Bản án không có khả năng thi hành: Luật sư “hỏi xoáy” hai cấp toà

(Dân trí) - Liên quan đến vụ án “Tranh chấp Hợp đồng tín dụng” mà báo Dân Trí đã đưa tin về việc TAND TP Hà Nội và Tòa phúc thẩm TAND tối cao ban hành các bản án bị phản ứng, luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng luật sư Interla phân tích cho rằng các bản án này không có khả năng thi hành

Thưa luật sư Trương Quốc Hòe, được biết cơ quan thi hành án đã ban hành Quyết định thi hành án số 65/QĐ- CTHA và Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định thi hành án số 14/QĐ- CTHA thi hành Bản án phúc thẩm số 161/2012/KDTM- PT của TAND tối cao, tuy nhiên theo phản ánh của người có tài sản bị thi hành án thì Bản án nêu trên không thể thi hành được do có nhiều sai phạm về nội dung và hình thức. Quan điểm của luật sư về vấn đề này?

Bản án không có khả năng thi hành: Luật sư “hỏi xoáy” hai cấp toà - 1

Luật sư Trương Quốc Hoè phân tích lý do 2 bản án của TAND TP Hà Nội và TAND Tối cao không thể thi hành.

Luật sư Trương Quốc Hòe: Bản án sơ thẩm số 156/2010/KDTM - ST của TAND TP Hà Nội đã tuyên: Công ty Đại Dương phải thanh toán cho Ngân hàng TMCP Đông Nam Á số tiền: 5.427.738.108 (Năm tỷ bốn trăm hai mươi bảy triệu bảy trăm ba mươi tám nghìn một trăm linh tám) đồng (Bao gồm cả nợ gốc, nợ lãi trong hạn và nợ lãi quá hạn). Trong trường hợp Công ty Đại Dương không thanh toán khoản nợ trên thì Ngân hàng TMCP Đông Nam Á có quyền yêu cầu Cục thi hành án dân sự thành phố Hà Nội phát mãi các tài sản thế chấp, trong đó có tài sản thế chấp của ông Khánh, bà Thư. Không đồng ý với Quyết định của Bản án sơ thẩm số 156/2010/KDTM - ST của TAND TP Hà Nội, ông Khánh, bà Thư đã nộp đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án. Ngày 21/08/2012, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội đã xét xử phúc thẩm vụ án ban hành Bản án 161/2012/KDTM- PT, tuyên y án sơ thẩm. Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ vụ án và thẩm định thực tế các thửa đất của ông Khánh, bà Thư đã thế chấp, có thể thấy không thể thi hành được Bản án phúc thẩm số 161/2012/KDTM- PT của TAND tối cao bởi cả hai tài sản thế chấp đều không đủ điều kiện thế chấp và không thể xác định được mốc giới. Cụ thể:

Thứ nhất, tài sản thế chấp không đủ điều kiện thế chấp.

Theo Hợp đồng tín dụng số 206/NH.01 để bảo lãnh cho khoản vay của Công ty cổ phần sản xuất, xuất nhập khẩu dịch vụ và thương mại Đại Dương (Công ty Đại Dương), ông Khánh, bà Thư đã thế chấp hai khối tài sản: Một là, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 116 + 117d, tờ bản đồ số 22, tổ 21, cụm 3, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, GCNQSDĐ số AD 632379, Hai là, quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại thửa đất số (75+76)- 1, tờ bản đồ số 01, tổ 13, cụm 3, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (GCN QSHNƠ và QSDĐƠ) số 103070597-01. Tuy nhiên, tài sản này không đủ điều kiện thế chấp.

Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AD 632379 ông Khánh và bà Thư được quyền sử dụng 120 m2 đất ở tại thửa đất số 116+117d. Tuy nhiên, trên thực tế ngoài 120 m2 đất ở trên thửa đất còn có 132,39m2 đất vườn chưa chuyển đổi mục đích sử dụng theo quy định tại điểm đ, Khoản 1, Điều 36 Luật đất đai. Vì vậy, 132,39m2 đất này chưa được cấp GCN quyền sử dụng đất do đó không đủ điều kiện thế chấp theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 106 Luật đất đai là “có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Tương tự như vậy, đối với thửa đất số (75+76)-1, tờ bản đồ số 01, tổ 13, cụm 3, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, ngoài 90m2 đất ở được cấp GCN, trên mảnh đất còn có 107,5m2 đất vườn chưa chuyển đổi mục đích sử dụng nên cũng không đủ điều kiện để thế chấp ngân hàng theo Điểm a, Khoản 1, Điều 106 Luật đất đai năm 2003. Vì vậy, Hợp đồng thế chấp nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 16.01.09/02/TD – BĐ giữa Ngân hàng TMCP Đông Nam Á và vợ chồng ông Khánh, bà Thư vô hiệu toàn phần vì vi phạm điều cấm của pháp luật.

Bản án không có khả năng thi hành: Luật sư “hỏi xoáy” hai cấp toà - 2

 

Bản án không có khả năng thi hành: Luật sư “hỏi xoáy” hai cấp toà - 3

Bản án của TAND TP Hà Nội bị cho là không có khả năng thi hành án.

Thứ hai, không xác định được mốc giới quyền sử dụng đất ở đã thế chấp.

Trong GCNQSDĐ AD 632379 cơ quan Nhà nước đã không xác định 120m2 đất ở vợ chồng ông Khánh, bà Thư được quyền sử dụng nằm trong phần nào của thửa đất. Phần tài sản trên đất của họ hiện tại là căn nhà ba tầng có diện tích xây dựng là 180 m2 lớn hơn nhiều so với 120m2 đất được ghi nhận trên giấy chứng nhận. Diện tích đất cũng như mốc giới không trùng khớp với diện tích và mốc giới trên GCNQSDĐ, do đó không thể xác định được diện tích phải thi hành án thuộc phần nào của thửa đất trên. Đối với thửa đất số (75+76)-1, trên GCN QSHNƠ & SDĐƠ cũng không có chỉ giới diện tích nhà ở, đất ở được cấp giấy chứng nhận thuộc phần nào trên toàn bộ thửa đất. Vì vậy, việc Tòa án xác định Ngân hàng có quyền yêu cầu Cục thi hành án dân sự thành phố Hà Nội phát mãi tài sản thế của vợ chồng ông Khánh, bà Thư là không có căn cứ để thực hiện được.

Tóm lại, có thể khẳng định Bản án sơ thẩm số 156/2010/KDTM- ST và Bản án phúc thẩm số 161/2012/KDTM - PT là không có căn cứ, không phù hợp giữa thực tế khách quan của vụ án với các quy định pháp luật. Hai Bản án đã không tiến hành thẩm định và xác định rõ nghĩa vụ của bên thế chấp phải thực hiện vị trí nào của thửa đất (phía bắc, phía nam, phía tây, phía đông giáp những đâu). Vì vậy, Cơ quan thi hành án không thể thi hành được Bản án.

Vậy trong trường hợp này cơ quan thi hành án cần phải làm gì để thi hành bản án đã có hiệu lực nói trên?

Luật sư Trương Quốc Hòe: Như tôi phân tích trên đây, Bản án sơ thẩm số 156/2010/KDTM- ST và Bản án phúc thẩm số 161/2012/KDTM - PT không thể thi hành được vì vậy cơ quan thi hành án phải áp dụng Khoản 2, Điều 179 Luật thi hành án dân sự để gửi văn bản đề nghị Tòa phúc thẩm TAND tối cao giải thích nội dung bản án. Việc thi hành bản án sẽ được thực hiện theo Công văn trả lời của Tòa phúc thẩm.

Tuy nhiên, Tòa phúc thẩm trong trường hợp này không thể giải thích được bản án bởi để xác định được mốc giới Tòa án phải triệu tập cơ quan đã cấp GCN cho ông Khánh, bà Thư là Sở tài nguyên môi trường và nhà đất thành phố Hà Nội và UBND quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội tham gia vụ án với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Trường hợp này không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều 1 Thông tư liên tịch 14/2010 của Bộ Tư Pháp – Tòa án nhân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao Hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự: “Trường hợp phát hiện phần quyết định của bản án, quyết định của Toà án có những điểm chưa rõ gây khó khăn cho việc thi hành án hoặc phát hiện lỗi chính tả, số liệu sai sót do nhầm lẫn hoặc tính toán sai thì cơ quan thi hành án có quyền yêu cầu bằng văn bản gửi Toà án đã ra bản án, quyết định giải thích những điểm chưa rõ, đính chính lỗi chính tả hoặc số liệu sai sót. Toà án được yêu cầu có trách nhiệm trả lời về những vấn đề được nêu trong văn bản yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự...”.

Về nguyên tắc, TAND TP Hà Nội và Tòa phúc thẩm TAND tối cao phải triệu tập Sở tài nguyên môi trường và nhà đất thành phố Hà Nội và UBND quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội tham gia vụ án với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để xác định mốc giới diện tích quyền sử dụng đất mà ông Khánh, bà Thư đã được công nhận trong hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước khi ban hành bản án, làm căn cứ pháp lý để cơ quan thi hành án có thể triển khai thi hành đối với bản án. Tuy nhiên, TAND TP Hà Nội và Tòa phúc thẩm TAND tối cao đã bỏ qua bước này vì thế việc ban hành bản án không chính xác, khiến cơ quan thi hành án hoàn toàn “bất lực” trước bản án và thực tế thi hành.

Xin cảm ơn Luật sư!

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế