Chưa có dấu hiệu "sốt đất ảo" khi 3 huyện của TP.HCM được đề xuất lên quận

Đại Việt

(Dân trí) - Thông tin trên được chuyên gia ngành bất động sản tại TP.HCM chia sẻ với Dân trí khi huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè được đề xuất lên quận trong tương lai.

Chưa có dấu hiệu sốt đất ảo khi 3 huyện của TP.HCM được đề xuất lên quận - 1

Bình Chánh là một trong 3 huyện được đề xuất lên quận trong giai đoạn từ 2021 - 2025 (Ảnh: Đại Việt).

Theo đề án của Sở Nội vụ TP.HCM, 3 huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè sẽ được chuyển thành quận trong giai đoạn 2021 - 2025 (hoặc thành lập thành phố thuộc TP.HCM).

Giai đoạn 2025 - 2030, 2 huyện còn lại là Củ Chi và Cần Giờ sẽ được chuyển thành quận (hoặc thành lập thành phố thuộc TP.HCM).

Chia sẻ với Dân trí, ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam, cho biết, 3 huyện là Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè sẽ lên quận sẽ là một trong những lực đẩy để thị trường bất động sản tiếp tục sôi động trong thời gian tới. Nhìn xa hơn, các huyện dự kiến lên quận sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị tại địa phương cũng như toàn bộ TP.HCM.

"Đến nay, chúng tôi chưa thấy dấu hiệu sốt đất ảo như khi có thông tin huyện Bình Chánh được nâng cấp lên quận cách đây 2 năm. Ngoài ra, đây cũng mới chỉ là đề xuất của Sở Nội vụ TP.HCM, chưa có phê duyệt và tiến độ cụ thể nên việc sốt đất ảo chưa xảy ra. Mặt khác, do hiện tượng sốt đất tại Hớn Quản (Bình Phước) và một số địa phương khác đã khiến người dân có tâm lý dè dặt hơn", ông Hoàng nói.

Chưa có dấu hiệu sốt đất ảo khi 3 huyện của TP.HCM được đề xuất lên quận - 2

Ông Nguyễn Hoàng, chuyên gia bất động sản tại TP.HCM (Ảnh: Đ.V).

Cũng theo ông Hoàng, thực tế cho thấy, thị trường bất động sản tại huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè từ lâu đã khá sôi động. Tốc độ đô thị hóa của 2 huyện này cao hơn nhiều so với huyện Hóc Môn. Lý do là Bình Chánh và Nhà Bè sở hữu vị trí chiến lược, hạ tầng giao thông kết nối và định hướng phát triển kinh tế xã hội tốt… tạo ra những yếu tố thuận lợi cho địa phương. 

"Bình Chánh là huyện đông dân nhất, vị trí tiếp giáp trải dài từ phía Nam đến phía Tây, có hệ thống giao thông huyết mạch và là cửa ngõ về miền Tây. Ngoài ra, hoạt động kinh tế, giao thương của Bình Chánh cũng rất sôi động và đa dạng", ông Hoàng chia sẻ.

Về huyện Nhà Bè, ông Hoàng nhận định huyện này có diện tích nhỏ nhất và quy mô dân số không quá cao, vị trí cửa ngõ về phía Nam của TP.HCM. Cũng như Bình Chánh, Nhà Bè có hệ thống hạ tầng giao thông huyết mạch, quy hoạch các khu đô thị và hoạt động kinh tế, sản xuất kinh doanh sôi động như cảng Hiệp Phước, các khu công nghiệp, khu đô thị…

Nói về làn sóng đầu tư về các huyện tương lai sẽ lên quận ở TP.HCM, ông Hoàng cho biết, các doanh nghiệp có tầm nhìn xa đã chuẩn bị đầu tư ở các khu vực này từ trước.

Với lộ trình lên quận được đề xuất, người dân, doanh nghiệp có thể hi vọng thêm sự đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước và chính quyền TP.HCM cho các khu vực này như hạ tầng giao thông, công trình xã hội, cơ chế chính sách và quản lý hành chính…

"Yếu tố quy hoạch và quỹ đất chắc chắn sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư ngành bất động sản đến đầu tư nhiều hơn, săn tìm quỹ đất nhiều hơn. Bất động sản nhà ở, nhà gắn liền với đất hay căn hộ đều có thể là lựa chọn của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề tùy thuộc vào chỉ số quy hoạch và mức độ tập trung dân cư sẽ như thế nào", ông Hoàng nói.

Chưa có dấu hiệu sốt đất ảo khi 3 huyện của TP.HCM được đề xuất lên quận - 3

Việc huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn lên quận sẽ là "lực đẩy" rất tốt cho ngành bất động sản (Ảnh: Đại Việt).

Ông cũng khuyên các nhà đầu tư cá nhân nên hết sức cẩn trọng với những chiêu trò của cò đất, đầu nậu, môi giới không chuyên nghiệp. Những thông tin không minh bạch hoặc cố ý gian lận thường được tung ra để người dân mua nhầm đất vướng quy hoạch, đất có pháp lý ko rõ ràng, đất tranh chấp hoặc đất có giá cả bị đẩy cao không đúng…

Theo ông Hoàng, nếu có ý định tìm mua nhà đất tại các khu vực tương lai lên quận thì trước hết, người dân phải tìm hiểu tính pháp lý của bất động sản muốn mua, các vấn đề liên quan như quy hoạch, giao thông đường xá… Người dân có thể tham khảo những thông tin này tại cơ quan chức năng địa phương.

Theo ghi nhận của Dân trí, giá đất thổ cư tại một số xã của huyện Hóc Môn như Thới Tam Thôn, Đông Thạnh, Tân Xuân đang dao động 25 - 45 triệu đồng/m2.

Giá đất thổ cư tại các xã thuộc huyện Nhà Bè dao động 16 - 55 triệu đồng/m2. Giá đất thổ cư tại các xã thuộc huyện Bình Chánh là khoảng 20 - 92 triệu đồng/m2. Đặc biệt, tại khu dân cư Trung Sơn, huyện Bình Chánh (giáp trung tâm TP.HCM) giá đất thổ cư đã chạm ngưỡng 88 - 217 triệu đồng/m2 nhờ vị trí đắc địa.

Nghiên cứu của DKRA Việt Nam cho thấy giá đất tại các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn đã tăng 2 - 5% so với thời điểm cuối năm 2020.