1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chủ tịch Quốc hội: Toà giữ cán cân công lý, không thể từ chối người dân

(Dân trí) - Chiều 17/8, phiên thảo luận tại UB Thường vụ Quốc hội “nóng” với một quy định thể hiện trong dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) là Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng (khoản 2 Điều 4).

 

nguyen-sinh-hung-2-ed592
Chủ tịch Quốc hội: "Pháp lý nào thì cũng phải tuân theo lẽ phải".

Giải thích về quy định này, Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, chủ trương mở rộng thẩm quyền xét xử của toà án như điều khoản này là bước chuyển quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, cần nghiên cứu hết sức thận trọng để bảo đảm phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Ông Hiện cho rằng nội dung này bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về toà án thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý. Khi chưa có điều luật cụ thể để áp dụng thì Tòa án áp dụng nguyên tắc chung của Luật, án lệ, nguyên tắc tương tự pháp luật và lẽ công bằng để giải quyết.

Tuy nhiên, ông Hiện cũng bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của quy định. “Anh bảo vệ gì cũng phải trên tinh thần Hiến pháp và pháp luật. Ta vì dân nhưng phải giải quyết được việc chứ lộn xộn thêm là gay. Hầu hết quyền dân sự ta giải quyết được hết rồi. Số việc không có luật áp dụng rất ít nhưng lại rất phức tạp và rất khó” – ông Hiện khuyến cáo cần tính toán kỹ lưỡng về quy định.

Phó Chánh án TAND Tối cao Tống Anh Hào phân tích, xuất phát từ tinh thần của Hiến pháp là toà án có trách nhiệm bảo vệ công lý, quyền con người nên rõ ràng tòa án không thể từ chối vì lý do chưa có điều luật quy định cụ thể... Nếu có tranh chấp, cơ quan thực hiện quyền tư pháp không đứng ra giải quyết mà để dân tự giải quyết thì khó đảm bảo trật tự xã hội, công bằng pháp luật.

Chia sẻ lo ngại của nhiều đại biểu về khả năng quy định này khó thực hiện, ông Hào lập luận, vẫn có một quy định chung của Hiến pháp về những nguyên tắc tương tự, án lệ, lẽ công bằng, tập quán, đây là những căn cứ để tòa án xét xử các vụ án này. Đề nghị giữ quy định như trong dự thảo luật, ông Hào quả quyết, chắc chắn sẽ không xảy ra tình trạng tùy tiện trong xét xử.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng chỉ rõ: “Luật chưa hoàn chỉnh nhưng toà giữ cán cân công lý thì toà phải làm. Hiến pháp nói bảo vệ công lý và cũng nói theo pháp luật, nhưng chưa có luật thì phải giải quyết theo lẽ công bằng, lẽ phải, để cuộc sống bình yên để từ đó bổ sung hoàn thiện luật. Toà không xử là không được”.

Chủ tịch Quốc hội phân tích thêm, việc dân sự cốt ở hai bên, nhưng nếu hai bên không giải quyết được thì đưa ra tòa và tòa phải đưa ra nguyên tắc lẽ phải để cầm cân nảy mực, để phán việc này. Nếu không dựa vào tòa thì người dân còn biết dựa vào đâu, biết trông ai giải quyết?

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Pháp lý gì cũng phải có lẽ phải, nếu cứ có luật mới xử, không có luật mặc kệ thì không được”.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cũng kêu gọi cần kiên quyết bảo vệ nguyên tắc toà án không được quyền từ chối yêu cầu của người dân. Nếu luật chưa có quy định thì các thể chế xã hội khác phải bù đắp, hỗ trợ để toà án có căn cứ, có khả năng xét xử được.

Ông Ksor Phước quả quyết: "Trong lịch sử có rất nhiều vụ việc tuy chưa có luật, thậm chí chưa có sắc lệnh, pháp lệnh nhưng chúng ta đều giải quyết được rất tốt. Chẳng hạn ở đồng bào miền núi, 2 hộ dân sống cạnh nhau, không sổ đỏ, không hàng rào, giờ nhà nước yêu cầu làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì 2 bên nảy sinh tranh chấp. Lúc ấy, dù không có giấy tờ gì nhưng rồi toà án vẫn xử lý được, toà án làm trọng tài đứng giữa để giúp hai bên dân sự bàn, thống nhất việc phân chia”.

P.Thảo