Thái Bình:
Chủ tịch phường ký xác nhận cho vợ "thoát nghèo": Không biết vợ mình vay vốn (?!)
(Dân trí) - Mặc dù là người ký xác nhận cho một số cán bộ phường Lê Hồng Phong và vợ mình được vay vốn thoát nghèo của Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh Thái Bình, nhưng ông Đặng Xuân Hậu cho biết, mình không hề hay biết vợ mình có trong danh sách phê duyệt vay tiền.
>> Vụ Chủ tịch phường xác nhận cho vợ vay vốn thoát nghèo: Người vay khai báo không trung thực
>> Chủ tịch phường ký xác nhận cho... vợ vay vốn "thoát nghèo"
Liên quan đến sự việc, ông Đặng Xuân Hậu, Chủ tịch phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình, là Trưởng ban giảm nghèo phường Lê Hồng Phong đã ký xác nhận cho ít nhất 5 trường hợp đang là cán bộ công chức, viên chức công tác tại phường được vay vốn “thoát nghèo” của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) chi nhánh Thái Bình, trong danh sách đó có cả vợ ông.
Vào tháng 10/2018, phía Ngân hàng CSXH nắm bắt được thông tin nhiều hộ vay vốn thoát nghèo sử dụng vốn sai mục đích, phía Ngân hàng CSXH đã tiến hành kiểm tra và phát hiện có 6 hộ vi phạm. Mặc dù chưa kết thúc đợt kiểm tra, nhưng đã có 8 hộ tự giác mang số tiền vay “thoát nghèo” đến ngân hàng trả lại trước thời hạn. Ngân hàng CSXH cũng đã thu hồi 375 triệu đồng tiền vốn sử dụng sai mục đích để giải ngân lại cho các trường hợp khác.
Trong danh sách vay vốn thoát nghèo của phường Lê Hồng Phong có bà Hoàng Thị Ánh Nguyệt (là vợ của ông Đặng Xuân Hậu) được vay 50 triệu đồng với mục đích sửa chữa cửa hàng kinh doanh giải khát từ nguồn vốn thoát nghèo. Khi đoàn Ngân hàng CSXH đến kiểm tra phát hiện bà Nguyệt không hề kinh doanh như đã khai trên hồ sơ.
Ông Đặng Xuân Hậu, Chủ tịch phường Lê Hồng Phong xác nhận, việc vợ ông và một số cán bộ phường Lê Hồng Phong được vay vốn thoát nghèo từ Ngân hàng CSXH là có thật. Ông nói việc xác nhận danh sách vay vốn thoát nghèo ông Hậu giao cho Chủ tịch Hội phụ nữ làm. Danh sách Hội Phụ nữ lập trình lên như thế nào thì ông ký như thế chứ cũng không để ý trong đó có vợ mình (?!).
Ông Hậu cho biết: “Tôi không hề biết vợ mình có trong danh sách vay vốn. Khi sự việc phát hiện, tôi có hỏi lại cấp dưới thì mới biết các đồng chí ấy tạo điều kiện để cho vợ tôi vay vốn, sửa chữa quán giải khát, quán này do vợ tôi mua chung với người anh trong gia đình”.
Theo ông Hậu thì hiện nay, phường Lê Hồng Phong có 41 hộ nghèo, hơn 20 hộ cận nghèo và khá nhiều hộ vừa thoát nghèo. Lãi suất của ngân hàng CSXH không quá thấp, gần như tiệm cận với ngân hàng khác. Khi Tổ tín nhiệm vay vốn lập danh sách, rất ít người có nhu cầu, nên đã mở rộng đối tượng.
Việc ký duyệt cho các cán bộ phường trong đó có vợ và Phó bí thư phường được vay vốn thoát nghèo là sai đối tượng. Tuy nhiên, ông cũng lý giải, cấp dưới của ông còn có đời sống kinh tế khó khăn nên mới vay để tăng thu nhập.
Sau khi báo chí phản ánh sự việc một số hộ vay vốn thoát nghèo không thuộc đối tượng thoát nghèo mà vẫn được vay tiền, Ngân hàng CSXH Thái Bình đã yêu cầu UBND các phường, xã trên địa bàn tỉnh Thái Bình tiến hành rà soát các đối tượng vay, tránh có vi phạm tương tự.
Theo lý giải của ông Vũ Văn Thuân, Phó giám đốc ngân hàng CSXH Thái Bình, trong hồ sơ vay vốn, những người vay vốn đều ghi ở phần nghề nghiệp là lao động tự do. Họ đã khai báo không trung thực dẫn đến công tác giải ngân sai đối tượng. Việc nguồn vốn thoát nghèo bố trí sai đối tượng là lỗi của cấp chính quyền địa phương. Ban giám đốc ngân hàng CSXH Thái Bình đã nhắc nhở và yêu cầu ban quản lý tổ tiết kiệm vay vốn phường Lê Hồng Phong rút kinh nghiệm.
Minh Tuyến