1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chủ tịch tỉnh chịu trách nhiệm nếu người dân không có nước sinh hoạt

Hà Mỹ

(Dân trí) - Trước nguy cơ khô hạn, xâm nhập mặn kéo dài ở Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng người dân không có nước sinh hoạt.

Nội dung được nêu rõ trong công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc tập trung bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân trong các đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long, ban hành ngày 8/4.

Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, từ nay đến giữa tháng 5, Đồng bằng sông Cửu Long có thể xuất hiện 3 đợt xâm nhập mặn, nguy cơ thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt của người dân, nhất là tại khu dân cư trên các cù lao.

Để bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, chủ động ứng phó với các đợt xâm nhập mặn thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các bộ liên quan cùng Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long không được lơ là, chủ quan.

Trong đó, địa phương tập trung tổ chức rà soát, nắm chắc thông tin tình hình về từng khu vực, từng ấp, xóm, từng hộ dân trên địa bàn có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt, nhất là vùng ven biển, cuối nguồn cấp nước, khu dân cư trên các cù lao.

Việc rà soát nhằm có phương án cụ thể phù hợp bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân, kiên quyết không để người dân không có nước sinh hoạt.

Chủ tịch tỉnh chịu trách nhiệm nếu người dân không có nước sinh hoạt - 1

Nắng nóng, xâm nhập mặn, khô hạn kéo dài, người dân xã Gia Thuận (tỉnh Tiền Giang) phải xếp hàng chờ lấy nước ở vòi nước công cộng vào ban đêm đầu tháng 4 (Ảnh: CTV).

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu tổ chức rà soát nguồn nước ngọt dự trữ trên địa bàn để có phương án cân đối, điều hòa nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất phù hợp thực tế tại từng địa bàn.

Trường hợp không thể đáp ứng đủ các nhu cầu dùng nước, địa phương phải ưu tiên sử dụng nguồn nước ngọt phục vụ cấp nước cho sinh hoạt của người dân và các nhu cầu thiết yếu khác.

Lãnh đạo các tỉnh, thành phố chủ động bố trí ngân sách của địa phương và huy động nguồn tài chính hợp pháp khác để triển khai ngay biện pháp cần thiết, phù hợp với tình hình cụ thể nhằm bảo đảm nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho người dân.

Công điện nhấn mạnh Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để xảy ra tình trạng người dân không có nước sinh hoạt.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng theo dõi sát diễn biến, dự báo, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long. 

Công tác dự báo nhằm hỗ trợ cơ quan chức năng, địa phương và người dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó phù hợp, tránh hoang mang, không để xảy ra bị động, bất ngờ.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp cụ thể phòng, chống thiếu nước, xâm nhập mặn, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống người dân cũng như sản xuất nông nghiệp.

Các bộ, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước được giao chủ động chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương ứng phó với nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm đời sống người dân.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, nhất là tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long triển khai công tác ứng phó phù hợp với tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), mùa mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng đến muộn. Tổng lượng mưa trong tháng 5 ở các khu vực trên nguy cơ thiếu hụt 15-30% so với trung bình. 

Thời gian tới, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng tiếp tục ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và hơn năm 2023.

Từ nay đến hết mùa hạn mặn, khu vực có thể hứng chịu 3 đợt xâm nhập mặn, tập trung trong các ngày: 8-13/4, 22-28/4 và 7-11/5.