Chủ tịch Quốc hội: Đại dịch Covid-19 là lời cảnh tỉnh sâu sắc
(Dân trí) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, nhiều bài học đắt giá về ô nhiễm môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh đã được rút ra và đại dịch Covid-19 chính là một lời cảnh tỉnh sâu sắc…
Nội dung trên được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội Thế giới lần thứ 5 (WCSP5) khai mạc tại thủ đô Vienna (Áo) ngày hôm nay, 7/9.
Phiên khai mạc hội nghị có sự tham dự của hơn 100 đoàn các nước là thành viên và quan sát viên. Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Duerte Pacheco; Tổng Thư ký IPU Martin Chungong, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Peter Raggl; Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Áo (Quốc hội) Wolfgang Sobotka; bà Tone Wilhelmsen Troen, Chủ tịch Thượng đỉnh các nữ nghị sĩ nữ dự và phát biểu tại hội nghị.
Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm trưởng đoàn đã tham dự.
Mặc niệm hơn 4 triệu người đã chết vì Covid-19
Hội nghị do Liên minh nghị viện thế giới (IPU), Liên hợp quốc (UN) và Quốc hội Cộng hòa Liên bang Áo phối hợp tổ chức từ ngày 6-8/9. Chủ đề tổng quát của Hội nghị là: "Sự dẫn dắt nghị viện vì chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn nhằm đem lại hòa bình và phát triển bền vững cho người dân và trái đất".
Phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới Martin Chungong chào mừng các Chủ tịch Quốc hội các nước đã đến dự hội nghị, lần đầu tiên lãnh đạo nghị viện thế giới có thể gặp nhau trực tiếp sau 2 năm "giãn cách" vì đại dịch, để cùng xây dựng lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau. Đại dịch Covid-19 cho thấy những thách thức toàn cầu chỉ có thể được giải quyết bởi những nỗ lực toàn cầu; sản xuất và phát triển vắc xin là hy vọng cho loài người vượt qua dịch bệnh…
Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Duerte Pacheco cho rằng việc tổ chức hội nghị trực tiếp lần này thể hiện ý nguyện và nỗ lực của IPU và lãnh đạo các nghị viện trên toàn thế giới. Thế giới đang phải sống chung với dịch bệnh, Chủ tịch IPU cho biết trong hai năm qua trên thế giới đã có hơn 4 triệu người chết vì Covid-19. Nghèo đói cũng như khoảng cách giàu nghèo gia tăng.
Tại lễ khai mạc, các đại biểu đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ hơn 4 triệu người trên thế giới đã chết vì dịch bệnh Covid-19 trong 2 năm qua.
Lời cảnh tỉnh phải quan tâm đến môi trường, sức khỏe con người
Phiên thảo luận toàn thể của IPU diễn ra sau lễ khai mạc, dưới sự chủ trì của Chủ tịch và Tổng thư ký IPU, với chủ đề: "Để đạt được phát triển bền vững đòi hỏi tập trung hơn vào những lĩnh vực nào, hạnh phúc ấm no cho người dân, bảo vệ môi trường hay ưu tiên phát triển kinh tế?".
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ quan điểm cho rằng phát triển bền vững cần chú trọng vào việc chăm lo sức khỏe con người và bảo vệ môi trường hơn là chỉ tập trung cho tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá. Điều này là phù hợp với Mục tiêu phát triển bền vững SDG-2030 của Liên hợp quốc và là sự cân bằng hài hòa của 3 mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường.
Theo Chủ tịch Quốc hội, con người là nguồn tài nguyên, của cải đích thực và quý giá nhất của mọi quốc gia, mục đích phát triển kinh tế - xã hội là để con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển - đó là yếu tố nền tảng vững chắc mang tính quyết định đối với sự phát triển bền vững.
Chủ tịch nhấn mạnh thực tế rút ra rất nhiều bài học đắt giá về ô nhiễm môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh và đại dịch Covid-19 chính là một lời cảnh tỉnh sâu sắc về việc phải quan tâm đến môi trường sống và sức khỏe con người, đầu tư hơn nữa cho hệ thống y tế cộng đồng, luôn sẵn sàng để đối phó với các dịch bệnh khó lường trong tương lai.
Ông nêu rõ, trong chiến lược và kế hoạch phát triển quốc gia, Việt Nam luôn xác định không đánh đổi môi trường cũng như sức khỏe của người dân để lấy tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao, mà luôn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai. Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển trong đó phát triển giáo dục-đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững.
Quốc hội Việt Nam đã thúc đẩy và giám sát việc thực hiện các văn bản pháp luật về chuyển đổi mô hình kinh tế hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Việt Nam rất mong muốn hợp tác, chia sẻ với các quốc gia, các tổ chức quốc tế để bảo đảm ưu tiên cho sức khỏe của người dân, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.
Một số lãnh đạo nghị viện phát biểu tại phiên họp này cũng đề cập đến những thách thức đang nổi lên trên thế giới hiện nay đối với phát triển bền vững như biến đổi khí hậu, an ninh, môi trường…thảo luận làm sao để cân bằng giữa phát triển và giữ gìn môi trường, đảm bảo an sinh, sinh kế cho người dân.
Trước khi diễn ra khai mạc hội nghị WCSP5, ngày 6/9 đã diễn ra hội nghị thượng đỉnh các nữ Chủ tịch Quốc hội lần thứ 13.