn hạ ở khu vực Hung Trí, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, cơ quan chức năng đã lập danh sách một số cán bộ kiểm lâm nằm trong diện nghi vấn “tiếp tay” cho lâm tặc vận chuyển gỗ sưa ra khỏi rừng. Đó là ông Hoàng Văn Quế (Hạt phó Hạt kiểm lâm Phong Nha - Kẻ Bàng), ông Trần Đức Tiến (Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Trộ Mơợng) và ông Nguyễn Hữu Trí (Hạt phó Kiểm lâm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng).   

Chiều ngày 15/5, PV Dân trí đã làm việc với ông Lưu Minh Thành, Giám đốc Ban quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, ông Thành cho biết, lãnh đạo Vườn đã nhận được đơn giải trình của 3 cán bộ kiểm lâm nói trên. Theo ông Thành, để xác minh có hay không sự việc cần phải xem xét kỹ, chờ có đủ các yếu tố cần thiết. Việc trước mắt là tập trung lực lượng truy quét lâm tặc, đảm bảo an ninh trật tự trong vùng rừng di sản.

Chưa thể khởi tố vụ gỗ sưa trăm tỉ vì chậm báo cáo thiệt hại
Hiện VQG Phong Nha - Kẻ Bàng vẫn chưa có báo cáo thiệt hại về vụ 3 cây sưa cổ thụ bị chặt hạ ở khi vực Hung Trí nên cơ quan chức năng chưa có đủ các yếu tố pháp lý để khởi tố vụ án

Chậm trễ báo cáo thiệt hại nên chưa thể khởi tố vụ án

“Vì VQG Phong Nha - Kẻ Bàng chưa có báo cáo mức độ thiệt hại về vụ 3 cây sưa trong rừng di sản bị đốn hạ nên hiện cơ quan công an chưa đủ yếu tố pháp lý để khởi tố vụ án”, Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình cho biết.

Ông Thành cho biết hiện đang trong quá trình điều tra xem xét nên chưa thể cung cấp nội dung giải trình của 3 cán bộ kiểm lâm trên cho báo chí. Tuy nhiên, theo nguồn tin mà phóng viên có được thì cả 3 cán bộ nằm trong diện nghi vấn đều phủ nhận việc “móc nối” với lâm tặc. Ông Quế phủ nhận việc 100 gùi gỗ sưa của một đầu nậu “lọt” qua Trạm Kiểm lâm Trộ Mơợng vào tối ngày 1/5. Ông Nguyễn Hữu Trí phủ nhận không lấy khúc gỗ sưa khoảng 15kg của lâm tặc (Mặc dù trước đó, ông Trí nói là có cầm một cục gỗ sưa nhỏ). Ông Trần Đức Tiến giải trình với cấp trên không thông trạm cho lâm tặc.

Chưa thể khởi tố vụ gỗ sưa trăm tỉ vì chậm báo cáo thiệt hại
Dù các điểm chốt vào rừng di sản có vẻ được kiểm soát chặt chẽ nhưng lâm tặc vẫn vào rừng và gỗ quý vẫn ra khỏi rừng.

Theo ghi nhận của PV Dân trí vào chiều tối 15/5, ở các điểm chốt vào rừng di sản VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, mặc dù lực lượng kiểm lâm đã bố trí lực lượng 24/24h và quá trình kiểm tra cũng diễn ra khá gắt gao nhưng theo như chúng tôi quan sát, vẫn còn khá nhiều người gùi thức ăn, dụng cụ vào rừng đi mót gỗ sưa.
 
“Chốt là chốt cho có lệ, còn người dân muốn vào rừng thì thiếu gì cách để vào. Họ có “1.001” đường để vào rừng di sản tìm gỗ sưa”, một vị lãnh đạo xã thuộc vùng đệm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, thật thà tiết lộ.

P.V