Chủ tịch Quốc hội: Hậu Giang xuất phát điểm thấp nên phải đi nhanh

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Hậu Giang là tỉnh có xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế nhỏ nên phải đi nhanh hơn.

Sáng 10/10, tại thành phố Vị Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang.

"Điểm sáng" trong bức tranh kinh tế cả nước 

Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và tình hình thực hiện các Nghị quyết Quốc hội, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh liên tục có tốc độ tăng trưởng bứt phá, mức tăng trưởng luôn cao hơn mức bình quân chung.

Cụ thể, năm 2021 đạt 3,28%; năm 2022 đạt 13,94%, đứng thứ tư cả nước; 9 tháng năm 2023, tăng trưởng kinh tế dẫn đầu cả nước, đạt 13,3%. 

Chủ tịch Quốc hội: Hậu Giang xuất phát điểm thấp nên phải đi nhanh - 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc ở Hậu Giang (Ảnh: Bảo Kỳ).

Theo ông Thanh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra 18 chỉ tiêu chủ yếu, kết quả có 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch (tăng trưởng kinh tế; tỷ lệ giảm nghèo; chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX).

Quy mô kinh tế Hậu Giang tăng hơn 10 lần (năm 2004 khoảng 4.700 tỷ đồng, năm 2022 khoảng 48.062 tỷ đồng). 

Thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, bình quân tăng hơn 15%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, công nghiệp tiếp tục tăng trưởng cao, từng bước khẳng định vai trò tạo động lực phát triển cho kinh tế tỉnh.

Phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics ở ĐBSCL

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, quy mô nền kinh tế của Hậu Giang còn nhỏ, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn cả nước, xuất phát điểm thấp, nên Hậu Giang cần tiếp tục duy trì, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của cả nhiệm kỳ cũng như của cả nước.

Phấn đấu đến 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh có nền sản xuất công nghiệp khá, đến năm 2050 trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng ĐBSCL, trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá so với cả nước.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hậu Giang khẩn trương hoàn thành việc trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, chủ động xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện hiệu quả, chất lượng.

Trong đó, coi trọng phát triển cả khu công nghiệp và cụm công nghiệp trong điều kiện quỹ đất đai phục vụ phát triển công nghiệp không còn nhiều, thu hút trên tinh thần lựa chọn rất kỹ lưỡng các nhà đầu tư sử dụng diện tích đất ít nhưng giá trị đầu tư cao. 

Đối với 2 tuyến cao tốc đi ngang địa bàn Hậu Giang, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh cần thực hiện những dự án trọng điểm, nhưng cần lưu ý xây dựng các nút giao, đường gom để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Người đứng đầu Quốc hội cũng đánh giá cao phương châm của tỉnh xác định: "Một tâm; Hai tuyến; Ba thành; Bốn trụ; Năm trọng tâm". Cụ thể:

Một tâm: Phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm phát triển về công nghiệp và đô thị của tỉnh trong trung và dài hạn.

Hai tuyến: Tập trung khai thác phát triển theo 2 tuyến động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối TPHCM và tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối các tỉnh Nam Sông Hậu.

Ba thành: Ưu tiên phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị: TP Vị Thanh, TP Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ.

Bốn trụ: Phát triển 4 trụ cột là công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh, du lịch chất lượng.

Năm trọng tâm: Hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các lĩnh vực; cải cách hành chính - ứng dụng CNTT, chuyển đổi số; hoàn thiện hạ tầng, chú trọng hạ tầng giao thông và công nghiệp; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Với các kiến nghị của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, đại diện các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương có ý kiến trao đổi; Văn phòng Quốc hội tổng hợp các đề xuất, kiến nghị để gửi tới các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ đôn đốc và giám sát quá trình triển khai thực hiện. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khẩn trương xem xét, quyết định theo thẩm quyền.