1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bé Hảo cần được điều trị về tâm lý

(Dân trí) - Sau 3 tháng vào Trung tâm bảo trợ chăm sóc người già và trẻ mồ côi Lộc Ninh, cháu bé bị mẹ ruột cắt gân - Nguyễn Thị Hảo - đã hồi phục sức khỏe. Nhưng, những biểu hiện về tâm lý của cháu thật đáng lo.

Hảo hay bất ngờ cắn xé
 
Bé Hảo cần được điều trị về tâm lý - 1
Cháu Hảo đã lành lặn với những vết thương nhưng cũng cần phải được điều trị về tâm lý.

Cách đây 10 ngày, PV Dân trí về Lộc Ninh để đón ngày đầu năm 2009 với cháu Hảo. Hảo vui mừng, quấn quýt không muốn rời. Cháu dắt chúng tôi ra chơi trò đua ngựa, cầu trượt… rồi tinh nghịch nhảy vào vòng tay mọi người mà bá cổ, cười giòn tan…

Hảo đã bắt đầu “có da có thịt”, mái tóc cũng dày và đen mượt, không còn lưa thưa, vàng óng và khét lẹt như ngày xưa. Cô Thanh Thủy, người mẹ nuôi của cháu ở Trung tâm cho biết: “Hảo ăn nhiều, ngủ cũng tròn giấc”.

Thế nhưng, chúng tôi thật sự băn khoăn khi chứng kiến có những lúc cháu có biểu hiện không bình thường. Hảo hay bất ngờ cắn, cấu xé và bốp chát vào mặt người khác. Hành động đó vượt qua sự tinh nghịch bình thường của một đứa trẻ.

Khi Hảo còn nằm điều trị ở BV Đa khoa Bình Phước, các bác sĩ từng nói với chúng tôi rằng: “Đứa trẻ có những sang chấn về tâm lý thì ít nhiều cũng biểu hiện trên nét mặt. Những nét cơ trên mặt cháu Hảo cũng rất đáng lo về thần kinh, tâm lý”. 

Những ngày đó, nhiều tấm lòng hảo tâm đã rất muốn được đón cháu Hảo về cưu mang. Thế nhưng, một giải pháp mà Sở LĐTB-XH tỉnh Bình Phước cho là tối ưu và hợp pháp chính là chuyển cháu Hảo vào Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ mồ côi Lộc Ninh (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước).

Trung tâm hiện có 25 cụ già và 15 trẻ em có hoàn cảnh bất hạnh, sống lang thang cơ nhỡ được thâu gom về. Trong trung tâm có không ít những em bị nhiễm chất độc da cam, bệnh Đao, bại não, tàn tật, có những em bị có những biểu hiện tâm thần…

Chúng tôi đau lòng chứng kiến cảnh em Lâm Tranh (người Khơ-me) bị cột vào một góc chân giường. Trên nền xi măng, Tranh lấy chiếc mùng trùm kín người rồi lừ lừ nhìn quanh. Cứ mỗi lần trời nắng nóng, Tranh lại lên cơn và đập đồ, quậy phá lung tung. Có lần, Tranh cầm đá ném suýt trúng đầu em Cao Văn Phong (15 tuổi, bị bệnh bại não). Trước những hành động như vậy, các cô chú ở đây buộc lòng phải xích Tranh lại. Một tháng, Tranh lên cơn “khùng điên” cũng vài lần.

Hai mảnh đời bất hạnh khác là Nguyễn Thị Thanh và Thi (còn gọi là Út) bị bỏ rơi từ Campuchia và được trung tâm nuôi. Dù đã hơn 25 tuổi rồi, nhưng cả hai chỉ lầm lì, có biểu hiện bệnh tâm thần.

Bé Hảo cần được điều trị tâm lý
 
Bé Hảo cần được điều trị về tâm lý - 2
Nét trầm tư trên gương mặt bé Hảo trong ngày đầu năm mới 2009.

Cách đây 3 tháng, trong một lần đến thăm Hảo và làm việc với Bệnh viện Đa khoa Bình Phước và Sở LĐTB-XH Bình Phước, bác sĩ Nguyễn Trọng An - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB-XH) yêu cầu sau khi chữa trị về thể chất cần điều trị tinh thần cho cháu Hảo. Bởi vì, các cháu bị bạo hành, sỉ nhục, xâm hại… sẽ có sự rối nhiễu về tâm lý ở mức độ nặng nhẹ khác nhau. Và Hảo không phải là trường hợp ngoại lệ.

Thế nhưng, sau khi chữa lành các vết thương, Hảo được chuyển một trung tâm chỉ có chức năng nuôi dưỡng người già, neo đơn và chăm sóc những trẻ em bất hạnh, lang thang cơ nhỡ. Như tâm sự của ông Lê Xuân Nẫm - Giám đốc Trung tâm: “Chúng tôi buộc lòng phải tiếp nhận những cháu có các biểu hiện không bình thường về tâm lý một cách bất đắt dĩ mà thôi. Nếu không nhận thì tội cho các cháu, nhưng nhận vào những cháu bị bệnh như thế này càng vượt quá trình độ chuyên môn và khả năng chăm sóc của chúng tôi”.

Trao đổi với Dân trí, ông Trần Hữu Quyền - Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Bình Phước cho rằng, vì cháu Hảo còn cha mẹ nên không thể cho người khác nhận làm con nuôi. Việc đưa cháu vào Trung tâm Lộc Ninh là để cháu hòa nhập với công đồng. Khi xét xử bà Mỳ xong, việc ai nhận nuôi cháu và số tiền các nhà hảo tâm ủng hộ cũng sẽ được tòa phán xét.

Chiều ngày 7/1, trao đổi qua điện thoại với PV, bác sĩ Nguyễn Trọng An cho biết: “Việc các cháu có biểu hiện tâm thần ở trại trẻ mồ côi thì cần tách các cháu ra chăm sóc riêng, không thể để lẫn lộn như vậy được sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến các cháu bình thường khác. Cháu Hảo đã khỏe mạnh nhưng chưa hẳn tinh thần đã ổn định. Tốt nhất, cháu cần được dạy dỗ trong lớp học và cần phải có một gia đình thay thế”.

Công Quang