Chủ tịch TPHCM: Loại bỏ suy nghĩ chuyển tất cả đất nông nghiệp thành đô thị

Q.Huy

(Dân trí) - Ông Phan Văn Mãi yêu cầu huyện Củ Chi cùng các bên liên quan loại bỏ suy nghĩ chuyển toàn bộ đất nông nghiệp thành đất đô thị để phục vụ phát triển.

Tại buổi làm việc với huyện Củ Chi ngày 19/8, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, tiếp tục nhắc đến đề án chuyển một số huyện lên quận hoặc thành phố trực thuộc TPHCM. Ông cũng lưu ý địa phương về việc quản lý trật tự đất đai, xây dựng, tránh tình trạng chưa xúc tiến được đầu tư thì giá đất đã lên từng xảy ra.

Người đứng đầu chính quyền thành phố nhấn mạnh, việc chuyển các huyện lên quận hoặc thành phố cần thêm nhiều thời gian nghiên cứu, đánh giá. Việc nâng cấp các huyện ngoại thành cần có cơ sở thực tiễn và lý lẽ phù hợp, chưa thể nói trước kết quả cuối cùng.

Huyện lên quận, hay lên thành phố phù hợp hơn?

Chủ tịch UBND TPHCM lật lại vấn đề, chủ chương đưa một số huyện lên quận hoặc thành phố nhằm thực hiện chủ trương trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ này. Tuy nhiên, Nghị quyết Đại hội chỉ nói đến việc phấn đấu đưa huyện Cần Giờ lên thành phố, còn các huyện ngoại thành khác thì chưa.

Chủ tịch TPHCM: Loại bỏ suy nghĩ chuyển tất cả đất nông nghiệp thành đô thị - 1

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì buổi làm việc (Ảnh: H.Q.).

Qua quá trình nghiên cứu, thành phố nhận thấy phương án chuyển các huyện lên thành phố sẽ có cơ sở hơn. Bởi nếu chuyển huyện thành quận, các xã hiện có đều phải lên phường. Trong khi đó, thành phố trực thuộc TPHCM có thể tồn tại một số phường và một số xã.

Về định hướng phát triển, ông Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM đã tập trung phát triển khu vực trung tâm trong giai đoạn trước đây, hay nói cách khác là dư địa phát triển vùng nội đô không còn. Do đó, địa phương cần phát triển theo hướng đa trung tâm, hướng ra các vùng ngoại vi.

"Khu vực Tây Bắc thành phố không chỉ có huyện Củ Chi, chúng ta không nên có tư duy chỉ có huyện Củ Chi độc lập lên thành phố trong tương lai. Huyện Củ Chi có thể hợp lại với một phần của huyện Hóc Môn, hay một phần của quận 12 để trở thành trung tâm mới của TPHCM", Chủ tịch UBND TPHCM phân tích.

Làm rõ hơn quan điểm này, ông Phan Văn Mãi nêu rõ, huyện Củ Chi trong tương lai sẽ không chuyển lên thành phố một mình mà là một phần của cụm đô thị, vùng đô thị. Ngoài TP Thủ Đức là đô thị trung tâm phía đông, TPHCM còn các vùng đô thị tại phía Nam và phía Tây Bắc trong tương lai. 

Mỗi đô thị của TPHCM nằm ở từng phía cần thể hiện rõ vai trò với các tỉnh, thành lân cận. Trong đó, huyện Củ Chi cần phát triển với lợi thế về địa lý có sông Sài Gòn chảy qua, tiếp giáp với tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Dương.

Loại bỏ suy nghĩ chuyển tất cả đất nông nghiệp thành đô thị

Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, hiện tại, huyện Củ Chi còn hơn 61% diện tích đất nông nghiệp. Tuy nhiên, ông Phan Văn Mãi yêu cầu huyện cùng các bên liên quan loại bỏ suy nghĩ chuyển toàn bộ đất nông nghiệp thành đất đô thị để phục vụ phát triển.

"Chúng ta cần tính toán việc nông nghiệp sẽ chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong nền kinh tế và đất nông nghiệp cần giữ lại bao nhiêu, chuyển sang mục đích khác bao nhiêu nhằm phù hợp mục tiêu phát triển. Tôi xin nhắc lại, việc chuyển mục đích đất nhằm tạo ra các giá trị lớn hơn, không phải từ giá trị bất động sản", ông Phan Văn Mãi lưu ý.

Chủ tịch TPHCM: Loại bỏ suy nghĩ chuyển tất cả đất nông nghiệp thành đô thị - 2

Huyện Củ Chi sẽ thành một phần của cực phát triển phía Tây Bắc TPHCM (Ảnh: P.N.).

Để làm được điều đó, công tác quy hoạch của huyện Củ Chi cần được thực hiện hài hòa, ưu tiên sử dụng công năng sinh thái, hạ tầng xã hội. Trong tương lai, dân cư của huyện Củ Chi chắc chắn sẽ tăng lên, nhưng tư duy làm đô thị tại địa phương này là điều cần bàn bạc kỹ.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, cho biết, huyện Củ Chi có nhiều điểm thuận lợi bởi nhiều đất trống, địa hình cao, không bị ngập lụt. Trong quá trình xây dựng quy hoạch chung giai đoạn mới, những chức năng TPHCM đang thiếu sẽ được bố trí tại Củ Chi và các huyện ngoại thành.

"Cây xanh, công trình công cộng, hạ tầng tiện ích mà thành phố đang thiếu sẽ được tập trung bố trí tại đây. Với việc đến năm 2060, thành phố tăng thêm từ 3-4 triệu dân, TPHCM sẽ bố trí tỷ lệ lớn để phục vụ người dân sinh sống, làm việc tại huyện Củ Chi. Dư địa phát triển đô thị, phát triển sinh thái tại huyện sẽ còn nhiều", ông Nguyễn Thanh Nhã khẳng định.