Chùa Một Cột trong ký ức một thời khó khăn, khói lửa
(Dân trí) - Người Pháp chiếm Hà Nội năm 1883, phá thành Hà Nội năm 1889 để xây lại nhiều đường phố theo lối Tây. Nhiều đình chùa bị san phẳng, dịch chuyển để làm đường sá. Khu vực quanh chùa Một Cột biến đổi nhiều nhưng riêng ngôi chùa được giữ lại…
Trải ngàn năm, chùa xây sửa nhiều lần nhưng đến cuối thế kỷ 19 vẫn nguyên dáng vẻ. Chùa được trùng tu lớn vào khoảng năm 1840-1850. Năm 1920-1922, Charles Batteur - giáo sư Mỹ thuật Kiến trúc của EFEO dựa trên các tư liệu cũ để tôn tạo lại Chùa sau khi các đường phố đã thay đổi diện mạo khung cảnh chung quanh. Ông khôi phục những hoa văn góc cạnh và xây quanh hồ nước một bờ tường thấp đã bị xóa hết dấu vết.
Đài Liên Hoa tọa trên cột đá được sửa chữa lại năm 1955 do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng đảm nhiệm và giữ nguyên hình dáng cho đến ngày nay, khi tổ chức Kỷ lục châu Á ghi nhận kỷ lục “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất” cho chùa Một Cột.
Đến những năm 1980, khi quần thể kiến trúc quảng trường Ba Đình, Bảo tàng Hồ Chí Minh hoàn thành thì ngôi chùa vẫn giữ nguyên vậy nhưng cảm giác nhỏ đi nhiều do đứng cạnh công trình kiến trúc lớn. Nhiều người Hà Nội vẫn còn nhớ cụ trụ trì hiền lành điềm đạm vừa lo Phật sự lại lo chữa bệnh cho nhiều người. Điều lạ nhất là, trong những ngày Hà Nội nghèo lắm, không có hòm công đức nhưng cảnh chùa lúc nào cũng sạch sẽ ấm cúng. Trụ trì chùa lúc nào cũng toát lên cái dáng vẻ an nhiên tự tại (cụ mất đã lâu).
Ngày ấy thứ gì cũng hiếm hoi, khó có thể lo toan, xoay sở để sửa sang lớn. Mái chùa lợp ngói ta như bất cứ ngôi chùa nào, mỗi trận mưa đều dột góc này góc kia, khi gió tạt hướng này, đổi hướng khác. Nếu mái ngói chèn không kỹ thì chỉ con mèo chạy đi chạy lại là xô nên thông thường lúc này, mỗi lúc trời mưa, trong chùa đều có cây sào tre để đứng dưới chọc lên chỉnh lại ngói. Chỗ nào dột quá thì nhà chùa vẫn ra phố Ngõ Gạch mua vài cân xi măng đắp lại. Mái không dột thì rui mè, đòn tay, vì kèo bằng gỗ vẫn khô ráo nên khó hỏng, nếu có hỏng thì cũng chỉ thay tỉa vài thanh... Hàng trăm ngôi chùa quanh Hà Nội được bảo vệ, duy tu như thế qua nửa thế kỷ dầu dãi nắng mưa, vượt qua những năm đạn bom, ngói tan gạch nát.
Mươi năm gần đây, nhiều ngôi chùa quanh Hà Nội kêu cứu vì dột nát, mà đã dột thì phải phá đi làm lại. Làm lại thì phải làm mới và bổ sung nhiều nội dung cho hợp thời như phòng ốc tiện nghi, cổng ngõ cao lớn, thiết bị nội thất hiện đại, lại lắp cả điều hòa cho mát mẻ, xây cả nơi để xe máy, ô tô...
Chuyện này làm ta nhớ đến khu bảo tồn 36 phố phường. Có ai muốn bảo tồn để mà khư khư ôm cái nhà cổ chật chội, bất tiện. Nhà phố cổ thì hạn chế chiều cao và phải lợp mái ngói thì mở rộng, cơi nới thêm tầng cách nào... Vậy nên mới xuất hiện những sáng kiến làm cho mái dột, tường nứt để được xác nhận “nhà nguy hiểm, có thể sập đổ bất cứ lúc nào” đi kèm cái đơn kêu cứu khẩn cấp. Thế là nhà được xây như ý, lại tránh được thủ tục xin phép xây dựng với điều kiện “phải có sự đồng ý của hàng xóm”.
Những ngày gần đây, báo chí đưa nhiều tin về chùa Một Cột dột nát, gây chú ý của công luận. Nhà chùa vốn lo lắng đã lâu nay lại có ảnh mặc áo mưa, đội nón cho tượng, người đọc cũng… rùng mình. Lại được nghe các lãnh đạo họp báo công khai các bước tiến hành “đại tu”, thủ tục rất thận trọng. Có lẽ, người dân ưng nhất là tin quận Ba Đình chủ động tổ chức hội thảo vào giữa tháng 5 về việc này. Nhiều người tạm yên lòng. Nhưng xem những ý kiến trao đổi trên báo chí, các chuyên gia vẫn e ngại vì nhiều lời than vãn nhưng không mấy kế sách được nêu ra. Để chùa sập mà vẫn ngồi bàn hoặc chưa đến mức không thể khắc phục đã vội dỡ ra làm mới như chùa Trăm Gian… đều là hạ sách.
Mùa Đông năm 1049, Vua Lý Thái Tông nằm mơ thấy Phật. Ngài dắt nhà vua lên ngồi tòa sen. Khi tỉnh dậy, Vua đem chuyện ấy nói với bề tôi. Có người cho rằng đó là điềm không lành. Nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, làm toà sen của Phật Quán Âm trên cột đá ở giữa ao như hình ảnh đã thấy trong mộng. Xây chùa xong, các nhà sư đi vòng quanh tụng kinh cầu cho nhà Vua trường thọ. Vì thế chùa có tên gọi là Diên Hựu, tức phúc lành lâu dài. |
KTS Trần Huy Ánh