1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chủ tịch tỉnh Yên Bái cam kết bảo đảm quyền lợi cho các nhà giáo

Cuộc đối thoại trực tiếp ngày 25/1 giữa Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái với hàng trăm thầy, cô giáo vụ 80 giáo viên ở huyện Yên Bình bỗng dưng bị đẩy khỏi biên chế đã đi đến kết luận hợp tình, hợp lý: Xử nghiêm cán bộ sai phạm, đảm bảo quyền lợi cho các nhà giáo.

 

Hơn 200 giáo viên huyện Yên Bình trong buổi đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái.

Hơn 200 giáo viên huyện Yên Bình trong buổi đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái.

 

Sau khi báo Lao Động có chùm bài dài kỳ “Yên Bình dậy sóng” với “Những trang giáo án thảm sầu” phản ánh việc 212 giáo viên bị tuyển thừa ở huyện Yên Bình, trong đó 80 giáo viên bỗng dưng bị đẩy khỏi biên chế một cách oan ức, vô lý, ngày 25/1, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Cường có cuộc đối thoại thẳng thắn với 212 giáo viên trên và cam kết bảo đảm mọi chế độ chính sách cho họ.

 

Những tiếng khóc trong hội nghị

 

Cuộc đối thoại là lúc mà quá nhiều vô lý của một địa phương để cho “quan sở tại” cùng các cán bộ giáo dục thoái hóa biến chất “làm càn”... được phơi bày. Có lẽ, đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng, nhưng ngần ấy đã đủ để cuộc đối thoại thấm đẫm nước mắt từ đầu đến cuối. Nước mắt từ màn điểm danh mà ông Phạm Duy Cường yêu cầu phải có “vì các thầy cô vẫn làm việc này (điểm danh) hằng ngày với học sinh của mình mà”.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, ông Phạm Duy Cường trong cuộc đối thoại.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, ông Phạm Duy Cường trong cuộc đối thoại.

 

Lúc đầu, không một nhà giáo nào dám đứng lên phát biểu. Ban tổ chức phải chỉ định lãnh đạo huyện, yêu cầu chỉ định các trường lần lượt mời giáo viên lên tiếng rồi mời đích danh các cán bộ đầu ngành đứng ra giải đáp. Chủ tịch và Phó Chủ tịch tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cùng lãnh đạo huyện có mặt đầy đủ.

 

Những tiếng khóc xé lòng

 

Cô giáo Thu sụt sịt: Họ ép giáo viên ký hợp đồng để hủy biên chế, không ký thì họ sẽ không phân công công việc, không trả lương, “cá nhân tôi đến ký rất muộn, phải ký vì không làm giáo viên thì tôi không thể biết làm gì khác để sống”, “xin hãy trả lại biên chế cho tôi, tôi vô tội”.

 

Cô giáo Lê Thị Lan quả quyết: "Cái sai, cái tuyển thừa do lãnh đạo làm ra, giáo viên chúng tôi không có tội gì, xin hãy giữ lại biên chế cho chúng tôi".

 

Một cô giáo khác thì khóc: "Tôi xin chuyển lời của bố tôi đến hội nghị, bố tôi là thương binh, bệnh binh, bố đã cống hiến xương máu cho tổ quốc, sao các vị bây giờ đối xử với con gái ông như vậy?".

 

Cô giáo Triệu Thị Hương khóc suốt 10 phút, giọng đọc của cô đứt quãng, cào xé: “Xin cán bộ hãy thực hiện lời hứa, sau khi tôi ký văn bản rời khỏi biên chế, thì chế độ của tôi bị cắt mất tiền thu hút. Tôi dạy cách nhà 20km, chồng tôi dạy cách nhà 37km, con tôi tàn tật, cháu nhỏ không ai trông coi, tôi biết sống làm sao bây giờ?".

 

Rất nhiều ý kiến nói về cái vô lý: Tự ý chuyển giáo viên từ trường thừa ít sang trường... thừa nhiều; người bao năm cống hiến ở vùng cao Mù Căng Chải vừa về thì tiếp tục bị đẩy đi “lam sơn chướng khí”, người vừa vào làm thì nghiễm nhiên ở trường trung tâm. Có người học Đại học Thể dục Thể thao, bỗng dưng bị chuyển làm nhân viên dinh dưỡng, mà không được dạy học... Có người đi dạy cách nhà 80km, lương đến tận bây giờ vẫn chỉ khoảng 1 triệu đồng.

 

Sẽ đảm bảo mọi quyền lợi cho các nhà giáo!

 

Sau khi Giám đốc Sở GDĐT, Giám đốc Sở Nội vụ giải thích các vấn đề giáo viên đặt ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các hiệu trưởng, hiệu phó bị kỷ luật trong vụ việc đứng lên “trình bày”. Một nhà giáo, lãnh đạo Trường Bạch Hà nói rằng, vụ việc liên quan đến lỗi lầm của vị này chẳng qua là “tai nạn nghề nghiệp”, đã bị nhiều đại biểu “la ó phản đối”.

 

Tại cuộc đối thoại, nhóm giáo viên, sinh viên cũ của Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nga - ĐHNN, ĐHQG Hà Nội, thông qua Báo Lao Động, đã trực tiếp trao tặng 40 triệu đồng cho các nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn liên quan đến việc “tuyển thừa” gây xôn xao dư luận kể trên.

 

Theo nguồn tin riêng của Báo Lao Động, đối tượng Nguyễn Thị Thu Phượng - một mắt xích trong “đường dây chạy biên chế” trên - đã bị bắt giam. Phó ban Phòng, chống tham nhũng tỉnh Yên Bái - người liên quan đến vụ việc - đã bị điều chuyển công tác. Một số hiệu trưởng, hiệu phó cũng đã bị kỷ luật.

Cuối buổi đối thoại, kết luận của Chủ tịch tỉnh Yên Bái đã bước đầu làm các nhà giáo hài lòng. Theo đó, hủy quyết định tuyển dụng 80 giáo viên mầm non mà huyện ký sai, các nhà giáo sẽ “ký hợp đồng dài hạn”, được ổn định công việc tại đơn vị cũ; được đảm bảo mọi chế độ, chính sách và quyền lợi hiện hưởng theo quy định của Nhà nước (được xếp mức lương như viên chức ngạch giáo viên mầm non, được nâng lương, phụ cấp, đề bạt, chế độ thai sản...). “Được đảm bảo công tác lâu dài như hợp đồng làm việc không xác định thời hạn”. “Đối với 39 giáo viên tiểu học và trung học cơ sở đã tiếp nhận tuyển dụng sai quy định thì cho phép ở lại, giữ nguyên các chính sách, chế độ, quyền lợi và bố trí vào số biên chế đã giao của huyện Yên Bình”.

 

“Huyện sẽ rà soát xem các trường chưa là dân tộc bán trú mà có từ 30 học sinh thuộc đối tượng bán trú trở lên, thì bố trí giáo viên, nhân viên (đang bị thừa hiện nay) về làm nhiệm vụ. Họ được giữ nguyên lương và chế độ theo quy định”. “Còn số giáo viên và nhân viên “thừa” còn lại, sẽ được đưa đến các trường dự kiến có giáo viên, nhân viên nghỉ hưu trong năm 2013 và những năm tiếp theo...”.

 

Vậy là, bước đầu, những gì mà loạt bài phóng sự của báo Lao Động nêu ra, kiến nghị, đã được UBND tỉnh Yên Bái tiếp thu, thực hiện. Quyền lợi của các nhà giáo bị tuyển thừa và ứng xử vô lý đã được đảm bảo. UBND tỉnh Yên Bái cũng nêu rõ: Việc tuyển thừa một lúc 212 giáo viên kia là vi phạm pháp luật, là lợi dụng chính sách với “hành vi rất xấu và động cơ rất xấu”. Những người liên đới đã bị xử lý và sẽ bị xử lý nghiêm minh sau khi cơ quan điều tra quyết liệt vào cuộc, bất kể họ là ai. Tỉnh hứa sẽ xử lý nghiêm, rút kinh nghiệm “để còn làm gương cho các huyện, thị khác”!   

 

Các nhà giáo lên tiếng đầy bất bình và nước mắt.


Các nhà giáo lên tiếng đầy bất bình và nước mắt.


Các nhà giáo lên tiếng đầy bất bình và nước mắt.

Các nhà giáo lên tiếng đầy bất bình và nước mắt.

Toàn cảnh buổi đối thoại chưa từng có trong lịch sử tỉnh Yên Bái.

Toàn cảnh buổi đối thoại "chưa từng có trong lịch sử tỉnh Yên Bái".

Toàn cảnh buổi đối thoại chưa từng có trong lịch sử tỉnh Yên Bái.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, đại diện Báo Lao Động trong lễ trao 40 triệu đồng từ độc giả Lao Động giúp đỡ các nhà giáo khó khăn bị "tuyển thừa".

 

Theo Đỗ Doãn Hoàng
 
Lao động