Bài 6:

Vụ khởi tố bị can ngay tại Toà: Điều ít biết về “gậy” quyền lực tối cao của Toà án

(Dân trí) - Ngay tại phiên tòa phúc thẩm vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”ngày 21/5/2015, HĐXX đã ra quyết định khởi tố vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với bị can Phạm Thu Thủy khiến nhiều người ngỡ ngàng về quyền khởi tố của Toà án. Vậy trong trường hợp nào, Toà án sẽ thực hiện quyền khởi tố của mình?

Quá trình giải quyết một vụ án hình sự là một quá trình đòi hỏi các yêu cầu khắt khe về thủ tục tố tụng, không giống như giải quyết một vụ việc dân sự, kinh tế, lao động hay hành chính. Quá trình này có sự tham gia của nhiều cơ quan và người tiến hành tố tụng khác nhau, nên thẩm quyền của các chủ thể này cũng khác nhau từ lúc khởi tố, điều tra vụ án cho đến giai đoạn xét xử vụ án. Các giai đoạn tố tụng quá trình này được tiến hành như sau: Giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự, giai đoạn truy tố và giai đoạn xét xử vụ án hình sự. Có thể nói, giai đoạn đầu tiên cũng là giai đoạn rất quan trọng của vụ án chính là giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự, “với tính chất là một giai đoạn độc lập và đầu tiên của tố tụng hình sự, giai đoạn khởi tố vụ án hình sự có chức năng thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để xác định các tiền đề pháp luật về nội dung (vật chất) và pháp luật về hình thức (tố tụng) của việc điều tra vụ án hình sự”. Giai đoạn này nhằm làm cơ sở cho việc xác định một người nào đó có hành vi phạm tội (hành vi nguy hiểm cho xã hội) hay không.

Liên quan đến kêu oan của bị cáo Phạm Văn Hải trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HĐXX phúc thẩm thấy cần thiết hủy bản án hình sự sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội để điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm lại.
Liên quan đến kêu oan của bị cáo Phạm Văn Hải trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", HĐXX phúc thẩm thấy cần thiết hủy bản án hình sự sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội để điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm lại.

Tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự quy định: “Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp do Bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội. Không được khởi tố vụ án ngoài những căn cứ và trình tự do Bộ luật này quy định”. Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 104 của Bộ luật này quy định: “Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra”.

Như vậy, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, chủ thể có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự khá rộng, gồm: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án thông qua Hội đồng xét xử. Với ý nghĩa đấu tranh phòng, chống và kịp thời phát hiện tội phạm, việc Bộ luật trên quy định như vậy là nhằm tránh bỏ sót tội phạm. Khi Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiến hành hoạt động điều tra, truy tố không phát hiện được tội phạm, thì đến giai đoạn xét xử tại Tòa án, thông qua việc xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phát hiện đưc “tội phạm mới” hoặc “người phạm tội mới” sẽ có thẩm quyền khởi tố vụ án.

Tuy nhiên, quyền hạn này của tòa án lại ít được cơ quan này lựa chọn và phát huy, thay vào đó, Tòa án thường sẽ có xu hướng “đẩy” việc khởi tố về cho phía VKS. Chính vì thế, trên thực tế rất ít người dân biết được quyền hạn này của Tòa án. Nếu như họ không nghiên cứu sâu vào các quy định của pháp luật, thì họ sẽ  không biết đến quyền khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can tại tòa của Tòa án thông qua Hội đồng xét xử.

Thời gian vừa qua công luận thường hay nhắc đến vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử đối với bị cáo Ngô Xuân An và Phạm Văn Hải và bị Tòa phúc thẩm - TANDTC xử hủy bản án sơ thẩm.  Ngay tại phiên tòa phúc thẩm ngày 21/5/2015, HĐXX đã ra quyết định khởi tố vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với bị can Phạm Thu Thủy.

Luật sư Nguyễn Đào Tơ (VPLS Interla - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định đây là một bước đột phá lớn trong quá trình tố tụng của vụ án, bởi trong các quá trình tố tụng trước đó các cơ quan tiến hành tố tụng đã có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và quyết định của TANDTC tại phiên tòa phúc thẩm giống như một “màn cứu cánh” để khắc phục những thiếu sót đang tồn tại trong vụ án. Bên cạnh đó rất nhiều vấn đề được yêu cầu xác minh, điều tra nhưng cơ quan CSĐT và các điều tra viên vẫn không làm rõ. Chính vì vậy, vụ án không được xét xử một cách khách quan, minh bạch, toàn diện, có thể gây oan sai cho người vô tội và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Theo Ls. Tơ, trong suốt quá trình điều tra, cơ quan CSĐT không xem xét, điều tra, làm rõ các hành vi phạm tội của Phạm Thu Thủy, mặc dù VKSND TP Hà Nội và TAND TP Hà Nội đã nhiều lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung về vấn đề này. Tại Kết luận điều tra số 254/KLĐT ngày 06/06/2013, cơ quan CSĐT còn cho rằng: “Bà Thủy xác nhận có viết giấy nhận tiền và chi phí sử dụng số tiền của bà Mười là do Phạm Văn Hải và chồng Ngô Xuân An chỉ đạo, việc Hải và An làm ra bộ giấy tờ giả giao cho bà Mười để chiếm đoạt tiền. Xét thấy chưa đủ cơ sở xác định ý thức chủ quan về vai trò đồng phạm trong vụ án của bà Thủy nên cơ quan CSĐT không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Thủy”.

 

Vụ khởi tố bị can ngay tại Toà: Điều ít biết về “gậy” quyền lực tối cao của Toà án - 2
Có trạng truy tố các bị can trong vụ án chiếm đoạt tài sản của VKSND TP Hà Nội không có tên Phạm Thu Thuỷ, bị can bị TAND Tối cao khởi tố tại Toà.

Có trạng truy tố các bị can trong vụ án chiếm đoạt tài sản của VKSND TP Hà Nội không có tên Phạm Thu Thuỷ, bị can bị TAND Tối cao khởi tố tại Toà.

Tuy nhiên, kết luận của cơ quan CSĐT - CA TP Hà Nội, VKSND TP Hà Nội và TAND TP Hà Nội là hoàn toàn không chính xác. Các cơ quan tố tụng chưa làm rõ và có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với Phạm Thu Thủy. Hành vi phạm tội của Thủy có đầy đủ chứng cứ chứng minh như sau:

Phạm Thu Thủy là cổ đông và là kế toán trưởng của Công ty CP BĐS Hà Đông. Với vai trò là một kế toán trưởng, Thủy phải là người nắm rõ và hiểu biết về trách nhiệm của mình trong các hoạt động thu chi của Công ty theo pháp luật. Thủy là người trực tiếp thu tiền trong bốn lần bà Mười giao tiền, trong các giấy nhận tiền từ ngày 29/03/2011 đến ngày 08/04/2011 thể hiện bà Mười đã bốn lần giao tiền 9,6 tỷ đồng cho vợ chồng An, Thủy. Toàn bộ số tiền mà vợ chồng An, Thủy chiếm đoạt của bà Mười đều do Thủy là người trực tiếp chi toàn bộ. Rõ ràng đây là số tiền bà Mười nộp để mua đất làng nghề, tuy nhiên, Thủy lại sử dụng số tiền đó vào mục đích chi cho các khoản dự án của công ty Viễn Đông. Như đã nói ở trên, Thủy với vai trò là kế toán trưởng của Công ty BĐS Hà Đông, Thủy phải là người nắm rõ nghiệp vụ và phải chịu trách nhiệm với hoạt động quản lý tài chính của công ty. Trong quá trình điều tra, Thủy luôn khẳng định các khoản chi tiêu đều không ghi sổ sách theo dõi, không giấy tờ biên nhận tiền và hiện đã chi tiêu, sử dụng hết số tiền này. Hành vi này hoàn toàn vi phạm quy định của pháp luật về kế toán. Trong vụ án này Phạm Thu Thủy và Ngô Xuân An là hai vợ chồng. Trong khi đó, An lại là người trực tiếp giao dịch mua đất làng nghề với bà Mười, trao đổi các thông tin, nhận tiền và đưa cho bà Mười giấy tờ giả. Ngoài công ty BĐS Hà Đông, Thủy cũng làm việc tại công ty Viễn Đông và có vai trò làm giám đốc tại công ty này. Rõ ràng, về ý thức, Thủy có đầy đủ hiểu biết và sự tỉnh táo để biết mình đang làm gì và việc làm của mình sẽ dẫn đến kết quả ra sao.

Hành vi của Phạm Thu Thủy hoàn toàn thỏa mãn dấu hiệu chiếm đoạt số tiền của bà Mười và đóng vai trò đồng phạm giúp sức cho An trong vụ án này. Xét thấy, quá trình điều tra của cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng cũng như vi phạm nguyên tắc “Xác định sự thật của vụ án” quy định tại Điều 10 BLTTHS và nguyên tắc suy đoán vô tội có thể dẫn đến hậu quả gây oan sai cho người vô tội và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Với vai trò, trách nhiệm và nắm quyền kiểm sát hoạt động tố tụng, VKSND TP Hà Nội đã không đánh giá, nhìn nhận vụ án một cách chính xác, khách quan. Cùng một vụ án, nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, vị kiểm sát viên - VKSNDTC giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đánh giá vụ án theo tội danh quy định tại Điều 140 BLHS nhưng VKSND TP Hà Nội đã thiếu trách nhiệm dẫn đến hệ quả đó là xác định sai tội danh của bị cáo Ngô Xuân An, truy cứu trách nhiệm hình sự không đúng đối với ông Hải và bỏ lọt tội phạm đối với hành vi của Phạm Thu Thủy.

Còn về phía TAND TP Hà Nội, trong quá trình thụ lý hồ sơ và xét xử vụ án, tòa án đã không kiên quyết thực hiện đúng chức năng của mình khi các tình tiết trong hồ sơ còn nhiều điểm nghi vấn. Rõ ràng, theo Điều 104 BLTTHS quy định Tòa án có quyền khởi tố tại tòa nếu xét thấy có “tội phạm mới” hoặc “người phạm tội mới”, tuy nhiên giai đoạn này TAND TP Hà Nội đã không sử dụng quyền này theo đúng thẩm quyền mà pháp luật quy định, mặc dù trước đó đã nhiều lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung về các tình tiết nói trên. Chúng tôi có thể thấy sự thiếu trách nhiệm trong quá trình xét xử của TAND TP Hà Nội trong một vụ án có nhiều tình tiết mâu thuẫn, phức tạp như thế này.

Còn theo Luật sư Trương Quốc Hòe (Trưởng VPLS Interla - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) thì trong vụ án này, cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội, VKSND TP Hà Nội, TAND TP Hà Nội đã không điều tra, truy tố và xét xử một cách khách quan, chính xác các tình tiết trong vụ án cũng như các hành vi phạm tội của Thủy. Do đó, ngay tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX đã ra quyết định khởi tố bị can Phạm Thu Thủy về hành vi phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Vì thế, công luận có thể sẽ dấy lên những nghi ngờ về năng lực và tính khách quan của các cơ quan tiến hành tố tụng trên. Việc HĐXX cấp phúc thẩm vận dụng đúng thẩm quyền tối cao của Tòa án để xác minh, làm rõ tội phạm trong vụ án này nói riêng và trong lĩnh vực xét xử nói chung đã có ý nghĩa rất lớn đối với việc xác định sự thật của vụ án, không bỏ lọt tội phạm, xử lý đúng người đúng tội.

Anh Thế (thực hiện)