Chưa quy định xét tặng Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú cho nhà văn

Quang Phong Như Quỳnh

(Dân trí) - Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua chưa bổ sung nhà văn, kiến trúc sư... vào nhóm được xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú".

Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) được Quốc hội biểu quyết thông qua chiều 15/6.

Trình bày báo cáo giải trình về đạo luật này trước đó, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy việc rà soát để tiếp tục bổ sung người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật thuộc nhóm được xét tặng danh hiệu "nghệ sĩ nhân dân", "nghệ sĩ ưu tú" là cần thiết, đảm bảo nguyên tắc "công bằng" trong khen thưởng. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, trong thời gian ngắn chưa thể đánh giá tác động kỹ lưỡng, đầy đủ.

Đối với việc bổ sung nhà văn và kiến trúc sư vào nhóm được xét tặng danh hiệu vinh dự nhà nước "nghệ sĩ nhân dân", "nghệ sĩ ưu tú", đa số đại biểu đề nghị nghiên cứu thêm cho phù hợp và tạo sự đồng thuận cao.

Sau khi lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chỉ đưa vào luật những vấn đề đã chín, đã kỹ, đã rõ, còn lại giao Chính phủ quy định.

Theo đó, danh hiệu "nghệ sĩ nhân dân", "nghệ sĩ ưu tú" để tặng cho cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm: Diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, phát thanh viên.

Đối với người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật không thuộc các nhóm trên (bao gồm nhà văn, kiến trúc sư - P.V) sẽ do Chính phủ quy định.

Chưa quy định xét tặng Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú cho nhà văn - 1

Đại biểu Quốc hội thông qua Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi chiều 15/6.

Về đề nghị bổ sung hình thức "Thư khen", Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, thời gian qua hình thức này đã được thực hiện theo quy định của khoản 2 Điều 101 Luật Thi đua Khen thưởng hiện hành (khoản 1 Điều 81 dự thảo Luật), rất đa dạng, gắn với cá nhân người đứng đầu cơ quan, tổ chức, có tác dụng kịp thời biểu dương gương tốt, việc tốt, động viên, khuyến khích cá nhân, tập thể hăng hái thi đua, làm việc tốt, có nhiều hành động tốt. 

Vì vậy, nếu luật hóa, một mặt, sẽ không tạo sự chủ động, linh hoạt; mặt khác, phải xác định chủ thể có thẩm quyền quyết định tặng; vị trí của "Thư khen" trong các hình thức khen thưởng; quy trình, thủ tục xét tặng; các tiêu chuẩn xét tặng trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc "không khen thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được". 

Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội không luật hóa hình thức "Thư khen" mà thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 81 dự thảo Luật.

Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) có 96 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024.

Trong quá trình cho ý kiến vào dự thảo Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi) tại kỳ họp lần này, một số đại biểu đề nghị mở rộng đối tượng xét duyệt Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, trong đó có nhà văn, kiến trúc sư... Tuy nhiên, sau đó Hội Nhà văn Việt Nam có công văn gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nêu ý kiến đồng tình chủ trương mở rộng đối tượng được trao danh hiệu, nhưng không phải nhà văn.

"Để đánh giá một nhà văn phải thông qua giá trị tác phẩm, tác phẩm có giá trị phải có tính lan tỏa rộng lớn và tác động mạnh mẽ tới nhân dân, tới xã hội. Khó có định lượng cụ thể nào cho một tác phẩm của nhà văn để mang ra xét Nhà văn Ưu tú hay Nhà văn Nhân dân", văn bản của Hội Nhà văn Việt Nam nêu.