1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chủ tịch TPHCM: Thủ Đức phải thu ngân sách cao hơn Quận 1

Quốc Anh

(Dân trí) - 2021, thành phố Thủ Đức được giao thu ngân sách hơn 8.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu thành phố phấn đấu thu hơn 10.000 tỷ đồng và tương lai phải thu được mức cao hơn Quận 1.

Chiều tối 27/3, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chủ trì hội nghị duyệt kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2021 của UBND TP Thủ Đức.

Chủ tịch TPHCM: Thủ Đức phải thu ngân sách cao hơn Quận 1 - 1

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức đề xuất nhiều cách làm mới để tăng thu ngân sách, phục vụ đầu tư phát triển trên địa bàn.

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, kỳ họp vừa qua, HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết giao chỉ tiêu cho thành phố năm 2021 phải thu ngân sách Nhà nước ở mức 8.327 tỷ đồng. Đây là con số tổng chỉ tiêu thu ngân sách của Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức trước đây.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng TP Thủ Đức phải phấn đấu thu ngân sách ở mức hơn 10.000 tỷ đồng chứ không phải là cộng 3 quận cũ để có con số hơn 8.300 tỷ đồng.

Theo ông Phong, dù được giao chỉ tiêu "khiêm tốn" nhưng TP Thủ Đức phải nghĩ tới mục tiêu cao hơn, từng bước nâng số thu ngân sách lên, trước hết là mức hơn 10.000 tỷ đồng cho năm nay. Chủ tịch TPHCM chỉ rõ, TP Thủ Đức có tiềm năng, quy mô lớn nên có khả năng thực hiện mục tiêu này, nếu có cơ chế đặc thù.

Và tương lai, TP Thủ Đức cần phấn đấu thu ngân sách Nhà nước cao hơn cả Quận 1 (Hiện, thu ngân sách trên địa bàn Quận 1 đạt mức 19.000 tỷ đồng - PV). Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, Thủ Đức cần làm thế nào để đến năm 2025 phải đóng 30% GRDP cho TPHCM.

Chủ tịch TPHCM: Thủ Đức phải thu ngân sách cao hơn Quận 1 - 2

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại cuộc làm việc.

Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM lưu ý Thủ Đức về công tác sắp xếp bộ máy nhân sự với yêu cầu tuyệt đối không làm ảnh hưởng cuộc sống người dân. Thành phố mới lập có 60 tháng để sắp xếp bộ máy nhân sự, cán bộ nhưng cần cố gắng cuối năm 2022 hoàn thành.

Ông Phong cũng lưu ý lãnh đạo thành phố mới tiếp tục lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cán bộ để giải quyết kịp thời, tuyệt đối không ảnh hưởng nhiệm vụ của các đơn vị, cơ quan.

Người đứng đầu chính quyền TPHCM cho biết đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với TP Thủ Đức xây dựng đề án về cơ chế đặc thù phát triển TP Thủ Đức, Với vấn đề vượt thẩm quyền thì bổ sung đề án để báo cáo ra Chính phủ, rồi trình Quốc hội.

"Chẳng hạn như vị trí Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, theo quy định thì chỉ có 3 nhưng bây giờ gộp 3 quận lại, công việc nhiều hơn mà lương thưởng vẫn như cũ là chưa phù hợp. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác phải giải quyết, đều cần sự khẩn trương. Giữa năm nay Quốc hội khóa mới hoạt động thì TPHCM sẽ báo cáo, đăng ký đưa đề án này vào chương trình làm việc", ông Phong nói.

Trong lúc chờ đợi cơ chế đặc thù, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Nội vụ, Sở Tư pháp phối hợp với TP Thủ Đức xác định nội dung có thể ủy quyền cho Thủ Đức tối đa để giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu phê duyệt quy hoạch Thủ Đức chậm nhất là cuối quý 3/2021 để kêu gọi đầu tư phát triển. Đồng thời, các bên liên quan phối hợp giải quyết những tồn đọng ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu Công nghệ cao.

Chủ tịch TPHCM: Thủ Đức phải thu ngân sách cao hơn Quận 1 - 3

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Thủ Đức cho rằng thành phố mới cần cơ chế phù hợp để phát triển, tăng thu ngân sách Nhà nước.

Nói về chỉ tiêu thu ngân sách, Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Thủ Đức tự tin cho rằng, chỉ cần có cơ chế phù hợp, thành phố mới có khả năng thu được trên 10.000 tỷ đồng.

Sắp tới, Thủ Đức sẽ có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Những dự án lớn từ 1-2 tỷ USD sẽ tạo điều kiện cho dịch vụ khác phát triển.

"Ngoài ra, những dịch vụ chất lượng cao của TPHCM sắp tới sẽ có mặt ở TP Thủ Đức như nghỉ dưỡng, mua sắm, hội nghị, du lịch kết hợp giải trí. Du lịch văn hóa tâm linh Thủ Đức cũng có lợi thế với hơn 400 cơ sở tín ngưỡng tôn giáo", ông Hiếu nói.

Thu 1.000 tỷ đồng từ bán đấu giá trụ sở

Tại buổi làm việc, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, đến nay, thành phố đã hoàn tất sắp xếp bộ máy nhân sự, trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, đảm bảo giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

UBND TP Thủ Đức cũng đề xuất cách làm mới để tăng tính chủ động của địa phương, qua đó tăng tầm vóc về quy mô kinh tế, ngân sách và đóng góp ngày càng nhiều hơn cho TPHCM.

Theo đó, UBND TP Thủ Đức đề xuất phân cấp cho địa phương được chủ động sử dụng 100% nguồn thu được từ bán đấu giá tài sản, trụ sở công sản dôi dư sau khi sắp xếp do TP Thủ Đức quản lý dùng làm nguồn đầu tư phát triển hạ tầng.

Đồng thời, kiến nghị phân cấp cho UBND TP Thủ Đức được chủ động sử dụng 50% nguồn thu được từ bán đấu giá tài sản, trụ sở công sản do TPHCM quản lý nằm trên địa bàn theo Nghị định 167/2017 và giao thẩm quyền cho địa phương chủ động triển khai các dự án từ nguồn thu này.

Dự kiến, TP Thủ Đức sẽ dùng nguồn thu này dùng cho phát triển hạ tầng và thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tạo nguồn đất sạch để kêu gọi đầu tư dự án mới.

Qua rà soát, TP Thủ Đức xác định có 29 địa chỉ nhà đất dôi dư, không có kế hoạch và nhu cầu sử dụng cho các công trình công cộng, phúc lợi xã hội do địa phương quản lý với tổng diện tích 21.520m2. Nếu được UBND TPHCM chấp thuận chủ trương, dự kiến năm 2023 sẽ hoàn tất công tác bán đấu giá quyền sử dụng đất với số tiền thu được khoảng 1.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, UBND TP Thủ Đức cũng kiến nghị phân cấp để lại 50% nguồn thu từ tiền sử dụng đất để có thêm nguồn phát triển. Đồng thời, đề xuất chọn TP Thủ Đức làm thí điểm tỷ lệ phần trăm điều tiết ngân sách được hưởng là 23% đối với thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh về ngân sách địa phương.

Đây sẽ là cơ sở để chứng minh cho luận điểm tăng tỷ lệ trích ngân sách cho TP Thủ Đức để có điều kiện tăng thu ngân sách cho TPHCM và cho đất nước như đề án mà TPHCM đang trình Trung ương.