Chủ tịch Quốc hội: “Thu nhập 9 triệu đồng/tháng chỉ đủ sống”
(Dân trí) - “Tôi thấy mức giảm trừ gia cảnh nâng lên 9 triệu đồng hợp lý vì mức đó chỉ đủ sống tạm. 9 triệu là thu nhập chưa cao” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói trong phiên thảo luận về dự luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi tại Thường vụ chiều 12/9.
Về đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 4 triệu đồng/tháng đối với bản thân người nộp thuế lên mức 9 triệu đồng và từ mức 1,6 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc lên mức 3,6 triệu đồng của Chính phủ, UB Tài chính Ngân sách không tán thành. Cơ quan thẩm tra cho rằng, Chính phủ chưa phân tích, chứng minh rõ những bất hợp lý của mức giảm trừ hiện hành, chưa xác định cụ thể tiêu chí, cơ sở khoa học và thực tiễn để đưa ra mức giảm trừ mới.
Trong khi đó, theo ước tính của Chính phủ, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh sẽ dẫn đến giảm thu NSNN 6 tháng cuối năm 2013 khoảng 5.200 tỷ đồng và giảm thu cả năm 2014 khoảng 13.350 tỷ đồng. Và việc giảm thu này sẽ tiếp tục trong những năm tiếp sau.
Tuy nhiên, cả mức đề xuất của Chính phủ và UB Tài chính ngân sách đều nhận quan điểm băn khoăn của Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai. Bà Mai yêu cầu đại diện 2 cơ quan làm rõ hơn cơ sở để đưa ra những mức điều chỉnh trên.
Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai lý giải, các con số 9 triệu và 3,6 triệu được xây dựng trên cơ sở tham chiếu các chỉ tiêu GDP bình quân đầu người. Mức thu nhập, chi tiêu trung bình của xã hội, tiền lương tối thiểu và bằng khoảng 2,5 lần GDP bình quân đầu người tại thời điểm Luật có hiệu lực năm 2009 và bằng khoảng 1,7 lần GDP bình quân đầu người năm 2011.
Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển lại lập luận, mức lương tối thiểu hiện tại là 1,05 triệu đồng đã được xác định là mức để đảm bảo có điều kiện sống. Mức 7 triệu đồng cơ quan thẩm tra đề xuất đã cao hơn mức lương tối thiểu này trên 6 lần, là hoàn toàn hợp lý.
Ông Hiển lấy ví dụ, lương của một kỹ sư mới ra trường hưởng hệ số 2,34, mỗi tháng cũng chỉ có 2,7-2,8 triệu đồng tiền lương, thấp hơn hẳn mức 3,6 triệu đồng Chính phủ đưa ra.
“Mức nâng như Chính phủ đề xuất tôi sợ nhanh quá. Chúng ta sẽ phải bỏ ra 10.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách, trong khi còn bao nhiêu vấn đề xã hội phải giải quyết” – ông Hiển phân tích.
Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách cũng cảnh báo, áp dụng mức giảm trừ lớn sẽ làm sai lệch bản chất của thuế thu nhập cá nhân, đưa thuế này trở thành thuế thu nhập cao thông qua việc thu hẹp quá lớn số lượng người nộp thuế; ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước, không duy trì và phát huy kết quả đạt được trong quá trình thực thi luật thời gian qua.
“Bác” những lo lắng của ông Hiển, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nêu quan điểm nhất trí cao với tờ trình của Chính phủ và hoàn toàn không nhất trí với ý kiến thẩm tra. Theo ông Sơn, không lý gì Chính phủ “thương dân đề xuất nâng lên” Quốc hội lại đòi hạ xuống.
“Chính phủ thương dân, mình đại diện cho dân mình có thương dân không? Tại sao mình không đề nghị nâng lên mà lại đòi hạ xuống? Nếu có đưa ra Quốc hội thì Quốc hội cũng sẽ ủng hộ Chính phủ thôi”, ông Sơn nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gợi ý cần phân tích xem thu nhập mức nào là cao. “Tôi áng áng thấy mức giảm trừ gia cảnh Chính phủ đưa ra cũng được. Mức ấy đủ sống tạm thôi, 9 triệu là thu nhập chưa cao” – ông Hùng đánh giá.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý đồng tình với nhận định “9 triệu đồng chưa phải là thu nhập cao”.
Chủ nhiệm UB Đối ngoại Trần Văn Hằng cũng phân tích ở khía cạnh, hiện tại, số chịu thuế chiếm 10% người có thu nhập không thể gọi là ít. Vậy nên xác định tăng tiêu chuẩn nhu cầu tối thiểu của người dân, hạ bớt vài bậc chịu thuế là hợp lý.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện thì cho rằng không cần đặt nặng lo ngại về vấn đề giảm thu ngân sách. “Nếu Chính phủ cảm thấy nâng được mức khởi điểm lên 9 triệu mà không ảnh hưởng đến ngân sách thì tôi hoan nghênh. Chúng ta có nhiều việc để tiết kiệm, nhiều cách để huy động. Hàng trăm nghìn tỷ đồng vẫn có thể huy động được, không nên quá tính toán” – ông Hiện phát biểu.
Theo tính toán của UB Tài chính ngân sách, áp dụng mức đề xuất của Chính phủ, sẽ chỉ còn khoảng 1 triệu người phải nộp thuế thu nhập cá nhân thay vì 3,87 triệu người hiện nay. Như vậy bản chất của thuế thu nhập cá nhân sẽ chuyển thành thuế thu nhập cao. Việc áp dụng giảm trừ gia cảnh cao sẽ làm mất ý nghĩa điều tiết thu nhập từ người có thu nhập cao. Bởi những người thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân theo luật hiện hành xét trên mặt bằng chung hiện nay đang là những người có thu nhập cao trong xã hội. Nếu giảm thuế đáng kể với những đối tượng này sẽ không mang nhiều ý nghĩa giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế nhưng lại dẫn đến giảm thu ngân sách. Mức giảm trừ mới cũng chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và chưa đảm bảo tương quan với các nước trong khu vực. Khi quy mô các khoản trừ cho người nộp thuế và người phụ thuộc ở một số nước nhìn chung đều ở mức xung quanh một lần mức GDP bình quân đầu người. Thực tế, có một bộ phận cán bộ công chức đang hưởng mức lương thấp hơn mức giảm trừ gia cảnh (3,6 triệu đồng). |
P.Thảo