1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Chủ xe máy phải đóng tiền phí kiểm định khí thải hàng năm?

Quốc Anh

(Dân trí) - Theo đề án kiểm soát khí thải xe máy giai đoạn 2022-2023, kiểm tra khí thải toàn bộ xe đang lưu hành với phí 50.000 đồng/xe/năm; miễn phí kiểm tra cho người dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

Thu phí kiểm định 50.000 đồng mỗi năm

Ngày 8/12, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tổ chức phản biện Đề án thí điểm kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố.

Theo đề án, tổng chi phí dự kiến để thực hiện đến năm 2030 là khoảng 553 tỷ đồng, được xây dựng theo hướng thu phí kiểm định 50.000 đồng/xe/năm. 

Nếu thực hiện kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy thì lượng khí thải giảm khoảng 60.000 tấn mỗi năm. Chất lượng môi trường không khí sẽ được cải thiện, đặc biệt là các khu vực xung quanh các trục đường chính của thành phố.

Chủ xe máy phải đóng tiền phí kiểm định khí thải hàng năm? - 1

Theo đề án, mức phí kiểm tra khí thải xe máy là 50.000 đồng/xe/năm

Để xây dựng đề án, Sở Giao thông vận tải phối hợp Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam kiểm tra, đo khí thải xe máy ở quận 1, 3, Phú Nhuận và Tân Bình hồi tháng 5/2020. Qua 6 tháng, hơn 10.600 xe được kiểm tra, phần lớn xe sau 5 năm sử dụng không đạt chuẩn khí thải.

Theo lộ trình đề án, năm 2021 sẽ đầu tư 88 trạm kiểm định và hệ thống lưu trữ dữ liệu. 

Năm 2022-2023 là giai đoạn thử nghiệm, hoàn thiện chính sách kiểm định xe máy; duy trì 88 trạm kiểm định; thực hiện kiểm tra khí thải toàn bộ xe đang lưu hành để xây dựng cơ sở dữ liệu khí thải xe máy và thu phí 50.000 đồng/xe/năm; miễn phí kiểm tra khí thải cho người dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo...

Tại quận 1, 3 và 5 cho phép xe có khí thải đạt mức 2 của TCVN6438-2018 được lưu thông, các xe vi phạm chỉ tiến hành phạt hành chính nhưng cho lưu thông.

Năm 2024-2025, đầu tư thêm 78 trạm kiểm định. Nâng mức tiêu chuẩn khí thải hơn mức quy định của TCVN6438-2018 (dựa trên dữ liệu khí thải xe đo được). Đồng thời, mở rộng vùng yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn khí thải các quận 1, 3, 5, 10, Tân Bình.

Thành phố bố trí kinh phí khoảng 200 tỷ đồng, từ năm 2024 trở đi thành phố sẽ không phải bỏ tiền ngân sách mà nguồn phí kiểm định khí thải xe máy thu được sẽ đủ để duy trì đề án, đồng thời nộp lại một phần kinh phí vào nguồn ngân sách thành phố. 

Số liệu chưa đủ tin cậy

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Phạm Xuân Mai (Đại học Bách khoa TPHCM) cho rằng kiểm soát khí thải là cần thiết; tuy nhiên số liệu đưa ra chưa đủ tin cậy. 

Thành phố có tổng lượng xe máy khoảng 10 triệu nên việc đo, lấy mẫu chỉ hơn 10.000 là quá ít, chưa đủ cơ sở đánh giá. Ông cho rằng cần lấy mẫu ít nhất từ 5-10% tổng số xe trên địa bàn.

Luật sư Trương Thị Hòa đề nghị Sở Giao thông vận tải cần cung cấp thông tin cho người dân nắm rõ công tác triển khai trong những năm qua ở các nước trên thế giới, tác dụng của kiểm định khí thải xe máy. 

Chủ xe máy phải đóng tiền phí kiểm định khí thải hàng năm? - 2

Ông Đỗ Văn Chung - Phó phòng Quản lý đô thị quận Bình Tân - phát biểu tại hội nghị.

Trong khi đó, ông Đỗ Văn Chung - Phó phòng Quản lý đô thị quận Bình Tân - cho rằng, người nghèo sẽ chịu tác động lớn khi kiểm soát khí thải xe máy do chủ yếu sử dụng xe cũ. Đóng phí kiểm định tạo thêm gánh nặng, gây xáo trộn đời sống của người dân. Ngoài ra, với hàng triệu xe máy hiện nay thì chỉ vài trăm cơ sở kiểm định thì khó đáp ứng.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Bùi Hòa An cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện đề án. 

Ông cho rằng ngoài việc cải thiện môi trường, mục tiêu của đề án còn từng bước giảm xe máy, hạn chế ùn tắc giao thông, tai nạn ở thành phố. 

Đến tháng 9/2020 TPHCM có hơn 7,4 triệu xe máy (chiếm 93% tổng lượng xe tại thành phố), chưa kể xe vãng lai.

Kết quả điều tra xã hội học cho thấy, tỷ lệ xe máy/1000 dân bình quân trên toàn thành phố đạt 539 xe/1000 dân. Tỷ lệ này giữa các quận trung tâm với các huyện ngoại thành không chênh lệch lớn: trong khu vực trung tâm là 547 xe/1000 dân, ngoại thành là 531 xe/1000 dân. 

Nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia... đã quy định về định kỳ kiểm tra khí thải không tải (Idling). Qua đó xe mô tô, xe gắn máy nếu không đáp ứng được tiêu chuẩn khí thải CO và HC thì phải bảo dưỡng, thay thế phụ tùng hoặc dừng sử dụng.

Việc này nhằm giảm sự ảnh hưởng của khí thải từ xe mô tô, xe gắn máy trong quá trình sử dụng tới môi trường không khí gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và biến đổi khí hậu.