1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chưa đủ cơ sở để khẳng định về căn hầm bí mật của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

(Dân trí) - Ngày 22/10, ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, qua xác minh nhiều nguồn chứng cứ cho thấy không có căn cứ xác đáng để khẳng định căn hầm được phát hiện là của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

“Bảo tàng của chúng tôi thực hiện chỉ đạo của Sở VH-TT&DL đã trực tiếp khảo sát căn hầm tại ngôi nhà 191 đường Trần Hưng Đạo (phường Phú Hòa, TP Huế - số cũ 95A), gặp gỡ các nhân chứng lịch sử và làm việc với UBND phường, kết hợp tìm các tư liệu lưu trữ cũ, các sách lịch sử, báo, tạp chí liên quan đến Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Từ những xác minh trên, chúng tôi thấy các thông tin ông Mai Văn Huế và ông Mai Ngân cung cấp qua phản ánh của các báo về việc phát hiện căn hầm bí mật che giấu Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại ngôi nhà trên là thiếu căn cứ khoa học, chưa chính xác, chưa có đầy đủ cơ sở để khẳng định đây là hầm che giấu Đại tướng giai đoạn chống Pháp 1945-1946” - ông Cao Huy Hùng khẳng định.

Không có tư liệu nào nói đến căn hầm bí mật của Đại tướng

Bảo tàng đã kiểm chứng qua 3 nguồn chính là hiện trạng căn hầm, tư liệu khoa học và gặp gỡ nhân chứng. Ở nguồn thứ nhất, qua khảo sát thực tế, các vật liệu xây dựng hầm tương đối mới, không phải là vật liệu của những năm 1945 theo như lời kể của ông Mai Văn Huế và Mai Ngân cung cấp cho báo chí.
 
Mặt khác, theo UBND phường Phú Hòa cho biết, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhất là giai đoạn 1968-1975 hầu hết các nhà ở khu vực phường này đều có căn hầm trú ấn để tránh bom đạn. Việc gia đình số 95A đường Trần Hưng Đạo đào một căn hầm để tránh bom đạn là việc làm bình thường trong chiến tranh.

Về tư liệu khoa học: Bảo tàng đã tìm và tra cứu các sách lịch sử, tạp chí, kỷ yếu hội thảo khoa học liên quan đến Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, các hồi ký của nhân chứng lịch sử đã từng hoạt động với Đại tướng ở Thừa Thiên Huế và TP Huế trong giai đoạn trước, trong và sau khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng ở Huế từ năm 1936-1954 như: Hồi ký của đồng chí Tố Hữu, Hoàng Anh, Trần Quý Hai, Lê Tự Đồng, Nguyễn Vạn, Hà Văn Lâu… đồng thời liên hệ với phòng Lịch sử Đảng – Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; tìm đọc trong tư liệu lưu trữ các sách lịch sử liên quan đến cách mạng tháng Tám năm 1945 và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Huế.

Phía trong căn hầm ở số nhà 95A đường Trần Hưng Đạo
Phía trong căn hầm ở số nhà 95A đường Trần Hưng Đạo

Kết quả, chưa có một tài liệu nào nói về “căn hầm bí mật che giấu Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và kho vũ khí bí mật” cũng như căn nhà 95A đường Trần Hưng Đạo từng là nơi hội họp của Ủy ban kháng chiến và Ban tình báo liên khu V.

Trong tài liệu ông Mai Văn Huế cung cấp, có xác nhận của đồng chí Hoàng Anh, Lê Tự Đồng, Trần Hữu Dực cũng chỉ nói: “Ông Hồ Diễn (chủ nhà 95A) có công giúp đỡ cách mạng ở Thừa Thiên Huế và Ủy ban Hành chính Trung bộ về tài chính để mua vũ khí”, chứ không hề ghi có công đào hầm bí mật che giấu Đại tướng. “Cũng cần nói thêm rằng các tài liệu do ông Mai Văn Huế cung cấp không có bản chính, ông Mai Ngân và ông Mai Văn Huế là bà con họ hàng với nhau” - ông Hùng cho biết.

Nhân chứng không đảm bảo

Ở nguồn gặp gỡ các nhân chứng, ngày 13/10, Bảo tàng đã gặp trực tiếp và làm việc với bà Hồ Thị Xuân Mai (con ông Hồ Diễn, theo ông Mai Văn Huế cung cấp là mối tình của Đại tướng). Bà Mai hiện đang cư trú tại 69B Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Qua tìm hiểu, bà Mai không có chồng con, đang ở cùng với gia đình của người cháu ruột. Bà Mai đã già yếu không nhớ được điều gì từ nhiều năm nay.

Đại tá Mai Thạch Vân - nguyên điệp báo Ty công an Thừa Thiên 1945-1950, hiện cư trú tại 337/1 Lê Văn Sỹ, phường 1, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh - cho biết, trong thời gian làm việc tại Ty công an, ông chưa hề nghe đến căn hầm bí mật che giấu Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại căn nhà số 95A trên.

Tiếp tục làm việc với ông Lâm Bình - nguyên Trưởng công an Thừa Thiên Huế, người đã từng tham gia đội Điệp báo Thừa Thiên Huế trong kháng chiến chống thực dân Pháp cùng với ông Nguyễn Đình Bảy (tức Bảy Khiêm), hiện cư trú tại 51 Nguyễn Khuyến (TP Huế) cho biết: “Tôi có nghe báo chí đưa tin về căn hầm bí mật theo lời kể ông Mai Ngân – 85 tuổi, nguyên Điệp viên tình báo ban 2, ty công an Thừa Thiên Huê, Đội viên đội tuyên truyền xung phong Việt Minh Trung Bộ 1945-1946”.

Theo ông Lâm Bình, những lời kể của ông Mai Ngân không có cơ sở, vì lúc đó (1945) ông Mai Ngân chỉ là liên lạc viên mới 15 tuổi. Bảo tàng cần xem xét lại tinh thần cũng như trí nhớ của ông Mai Ngân trong thời điểm hiện tại.

Bảo tàng cũng đã làm việc với UBND phường Phú Hòa và phường Phú Cát nơi ông Mai Ngân đang cư trú, đều nhận được ý kiến cho rằng những lời khai của ông Ngân thiếu căn cứ.

“Những thông tin do ông Mai Văn Huế và ông Mai Ngân cung cấp một chiều, không có cơ sở khoa học, không có nguồn tài liệu trích dẫn rõ ràng; không có bằng chứng và nhân chứng lịch sử đáng tin cậy, nhất là của những người đã từng gần gũi, gắn bó với hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đảng bộ nhân dân Thừa Thiên Huế” – kết luận ở báo cáo xác minh thông tin căn hầm của Bảo tàng.

Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết thêm, việc ông Hồ Diễn có công với cách mạng, ủng hộ tiền bạc cho kháng chiến không đồng nghĩa với việc đào hầm nuôi giấu Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Sau cách mạng tháng Tám 1945, hưởng ứng “Tuần lễ vàng, tuần lễ đồng”, cũng đã có  nhiều gia đình ở TP Huế (trong đó có gia đình ông Hồ Diễn) và nhân dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhiệt tình đóng góp của cải tiền bạc cho cách mạng.

Cũng để làm rõ các nội dung trên, Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Thừa Thiên Huế đề xuất với Sở VH-TT&DL tỉnh, trước mắt lấy mẫu vật xây dựng (gạch, bê tông…) của căn hầm tiến hành thí nghiệm nhằm xác minh niên đại vật liệu xây dựng của căn hầm trong khoảng thời gian nào? Có đúng như các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa hay không?

Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu lưu trữ, tài liệu các nhân chứng đã từng tham gia hoạt động cách mạng trong giai đoạn 1945-1946 với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở Thừa Thiên Huế và TP Huế.

Sau khi có kết quả về tư liệu, căn cứ vào những nội dung tài liệu, hiện vật sưu tầm được, Bảo tàng sẽ tham mưu tổ chức buổi tọa đàm khoa học để xác minh cụ thể những vấn đề liên quan đến căn hầm bí mật của Đại tướng và Ủy ban Kháng chiến Việt Minh Trung Bộ trong thời kỳ chống thực dân Pháp.

Đại Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm