1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên Phủ

Có thể nói, một trong những yếu tố quan trọng làm nên chiến thắng trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 nói chung, đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ, là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh của cả nước ra trận.

Đằng sau sức mạnh đó là Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, người chỉ huy tối cao của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Bài 1: Sức mạnh của đại đoàn kết

Xuất phát từ lòng yêu nước, nhân dân ta trên khắp mọi miền của Tổ quốc, được tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường, đã chung sức chung lòng, đoàn kết thành một khối thống nhất, đưa đất nước vượt qua mọi thử thách, lập nên những chiến công vang dội. Trong thời đại Hồ Chí Minh, chiến thắng ấy không chỉ là thể hiện, là kết tinh sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, mà cao hơn, còn là biểu tượng sáng ngời của sức mạnh đại đoàn kết. Biểu tượng ấy vừa có hàm ý nhấn mạnh tầm vóc to lớn của chiến thắng, cũng là quy mô của sức mạnh đại đoàn kết, lại vừa có thể hiện tính đúng đắn của tư tưởng đã tạo nên sức mạnh ấy-tư tưởng Hồ Chí Minh, và đường lối xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc của Đảng ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng tại Chiến khu Việt Bắc,
tháng 12/1953.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng tại Chiến khu Việt Bắc, tháng 12/1953.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dân tộc ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn. Nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước". Trong suốt qua trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân luôn thấm nhuần trong các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng.

Trong thời kỳ vận động cách mạng Tháng Tám, Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân trong Mặt trận Việt Minh. Sau cách mạng Tháng Tám và suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thông qua những hình thức của mặt trận dân tộc thống nhất như: Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam, rồi Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam..., khối đại đoàn kết toàn dân ấy không ngừng được củng cố và phát triển. Người từng nói: “Có đoàn kết thì tương lai chắc chắn vẻ vang”, “Phải đoàn kết chặt chẽ không phân biệt đảng phái giai cấp, tôn giáo. Đoàn kết tức là lực lượng. Chia rẽ tức là yếu hèn”. Để có mặt trận thống nhất, có đại đoàn kết toàn dân, vấn đề quan trọng là phải điều giải hợp lý quyền lợi giữa các tầng lớp nhân dân. Nhiệm vụ tối cao lúc này là kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, giành lại độc lập dân tộc nhưng Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã giải quyết thỏa đáng những mâu thuẫn quyền lợi giữa các tầng lớp nhân dân không làm ảnh hưởng đến quyền lợi tối cao và không làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân.

Trước chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân ta đã tiến hành nhiều chiến dịch lớn, trong đó huy động sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân. Tuy nhiên, về quy mô, phải tới chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 mà nhất là chiến dịch Điện Biên Phủ, sức mạnh của khối đại đoàn kết mới được huy động ở mức cao nhất. Từ cuối 1950 đến tháng 4/1953, ta liên tiếp mở 7 chiến dịch lớn. Để phục vụ chiến dịch, ta đã huy động lực lượng dân công của đồng bào các dân tộc trên nhiều miền của Tổ quốc. Trong các chiến dịch trên ta đã huy động 1.298.930 dân công với 29.485.900 ngày công, 4.750 tấn lương thực, thực phẩm. Đến chiến dịch Điện Biên Phủ, tổng quân số tham gia lên tới 53.830 người. Do vậy, chúng ta phải huy động một lượng vật chất kỹ thuật, lương thực thực phẩm lớn. Trong khi đó chiến trường Điện Biên Phủ ở cách xa hậu phương có nơi tới 500-600 km, địa thế hiểm trở.

Quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bàn bạc, phân tích rất kỹ để tìm ra phương án thích hợp huy động sức mạnh của toàn quốc chi viện cho chiến dịch đảm bảo chắc thắng. Một cuộc vận động nhân dân chi viện Điện Biên Phủ đã được triển khai rầm rộ, với quy mô lớn chưa từng có. Hội đồng cung cấp Mặt trận được thành lập để chỉ đạo các địa phương, các ngành kinh tế, tài chính, tổ chức động viên nhân tài vật lực của cả nước. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, Tất cả để đánh thắng”, chỉ trong một thời gian ngắn ta đã huy động được một khối lượng lớn sức người sức của từ nhiều vùng miền, từ nhiều giai cấp, tầng lớp trong cả nước. Theo số lượng tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân đã đóng góp 25.560 tấn gạo, 266 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 26.453 lượt dân công với 18.301.507 ngày công, 20.991 xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và 3.130 chiếc thuyền.

Mỗi một tấn hàng hóa chi viện tới được Tây Bắc đến tay bộ đội là cả một kỳ công của bao người, đổi bao mồ hôi, xương máu của lực lượng vận tải. Để đưa được một lượng lương thực tới nơi phải sử dụng mất một nửa dành cho người vận chuyển trên suốt đường đi. Khắc phục khó khăn trên, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương huy động nguồn hậu cần tại chỗ. Đây là một nguồn rất quan trọng không tốn nhiều công sức vận chuyển, vừa nhanh chóng, vừa đỡ lộ bí mật.

Trong không khí thi đua “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, ở mọi vùng miền, địa phương đều thi đua với nhau chi viện cho mặt trận. Đồng bào cả nước đi sát cánh bên nhau xẻ núi, san đồi, làm đường phá thác để mở lối cho quân đi, cho thuyền chở hàng qua lại. Nhờ những hoạt động trên mà điều lo lắng và khó khăn nhất tưởng chừng như không vượt qua được là vấn đề hậu cần chiến dịch đã được giải quyết rất thành công. Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân đã góp phần tạo nên thành công vượt bậc đó.

Theo Phan Sỹ Phúc (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam - Bộ Quốc phòng)

Baotintuc.vn