Chủ tịch Quốc hội nói về công tác nhân sự tại kỳ họp bất thường

Thế Kha

(Dân trí) - "Quốc hội sẽ xem xét, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với một số đại biểu Quốc hội và xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm một số thành viên Chính phủ", ông Vương Đình Huệ nói.

Phát biểu khai mạc kỳ họp bất thường sáng 5/1, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, vượt qua mọi khó khăn, thách thức trên tầm toàn cầu, đất nước chúng ta bước vào năm 2023 một cách vững chãi và tràn đầy tin tưởng với vận hội mới.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, kỳ họp bất thường lần thứ hai sẽ xem xét, quyết định 5 vấn đề lớn, quan trọng và cấp bách.

Chủ tịch Quốc hội nói về công tác nhân sự tại kỳ họp bất thường - 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp bất thường sáng 5/1 (Ảnh: Nghĩa Đức).

Thứ nhất, về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ, bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

"Căn cứ tờ trình, hồ sơ trình của Chính phủ, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, đề nghị Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, nếu đủ điều kiện, quyết định thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia theo thể thức tại một kỳ họp, bảo đảm tính khoa học và khả thi", ông Vương Đình Huệ nói.

Thứ hai, về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Với sự chuẩn bị tích cực, khẩn trương của các cơ quan, đến thời điểm này, dự án luật đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Ông Huệ đề nghị các vị đại biểu tập trung tiếp tục thảo luận, làm rõ thêm một số vấn đề về Hội đồng Y khoa quốc gia; thời hạn, điều kiện, thủ tục cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tiêu chí, điều kiện, các yêu cầu bảo đảm đối với từng cấp chuyên môn kỹ thuật, căn cứ để phân cấp chuyên môn kỹ thuật và chuyển đổi, phân cấp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tài chính và chế độ tự chủ tài chính, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và hoạt động xã hội hóa, thu hút nguồn lực xã hội; phương thức cập nhật kiến thức y khoa liên tục; quy định về chuyên môn kỹ thuật; bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ nhân viên y tế trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; lộ trình thực hiện...

Thứ ba, về tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chính sách đặc thù cho phòng, chống dịch Covid-19 quy định tại Nghị quyết số 30 của Quốc hội.

Ông Vương Đình Huệ đề nghị các vị đại biểu tập trung phân tích đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện về bối cảnh ban hành, kết quả thực hiện Nghị quyết, bài học kinh nghiệm về xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách; đồng thời, cho ý kiến làm rõ cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn và tác động của việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Thứ tư, về vấn đề tài chính, ngân sách nhà nước, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định: Việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương; việc bổ sung dự toán chi thường xuyên từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài năm 2021; việc điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Đây là các nội dung cần trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, nhưng do các cơ quan chưa kịp hoàn thiện hồ sơ, tài liệu theo quy định, nên cần được xem xét, quyết định tại kỳ họp này để đảm bảo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện từ đầu năm 2023.

Thứ năm, về công tác nhân sự. "Quốc hội sẽ xem xét, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với một số đại biểu Quốc hội và xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm một số thành viên Chính phủ", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông tin.

Chủ tịch Quốc hội nói về công tác nhân sự tại kỳ họp bất thường - 2

Theo chương trình, từ 11h trưa nay 5/1 Quốc hội họp riêng về công tác nhân sự (Ảnh: Phạm Thắng).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Kỳ họp bất thường diễn ra ngay trong những ngày đầu năm 2023, đúng vào dịp kỷ niệm 77 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946-6/1/2023), xem xét, quyết định các nội dung hết sức quan trọng.

"Rút kinh nghiệm từ thành công của kỳ họp bất thường lần thứ nhất, kỳ họp bất thường lần này là hoạt động "bình thường" của Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng", Chủ tịch Quốc hội nói.

Chiều 5/1 sẽ xong công tác nhân sự

Theo chương trình kỳ họp bất thường, từ 11h sáng nay 5/1, Quốc hội họp riêng về công tác nhân sự.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và thảo luận ở đoàn về đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ.

Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu kín và thông qua nghị quyết về 2 nội dung trên.

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội đề nghị phê chuẩn, bổ nhiệm nhân sự Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. Quốc hội tiếp tục thảo luận ở đoàn, bỏ phiếu kín và thông qua nghị quyết phê chuẩn nhân sự Phó Thủ tướng mới.

Tại phiên họp bất thường trước đó (30/12/2022), Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã biểu quyết, thống nhất để ông Phạm Bình Minh (Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ) thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII; ông Vũ Đức Đam (Phó Thủ tướng Chính phủ) thôi giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII.

Đồng thời, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho ý kiến về 2 nhân sự để Bộ Chính trị quyết định giới thiệu Quốc hội khóa XV phê chuẩn chức danh Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo quy định.

Trước đó, bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, công tác nhân sự sẽ diễn ra trọn một ngày, từ cuối buổi sáng tới buổi chiều ngày 5/1 sẽ kết thúc.