1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chủ tịch TPHCM: Không chủ quan với Covid-19, đề phòng nguy cơ "vỡ trận"

(Dân trí) - Chủ tịch UBND TPHCM cảnh báo "không được ngủ quên trên chiến thắng" trong chống dịch Covid-19. Ông lo ngại nếu số ca nhiễm vượt qua giới hạn đỏ - 1.000 ca - thành phố sẽ bị "vỡ trận".

Tại cuộc họp phòng chống dịch Covid-19 diễn ra chiều tối 25/2, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, tình hình dịch bệnh đang diễn phức tạp, tâm điểm dịch ở Trung Quốc nay đã sang Hàn Quốc. Ông Phong nhắc lại câu chuyện lây nhiễm của ca số 31 tại Hàn Quốc để nhấn mạnh sự lây lan mạnh của dịch bệnh Covid-19.

"Cần biện pháp quyết liệt hơn nữa, không lơ là, chủ quan, cần có kịch bản ứng phó. Không được ngủ quên trên chiến thắng ở giai đoạn 1 (tức điều trị khỏi cho 3 ca nhiễm)", ông Phong nhấn mạnh.

Chủ tịch TPHCM: Không chủ quan với Covid-19, đề phòng nguy cơ vỡ trận - 1

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong lo ngại nếu vượt qua 1.000 ca nhiễm Covid-19, thành phố sẽ bị "vỡ trận"

Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP, cho biết, hiện nay có 28.680 người lao động đến từ 11 quốc gia, 2 vùng lãnh thổ đến làm việc tại thành phố. Trong đó, chuyên gia là hơn 24.000 người, còn lại là nhà quản lý, lao động kỹ thuật, giám đốc điều hành...

Các quốc gia có đông lao động làm việc tại TPHCM là Hàn Quốc (4.626 người tại 2.030 doanh nghiệp), Trung Quốc (2.399 người làm việc ở 741 doanh nghiệp), Đài Loan (Trung Quốc - 1794 người làm việc tại 541 doanh nghiệp) và Nhật Bản (3.672 người làm việc tại 1.586 doanh nghiệp).

Theo ông Tấn, riêng lao động Hàn Quốc được cấp phép tại thành phố trong tháng 1 đến 24/2 là 406 người, dự kiến doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động trong tháng 3 đến tháng 5 là 480 người.

"Việc này Bộ Lao động chỉ đạo cấp phép lao động bình thường nhưng hiện nay Sở kiến nghị tạm ngừng cấp phép lao động từ Hàn Quốc tại 2 tỉnh đang có dịch và Bộ chưa trả lời", ông Tấn thông tin.

Cũng theo ông Tấn, lao động Nhật Bản làm việc tại thành phố trong tháng 1, 2 là 275 người, dự kiến tháng 3 đến tháng 5 là 800 người. 

Ở chiều ngược lại, TPHCM có gần 40.500 lao động đi làm việc ở Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc, trong đó, cao nhất là ở Nhật Bản với hơn 33.600 người.

Chủ tịch TPHCM: Không chủ quan với Covid-19, đề phòng nguy cơ vỡ trận - 2

Phó Chủ tịch UBND quận 7 Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết có hơn 11.000 người Hàn Quốc trên địa bàn 

Báo cáo tại cuộc họp, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Chủ tịch UBND quận 7 cho biết, quận có hơn 11.000 người Hàn Quốc đăng ký tạm trú, lưu trú. Quận cũng có 1 trường Hàn Quốc với 54 giáo viên và hơn 1.900 học sinh người Hàn Quốc; 126 doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc, 189 doanh nghiệp trên địa bàn sử dụng lao động, chuyên gia người Hàn Quốc...

Về kiểm soát dịch Covid-19, bà Hiếu cho biết địa phương đã làm việc với Ban quản trị tại 97 chung cư trên địa bàn, đặc biệt kiểm soát người ra vào chung cư, đo thân nhiệt, tập huấn cho lực lượng bảo vệ, tạp vụ để thực hiện công tác kiểm dịch trên địa bàn. 

Quận 7 có 146 trường hợp được cách ly theo dõi. Đến chiều 25/2 chỉ còn 14 trường hợp còn trong thời gian giám sát 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh. 

"Ở khu cách ly tập trung thì có 13 trường hợp tự nguyện vào để được theo dõi, trong đó có chuyên gia Trung Quốc. Đến nay chỉ còn 5 trường hợp đang được giám sát", bà Hiếu nói.

Chủ tịch TPHCM: Không chủ quan với Covid-19, đề phòng nguy cơ vỡ trận - 3

Hành khách được kiểm tra y tế tai chốt kiểm soát virus corona ở sân bay Tân Sơn Nhất

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, hiện nay thành phố chuẩn bị 900 giường bệnh phục vụ cách ly điều trị. Nếu trường hợp xảy ra lây nhiễm lớn thì thực sự quá tải, số giường bệnh như vậy không đủ.

"Mỗi ca nhiễm bệnh cần trung bình 20 ngày điều trị. Một ca nhiễm cần 12 bác sỹ, điều dưỡng chăm lo. Nếu tính 1.000 người bị nhiễm thì tìm đâu ra 12.000 bác sĩ, nhân viên y tế chăm sóc, điều trị? Nếu vượt qua ngưỡng giới hạn đỏ này là bị vỡ trận", ông Phong cảnh báo.

Ông đề nghị các sở ngành tiếp tục thực hiện một số giải pháp như: tăng cường kiểm tra giám sát các trường hợp nhập cảnh từ vùng dịch, trường hợp cách ly thì phải đưa vào bệnh viện dã chiến; đối với các quận, huyện có nhiều người Hàn Quốc sinh sống phải tăng cường giám sát; hoãn các lễ hội đông người, trường hợp tổ chức phải báo cáo UBND TP...

"Tạm thời ngừng cấp giấy phép cho lao động nước ngoài đến từ vùng dịch. Nếu cấp rồi thì khi quay lại làm việc phải tăng cường kiểm tra, giám sát, cách ly chặt chẽ", ông Phong nhấn mạnh. 

Ông Lê Minh Tấn cũng thông tin thêm về tình hình lao động Trung Quốc làm tại thành phố. Sau khi về nước ăn Tết, có 1.116 người (không có người từ tỉnh Hồ Bắc) đã quay lại Việt Nam và được cách ly 14 ngày theo quy định, đến nay đã trở lại lao động bình thường.

 Quốc Anh